Tin từ BVĐK Trung Ương Cần Thơ cho biết, BV vừa điều trị thành công một trường hợp bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bằng kỹ thuật thay huyết tương.
Bệnh nhân nữ N.D.P, 18 tuổi (Kiên Giang) được tuyến dưới chuyển đến BVĐK Trung Ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, mạch nhanh, sốt cao.
Được tuyến trước chẩn đoán viêm màng não, thiếu máu nặng và giảm nặng số lượng tiểu cầu, thai sống 27 tuần thiểu ối. Sau nhập viện, bệnh nhân chuyển dạ sinh non bé trai, bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi đồng Cần Thơ chăm sóc và điều trị.
Còn thai phụ vẫn trong tình trạng lơ mơ, co giật liên tục, sốt cao 39 - 400C, da xanh, niêm mạc nhợt, số lượng tiểu cầu giảm rất nặng kèm xuất huyết dưới da và vết bầm máu rải rác khắp cơ thể, suy thận tiến triển.
Các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
BS CKII Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc (BVĐK Trung ương Cần Thơ) cho biết: Bệnh nhân hội đủ "ngũ chứng" của ca bệnh chẩn đoán ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng trao đổi huyết tương cùng với các thuốc ức chế miễn dịch. Truyền chế phẩm máu hỗ trợ kết hợp thuốc an thần, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng.
Sau điều trị, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt. Người bệnh không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết sốt, da niêm mạc hồng, không xuất huyết dưới da.
Tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu dần hồi phục và trở về trong giới hạn bình thường, xuất viện ngày hôm qua, 13/12/2021.
Đây là trường hợp thứ 2 mắc ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối được BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị thành công bằng kỹ thuật thay huyết tương. Khi thực hiện kỹ thuật này sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống dưới 15%.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Sự nguy hiểm của bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thy - Trưởng khoa Huyết học truyền máu, BVĐK Trung ương Cần Thơ, ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối là bệnh lý rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 3,7 ca trong 1 triệu dân.
Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do thiếu hụt (bẩm sinh hay di truyền) hoặc ức chế (mắc phải hay miễn dịch) của hoạt động enzyme ADAMTS-13. Mang thai có thể là một yếu tố dẫn đến bệnh lý này.
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối cần phải chẩn đoán nhanh chóng và chính xác. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong. Vì các cục máu nhỏ hình thành trên khắp cơ thể của người bệnh nhưng những cục máu nhỏ này có thể gây hậu quả rất nặng nề.
Các cục máu nhỏ có thể chặn các mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến làm tổn hại chức năng của các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như tim, não và thận.
Thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ kịp thời mổ cấp cứu bắt con cho thai phụ mắc COVID-19 nhiều biến chứng