Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa có cuộc sống thành công tại Canada: Giải đáp loạt thắc mắc về chuyện du học ở đất nước này

Thanh Hương, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:22 29/08/2022

Anh Lê Hùng Phi đã có những chia sẻ hữu ích đến các bạn trẻ đang và sắp có ý định du học tại "xứ sở lá phong".

Trong cộng đồng du học sinh, anh Lê Hùng Phi (hiện 38 tuổi) là cái tên khá nổi tiếng. Dù đã có vợ con nhưng chàng cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM vẫn quyết tâm du học Canada ở tuổi 32. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực, tháng 8/2017, anh lấy học bổng và đón cả gia đình cùng đến Canada.

Tháng 6/2020, anh lấy được thẻ thường trú nhân cho cả gia đình và tậu ngôi nhà đầu tiên. Tháng 3/2021, anh bắt đầu kinh doanh bất động sản. Trước đó, bằng sự nỗ lực không ngừng, anh Lê Hùng Phi đã đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập như:

- Xếp loại học tập luôn đạt A, A+, đạt liên tiếp 5 học bổng và đạt 3 job offers ở Toronto khi còn chưa tốt nghiệp.

- Đạt chứng chỉ CELPIP 9.0 tại Canada (tương đương IELTS 8.0) và bằng TESOL (chứng chỉ đủ điều kiện để trở thành gia sư dạy tiếng Anh cho chính người nước ngoài).

- Đạt điểm thi GPA là 4.35/4.5 và đủ chuyên môn trở thành một gia sư tiếng Anh.

Mới đây nhất, anh Lê Hùng Phi đã viết cuốn sách "Giấc mơ xứ người", kể lại hành trình đi du học, những khó khăn mà mình đã trải qua. Đồng thời, anh Hùng Phi cũng chia sẻ đến những bạn trẻ đang và sắp có ý định đi du học Canada những kinh nghiệm hữu ích. Trong cuốn sách này, anh Lê Hùng Phi cũng giải đáp khá nhiều thắc mắc thường gặp của các bạn trẻ khi đi học tại "xứ sở lá phong".

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa có cuộc sống thành công tại Canada: Giải đáp loạt thắc mắc về chuyện du học ở đất nước này - Ảnh 2.

Anh Lê Hùng Phi.

Một số điều được chia sẻ như sau:

1. Học ngành gì để có thể xin thẻ PR?

Điều đó tùy thuộc vào khả năng của bạn và nhu cầu của chính phủ Canada ở thời điểm bạn đăng ký. Tất nhiên, chẳng ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ được nhận thẻ PR. Mình thường nghiên cứu về 5 ngành mà Canada cần ở thời điểm hiện tại (đa phần là các công việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ như: Hàn xì, sửa điện, sửa xe...). Sau đó, hãy liệt kê ra 5 nghề thích hợp với khả năng và nền tảng học tập, kinh nghiệm làm việc của bạn nhất.

Cuối cùng, đối chiếu lại để xác định nghề bạn nên học. Bạn nên học chương trình 2 năm (tối thiểu là học cao đẳng trong 2 năm, hoặc học 2 chương trình sau đại học/cao đẳng thời hạn 1 năm và có cấp chứng chỉ) để có giấy phép lao động thời hạn 3 năm sau khi tốt nghiệp. Như vậy, bạn sẽ có đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu làm hồ sơ PR.

2. Học phí có đắt không?

Tùy vào trường học và hoàn cảnh của bạn. Học phí cho người có thẻ PR khoảng $6,000, du học sinh quốc tế là $13,000-$17,000/năm học. Học phí bậc đại học hay thạc sĩ đắt hơn nhiều, khoảng $30,000/năm.

3. Giá sách có đắt không/Có được dùng sách photo không?

Sách bản quyền rất đắt, cỡ $50-$200/cuốn hoặc hơn, tùy vào độ dày và giá trị kiến thức của cuốn sách. Một số môn học yêu cầu sách phải có mã bản quyền nên không dùng sách photo được. Bạn có thể dùng sách photo ở nhà để tham khảo, tuyệt đối không mang lên trường/lớp.

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa có cuộc sống thành công tại Canada: Giải đáp loạt thắc mắc về chuyện du học ở đất nước này - Ảnh 3.

4. Có môn nào học bằng tiếng Việt được không, vì em dở tiếng Anh lắm?

Khi rời khỏi Việt Nam rồi thì bạn nên bỏ ý nghĩ dùng tiếng Việt đi, điều này sẽ giúp bạn thích nghi nhanh chóng, học tốt và sống ổn định ở nước ngoài. Nên học lấy IELTS 6.0 ở Việt Nam, như vậy bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và thời gian hơn, so với việc qua Canada học một khóa ESL 4 tháng với mức học phí khoảng $5,000 mà chưa chắc đã hiệu quả.

5. Em có thể vừa học vừa làm mà kiếm đủ tiền đóng học phí không?

Có và không. Một số bạn giỏi giang, tháo vát có thể thu xếp thời gian vừa học tốt vừa đi làm đủ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí, nhưng ít người được như vậy. Hãy nhớ, mục đích chính của bạn là học thật giỏi, nếu quá tập trung vào việc đi làm thì sẽ không còn thời gian học, thi rớt, phải đóng tiền học lại...

Việc này dễ khiến bạn căng thẳng, không còn tâm trí để học hành. Bạn nên biết cân bằng giữa việc học và làm, theo mình, bạn chỉ nên làm vừa đủ để trang trải sinh hoạt phí, khoảng $1,500 mỗi tháng. Nếu ngay từ đầu không có đủ học phí cho 2 năm học (ví dụ, với cao đẳng là khoảng $35,000, xấp xỉ 600 triệu VND) thì không nên bất chấp tất cả để đi du học, vì rủi ro rất lớn.

6. Em nên học ở tỉnh bang nhỏ để dễ có thể PR hay học ở các thành phố lớn như Toronto, Montreal, Vancouver?

Tỉnh bang nhỏ có nhiều chương trình tạo điều kiện trở thành thường trú nhân nhưng lại ít cơ hội việc làm. Mặt khác, sinh hoạt phí và học phí ở đó rẻ hơn 10%-20% so với các thành phố lớn, song lại ít chỗ vui chơi, tiêu khiển, có thể không phù hợp với các bạn trẻ tuổi, năng động và còn độc thân.

Những thành phố lớn thì ít chương trình hỗ trợ làm thẻ PR, sinh hoạt phí mắc hơn, bù lại có nhiều cơ hội việc làm, cũng như khu tham quan, vui chơi cho các bạn trẻ sống xa gia đình. Riêng Montreal và Quebec còn yêu cầu bạn học thêm tiếng Pháp.

Để có thẻ PR, điều quan trọng nhất là kiếm được một công việc toàn thời gian. Nếu biết xây dựng năng lực làm việc và mở rộng mạng lưới các mối quan hệ thì bạn sẽ kiếm được việc làm và nhận thẻ PR ở những tỉnh bang cần đến nghiệp vụ của bạn.

7. Em có thể dễ dàng kiếm được việc làm thêm không?

Cách hữu hiệu nhất để kiếm việc làm thêm là dựa vào mạng lưới quan hệ của bạn, vì đa phần các công việc ở Canada đều là “hidden job” (nghĩa là không đăng tin tuyển dụng công khai hay quảng cáo trên mạng), khi cần tìm người mới, họ hay nhờ người quen hoặc nhân viên hiện tại giới thiệu.

Đừng ngại ngần gì, cứ dấn thân là sẽ có cơ hội thôi, kẹt quá thì thấy tiệm phở nào trên đường, bạn cứ gõ cửa hỏi thử xem họ có cần phụ bếp hay phục vụ bàn không. Lúc nào các bạn cũng nên để một khoản tiền đủ xài trong 2 tháng để phòng hờ, ngộ nhỡ bị đuổi việc giữa chừng thì cũng không phải lo lắng. 2 tháng là dư sức để kiếm được một công việc mới và “sinh tồn” rồi.

Nhìn chung, các công việc làm thêm đều đòi hỏi bạn phải luôn tay luôn chân, chỉ được nghỉ ăn 15-20 phút rồi lại vào làm ngay, vì chủ tính 1 công cho mình theo giờ và trả hằng tuần, họ không muốn bỏ tiền ra cho một người suốt ngày ngơ ngác hoặc vừa làm vừa huýt sáo, bấm điện thoại, lướt mạng chơi game. Bạn phải kiếm cái gì đó để làm, đừng để ngơi tay một phút nào.

Các bạn nên rèn luyện thể lực từ trước và chuẩn bị sẵn tâm lý “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra” để tránh bị sốc văn hóa và bắt kịp nhịp độ của công việc. Ở chỗ làm nào cũng sẽ có người này người kia, kẻ thương người ghét. Ở đây, mình nhận ra, có lẽ mình phải đổi lại định nghĩa về người tốt: “Người tốt không nhất thiết phải là người giúp đỡ mình, chỉ cần là người không hại mình. Nếu được họ dành cho chút thời gian để chia sẻ thì đã là quá tốt rồi.”