Cựu MC thời tiết VTV đình đám chia sẻ loạt kỹ năng sống cần dạy con: Đọc từng câu chữ quá chí lý

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 14:26 22/01/2025
Chia sẻ

"Chẳng có nỗi bất an nào bằng một cuộc gọi nghẹn ngào từ nơi xa: 'Mẹ ơi, con mệt quá, đau quá, buồn quá. Con không biết phải làm sao cả!'".

Là một MC, diễn viên nổi tiếng, Đan Lê còn nhận được sự ngưỡng mộ khi có hôn nhân hạnh phúc bên đạo diễn Khải Anh. "Trái ngọt" của hai người là hai con trai Khải Minh và Khải Nguyên. Nữ diễn viên thường có những chiêm nghiệm sâu sắc về cách nuôi dạy con cái.

Mới đây, cô đã có những chia sẻ về việc dạy kỹ năng sống cho con nhận nhiều sự yêu thích. Đan Lê cho biết, con cái rồi sẽ lớn lên, rời xa vòng tay cha mẹ. Đó là điều tất yếu, nhưng không phải ai cũng chuẩn bị đầy đủ cho thời khắc ấy.

Chúng ta đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc để con được học trường tốt, có tấm bằng giá trị, nhưng đôi khi quên mất: Thành công không chỉ là kiếm ra tiền hay đạt thành tích cao. Một đứa trẻ giỏi giang sách vở nhưng lóng ngóng, không biết tự chăm sóc bản thân hay xử lý những tình huống cơ bản, có thể cảm thấy bối rối, lạc lõng giữa thế giới rộng lớn, phức tạp này.

Và chẳng có nỗi bất an nào bằng một cuộc gọi nghẹn ngào từ nơi xa: "Mẹ ơi, con mệt quá, đau quá, buồn quá. Con không biết phải làm sao cả!".

Cựu MC thời tiết VTV đình đám chia sẻ loạt kỹ năng sống cần dạy con: Đọc từng câu chữ quá chí lý- Ảnh 1.

Đan Lê

Thậm chí có những bạn trẻ còn chẳng gọi tên nổi cảm xúc, rắc rối của mình. Có lẽ vì phụ huynh đã quen LÀM GIÚP con MỌI VIỆC, nghĩ rằng như vậy con sẽ có thêm thời gian học hành.

Nhưng ngoài tri thức, con còn cần kỹ năng sống – những điều nhỏ nhặt nhưng đủ để giúp con vững vàng tự lập, tự tin trước cuộc đời.

KỸ NĂNG SỐNG THEO TỪNG ĐỘ TUỔI

Dưới 10 tuổi: Hình thành thói quen cơ bản

Đây là giai đoạn cha mẹ cần dạy con những kỹ năng cơ bản nhất, giúp trẻ tự phục vụ chính mình:

• Chăm sóc bản thân: Biết tự đánh răng, rửa mặt, gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi.

• An toàn cá nhân: Ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, cách đối phó khi lạc đường, phân biệt người lạ đáng ngờ.

• Sơ cứu đơn giản: Xử lý vết thương nhỏ, biết gọi người lớn khi cần.

• Thói quen nhỏ: Dọn bàn ăn, tưới cây, tự thu dọn sách vở.

10-15 tuổi: Xây dựng sự độc lập ban đầu

Giai đoạn này trẻ cần học cách quản lý bản thân và tương tác với người khác:

• Trong nhà: Giặt đồ, nấu những món ăn cơ bản, tự chuẩn bị bữa sáng hoặc đồ ăn nhẹ.

• Giao tiếp: Cách nói lời cảm ơn, xin lỗi, đặt ra ranh giới khi không thoải mái, nhận trách nhiệm khi mắc lỗi.

• Quản lý thời gian: Lên kế hoạch cho việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa.

• Hiểu về giá trị của tiền: Lập kế hoạch tiết kiệm, biết tiêu tiền hợp lý.

15 tuổi trở lên: Chuẩn bị cho cuộc sống độc lập

Giai đoạn này con cần học những kỹ năng thực tế và phức tạp hơn, chuẩn bị sẵn sàng cho thế giới bên ngoài:

• Quản lý tài chính: Biết làm ngân sách cá nhân, hiểu khái niệm cơ bản về tín dụng, cách mở tài khoản ngân hàng.

• Kỹ năng sống cơ bản: Đặt lịch hẹn với bác sĩ, xử lý sự cố xe, tìm hiểu về bảo hiểm.

• Giao tiếp xã hội: Thể hiện sự không đồng ý một cách tôn trọng, biết cách từ chối mà không gây tổn thương, biết thể hiện tình yêu và kết thúc một mối quan hệ văn minh, biết ứng xử, ăn mặc, tác phong trong các sự kiện quan trọng.

• Định hướng nghề nghiệp: Tìm việc làm thêm, xây dựng CV, chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.

"Một đứa trẻ biết cách cảm ơn, xin lỗi chân thành có thể dễ dàng kết nối với người khác. Một thanh niên biết cách nói 'không' khi cần, sẽ tránh được những áp lực và cám dỗ không đáng có. Và một người trưởng thành biết tự làm bữa ăn đơn giản, biết khiêm tốn nhận lỗi khi sai, chính là người có thể đối mặt với những thử thách mà không cần phụ thuộc vào người khác. Đừng đợi đến lúc con rời tổ ấm mới nhận ra, đôi cánh con chưa đủ mạnh mẽ để bay xa", nữ MC chia sẻ.

Cô nhận định, nhiệm vụ của cha mẹ là cùng con học tập, rèn luyện những kỹ năng này như học văn hóa vậy:

1. Dạy qua trải nghiệm thực tế: Đừng làm thay con. Hãy để con giặt quần áo, nấu ăn, hoặc lên ngân sách khi đi mua sắm.

2. Khuyến khích con hỏi và tự tìm hiểu: Hãy hướng dẫn con cách tìm kiếm thông tin thay vì đưa ra mọi câu trả lời.

3. Làm gương: Cha mẹ cần thể hiện những hành vi tích cực, như cư xử tử tế, quản lý thời gian, để con học hỏi.

4. Bắt đầu sớm và từng bước: Không cần dạy con mọi thứ cùng lúc. Hãy chọn những kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi, từng giai đoạn phát triển.

5. Khích lệ và khen ngợi: Đừng quên công nhận những nỗ lực dù nhỏ của con, vì chính những điều đó giúp con tự tin hơn.

Hành trình của con, cuối cùng, vẫn là hành trình riêng mà con phải tự bước đi.

Cha mẹ chỉ có thể biến những năm tháng bên con thành cơ hội gieo vào lòng con sự vững vàng. Chúng là những bài học nhỏ nhặt, những khoảnh khắc đời thường, nhưng lại có sức mạnh nuôi dưỡng đôi cánh cho con.

Để một ngày, khi con rời tổ, cha mẹ có thể mỉm cười và nói: "Con đã sẵn sàng".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày