Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh giảm tại hai kỳ hạn dài 24 và 36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng giảm 0,2 điểm%, xuống còn 5,6%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng giảm tương tự, còn 5,8%/năm. Đối với các kỳ hạn còn lại, OCB duy trì mức lãi suất như đã niêm yết trong hai tháng qua.
OCB là một trong những ngân hàng đi ngược với xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động chung của thị trường. Trước đó, Bac A Bank, SeABank và ABBank cũng đã có động thái tương tự.
Theo biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 14/8, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,05 – 0,2 điểm % ở tất cả các kỳ hạn gửi.
Trong tuần đầu tháng 8, SeABank cũng đã giảm đồng loạt 0,25%/năm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Trước đó, ngân hàng này từng tăng lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, mức dẫn đầu thị trường.
Mới đây, ABBank cũng đã giảm lãi suất tiền gửi online tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm%, xuống mức 4,0%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm %, xuống mức 5,0%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống mức 5,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống mức 6,0%/năm.
Đà tăng lãi suất huy động đã dấu hiệu chững lại trong tuần qua sau khi diễn ra trên diện rộng trong tháng 6, tháng 7 và đầu tháng 8. Không chỉ xuất hiện những ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất, thị trường tuần qua cũng chỉ ghi nhận một nhà băng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn.
Diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi bứt tốc mạnh mẽ vào cuối quý 2. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2023 đã giảm còn 5,3% vào ngày 17/7, sau khi tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6.
Trong một diễn biến khác, từ phiên 5/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng loạt giảm 0,25 điểm % lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu khi áp lực tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt. Động thái này được đánh giá sẽ giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
"Điều này cho thấy NHNN đang tự tin trong vấn đề kiểm soát tỷ giá và NHNN sẵn sàng thực hiện các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế khi có cơ hội", Chứng khoán Phú Hưng nhận định.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận những dấu hiệu khả quan, cùng định hướng điều hành của NHNN, thanh khoản được kỳ vọng ổn định và dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trở lại.
Trước đó, trong bối cảnh tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp, đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Đồng thời, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.
"Điều này cộng hưởng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024", Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận.
Dù đã có dấu hiệu chậm lại, song lãi suất huy động được dự báo vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024", báo cáo MBS viết.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất.
Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy, VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm để trở về mức trung bình trước dịch Covid-19 là một kịch bản hợp lý.