Cái Chết Đen là tên gọi của một đại dịch (được cho là dịch hạch) xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14, và nó nằm trong số những đại dịch kinh khủng nhất lịch sử loài người. Trong vòng vài thập kỷ, hơn 20 triệu người đã thiệt mạng, giảm ít nhất 30% dân số châu Âu vào thời kỳ bấy giờ.
Sự kiện ấy thực sự kinh khủng và đó là bằng chứng cho thấy thế giới thời xưa có thể kinh khủng đến thế nào. Thế nhưng theo một nghiên cứu từ ĐH Harvard, đã có một hiệu ứng hết sức bất ngờ xảy ra sau khi đại dịch kết thúc. Đó là những phản ứng tích cực từ môi trường.
Cụ thể, các chuyên gia đã theo dõi quá trình ô nhiễm trên toàn cầu qua thời gian, thông qua việc phân tích lõi băng bằng những công nghệ tiên tiến nhất. Kết quả cho thấy quá trình khai khoáng, luyện kim và các ngành công nghiệp liên quan là những yếu tố gây ô nhiễm kinh khủng nhất. Thông qua đó, chúng ta đã đẩy một lượng lớn chì ra môi trường: bao gồm cả khí quyển và nguồn nước.
Nói về chì, đây là một kim loại rất độc hại. Nếu lọt vào cơ thể - dù qua đường hít thở hay ăn uống, chì sẽ phá hủy hệ thần kinh và hệ tiêu hóa, bất kể đó là người hay thú. Trong môi trường vốn không có quá nhiều chì, nhưng thông qua việc khai thác khoáng sản bắt đầu từ 2000 năm trước, nồng độ chì dần tăng lên đến mức nguy hiểm.
Sau khi theo dõi mật độ chì trong các lõi băng, đội nghiên cứu của Harvard nhận thấy hiện tượng lạ trong giai đoạn Cái Chết Đen đạt đỉnh (1349 - 1353). Bầu không khí lúc ấy không còn dấu hiệu của chì, và đó cũng là lần duy nhất nhân loại được hưởng điều đó trong vòng 2000 năm qua.
Giải thích cho điều này, nhóm tác giả cho rằng việc có quá nhiều người chết trong thời gian ngắn đã khiến quá trình khai khoáng giảm mạnh. Con người lúc đó phải ưu tiên tồn tại, thay vì phát triển kinh tế bằng khoáng sản.
"Trong thời gian diễn ra đại dịch Cái Chết Đen, dân số và kinh tế gần như sụp đổ khiến quá trình khai thác kim loại bị đình trệ. Và nhờ vậy, không khí đã trở nên trong lành hơn, nồng độ chì xuống thấp đến mức không thể phát hiện," - Alexander F. More, một trong các tác giả nghiên cứu cho biết.
Cũng theo More thì có thể còn có một vài nguyên nhân khác nữa. Tuy nhiên, mức độ giảm của chì trong giai đoạn này là rất đáng kể, cần phải có một sự kiện thực sự lớn mới có thể giải thích được. Và trong trường hợp này, đó chính là Cái Chết Đen.
Mật độ chì trong không khí qua từng giai đoạn
Dù vậy, kết quả của nghiên cứu cũng gây ra nhiều tranh luận về. Các bằng chứng cho thấy việc dân số tồn tại quá đông đã khiến Trái đất chịu áp lực rất lớn, từ đó khiến nhiều người đưa ra ý tưởng rằng Trái đất đã tự mình "chữa trị" bằng cách loại bớt "mầm bệnh" - trong trường hợp này chính là con người.
Ý tưởng này có phần tàn nhẫn, nhưng cũng phần nào phản ánh được nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của các quốc gia trên thế giới là kiểm soát dân số. Dân số được kiềm chế sẽ giảm bớt được lượng tài nguyên cần thiết, giảm được lượng chì trong khí quyển, và hiển nhiên là cơn khủng hoảng rác nhựa cũng không kinh khủng như hiện nay.