Cho dù thuộc hội "Ghét Bếp", nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đều quá quen thuộc trước những dụng cụ thân thuộc như thớt, chảo, muôi, vá,… vẫn thường được gia đình sử dụng hằng ngày. Ai cũng biết công dụng chính của chúng là phục vụ quá trình chế biến và thưởng thức đồ ăn. Tuy vậy, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy trên những dụng cụ này được thiết kế thêm một số chi tiết nhỏ hiếm ai để ý đến, và công dụng thực sự của chúng mới là điều gây bất ngờ.
Thường mỗi khi chúng ta thái thực phẩm xong sẽ nhấc cả chiếc thớt lên để gạt chúng vào bát. Và trong trường hợp này, thức ăn thường rất dễ bị rơi vãi ra ngoài, vừa bị mất một phần thành phẩmlại còn phải mất công dọn dẹp. Và đây chính là lúc công dụng của chiếc lỗ trên mặt thớt thật sự phát huy tác dụng.
Bạn chỉ việc đặt phần lỗ này lên miệng bát và gạt đồ ăn qua đó. Chiếc lỗ này đóng vai trò đưa đồ ăn "đi đúng hướng", rơi thẳng vào bát chứ không bị rơi ra ngoài nữa. Bên cạnh gạt đồ ăn, phần lỗ này cũng sử dụng để gạt bỏ những phần thừa, vỏ, đồ bỏ đi còn lại trên mặt thớt theo cách làm tương tự.
Nồi, chảo thì nhà nào cũng có, nhưng không phải ai cũng dùng đúng công dụng của chiếc lỗ trên cán. Chiếc lỗ này thường có hình bầu dục, gần như 90% người dùng chỉ nghĩ nó được thiết kế để treo nồi, chảo lên trên móc dễ hơn.
Công dụng khác của lỗ hình bầu dục trên cán nồi, chảo chính là dùng như một vị trí để cố định chiếc muôi, thìa, đũa,… khi bạn đang nấu bếp mà muốn nghỉ tay để xử lý một việc khác. Khi đó, bạn chỉ cần cắm cán của đồ vật ấy vào chiếc lỗ này thôi.
Nếu ở nhà bạn là người hay nấu cơm, chắc chắn sẽ nhận thấy dù đã được phủ một lớp chống dính bên ngoài thì các hạt cơm vẫn rất dễ dính vào thành nồi sau khi để qua đêm. Lúc này, để rửa sạch chúng, bạn sẽ phải ngâm nồi với nước và khá tốn thời gian chùi rửa, vừa khó sạch lại dễ làm hỏng lớp chống dính.
Lúc này, những chấm tròn li ti trên muôi xúc cơm chính là "vị cứu tinh" hoàn hảo đấy! Bạn hãy đổ nước vào nồi cho cơm mềm ra, sau đó dùng mặt có các chấm tròn và cọ xát nhẹ nhàng vào hạt cơm bám trên thành nồi. Những chấm tròn này cứng hơn giẻ mềm nhưng lại không làm hư lớp chống dính như miếng bùi nhùi, thế nên sử dụng vô cùng tiện lợi.
Cấu tạo của một chiếc dao bào đa năng thông thường sẽ có thêm 2 bộ phận khác là cái móc nhỏ ở bên cạnh và những lỗ tròn giữa thân. Chúng không phải là thiết kế thừa thãi như nhiều người vẫn nghĩ đâu! Theo đó, chiếc móc ở cạnh bên dao bào được dùng để cậy (lấy) phần mắt, gốc rễ trên thân củ khoai tây, khoai lang, cà rốt,… Còn những lỗ tròn trên thân được sử dụng để mài gừng, tỏi, hành, nghệ, khoai tây,… cho thật nhuyễn để làm gia vị nấu ăn.
Đũa là vật dụng vô cùng quen thuộc của người dân ở các nước châu Á. Đặc biệt khi vào các nhà hàng, bạn thường được cung cấp những đôi đũa sử dụng 1 lần có bọc giấy bên ngoài. Ngoài công dụng giữ vệ sinh đôi đũa cho thực khác trước khi ăn, nó còn được dùng để gấp lại vuông vắn để làm… chỗ kê đũa khi đang ăn đấy!