Đã đến lúc thay đổi quy định 5K phòng, chống Covid-19?

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 16:53 11/03/2022
Chia sẻ

Nhiều ý kiến cho rằng một số điểm trong thông điệp 5K của Bộ Y tế không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay như "khoảng cách", "không tập trung"..., cần có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện khả thi hơn.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 9/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiến nghị sửa đổi thông điệp 5K phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, trong giai đoạn "bình thường mới" hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Các trường học cũng đón học sinh đến học tập trung. Do đó, ngành y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng có hướng dẫn nhưng không thực hiện được.

Ông Nên dẫn chứng, quy định 5K hiện nay có một số điểm không còn phù hợp như quy định về "khoảng cách", "không tập trung"..., cần có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện khả thi hơn. "Từng hướng dẫn phải phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả", ông nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 8/2020 Bộ Y tế ban hành thông điệp 5K gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm/ngày. Thông điệp 5K được duy trì từ đó đến nay khi mà cả nước đã chuyển từ trạng thái "Zero Covid" sang "Thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Đã đến lúc thay đổi quy định 5K phòng, chống Covid-19? - Ảnh 1.

Thông điệp 5K Bộ Y tế ban hành từ tháng 8/2020 và duy trì đến nay

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng nên sửa quy định 5K xuống 2K, giữ lại "Khẩu trang" và "Khử khuẩn" (rửa tay thường xuyên). 3K còn lại không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân.

Theo bác sĩ Khanh, 5K không còn phù hợp trong bối cảnh số ca mắc tăng nhanh tại các địa phương như hiện nay. Đặc biệt, chủng Omicron hiện đang chiếm ưu thế và dần thay thế Delta, điều quan trọng hiện nay là kiểm soát tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Ông phân tích, trong các doanh nghiệp, công ty, nhà hàng, việc yêu cầu giữ khoảng cách là "bất khả thi". Khai báo y tế cũng không còn cần thiết khi mà số ca mắc tăng nhanh, Việt Nam không còn áp dụng những biện pháp truy vết, cách ly như trước đây.

"Cả nước không còn giãn cách như hồi xưa vậy khai báo y tế còn ý nghĩa gì, chỉ khiến thủ tục hành chính thêm phức tạp, gây khó khăn cho người dân", bác sĩ Khanh nói.

Với chủng "Omicron tàng hình", bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. Tuy biến chủng này lây lan nhanh hơn, xét nghiệm khó tìm ra hơn nên các nhà khoa học gán cho cái tên là "tàng hình", nhưng không có giá trị hay bằng chứng về mặt bệnh lý.

Nếu người dân nghi ngờ mắc Covid-19 nhưng khi xét nghiệm lại âm tính, ông Khanh cho rằng một số loại kit test nhanh đời cũ, có thể ít nhạy với biến chủng Omicron dẫn đến "âm tính giả".

Nếu xuất hiện triệu chứng, bác sĩ khuyến cáo người dân tự cách ly, theo dõi sức khỏe và điều trị giống như đang mắc Covid-19, tránh lây lan cho người thân.

Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ cho hay, 5K vẫn là biện pháp dự phòng cá nhân vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, người dân nên hiểu và áp dụng quy định này một cách linh hoạt, tùy từng lúc, từng nơi.

"Nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc", vị chuyên gia lấy ví dụ trong khi ăn uống không đeo khẩu trang nhưng có thể giãn cách; khi xem thi đấu thể thao khó giữ khoảng cách nhưng khán giả nên đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Trong các nhà máy, xí nghiệp, đeo khẩu trang và khử khuẩn cũng rất quan trọng.

Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, việc thực hiện 5K phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất đặc thù mà mỗi ngành, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy... có những hướng dẫn và quy định phù hợp khi thực hiện.

"Tuỳ đối tượng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có những quy định phù hợp trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vị chuyên gia nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, thông điệp 5K bắt nguồn từ khuyến cáo về y tế cộng đồng và xã hội của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron, WHO vẫn nhấn mạnh thực hiện 5K tốt hơn nữa. 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng vẫn khuyến khích người dân tuân thủ nghiêm 5K để cuộc sống sớm ổn định, mở cửa phát triển kinh tế và kìm hãm số ca bệnh không quá cao. 

"Tuân thủ 5K để chúng ta đi làm và sinh hoạt xã hội bình thường, trẻ em được đến trường. Nếu không, xã hội có thể rối loạn khi mà người mắc bệnh không khai báo, vẫn đến chỗ đông người gây lây lan dịch bệnh", ông Dũng nói. 

Về khai báo y tế, ông Dũng cho rằng điều này rất quan trọng. Khai báo y tế giúp người dân được xác định ca mắc, đảm bảo quyền lợi như hưởng bảo hiểm xã hội, tiếp cận y tế, đảm bảo thuốc men và thiết bị.

Đã đến lúc thay đổi quy định 5K phòng, chống Covid-19? - Ảnh 2.
https://kenh14.vn/da-den-luc-thay-doi-quy-dinh-5k-phong-chong-covid-19-20220311164936644.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày