Cưới nhau về vẫn không biết chồng kiếm được bao nhiêu tiền, "tăng xin giảm chi" để quản lý tài chính

Nguyệt, Theo Phụ nữ số 19:20 03/11/2024
Chia sẻ

Sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng đã thay đổi nhiều thói quen để giảm áp lực tài chính.

Khó tiết kiệm, nhận làm thêm để gia tăng thu nhập

Mai Ngọc (SN 1997) đang làm nhân viên hành chính, trong khi chồng là giáo viên. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 15-20 triệu đồng/tháng.

Mai Ngọc chia sẻ, chỉ vài tháng sau khi kết hôn thì cô nhận thấy tình hình tài chính của gia đình đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là sau khi đón con chào đời thì khoản chi tiêu của gia đình càng biến động nhiều hơn.

Ở thời điểm mới kết hôn, Mai Ngọc cho rằng mức lương của hai vợ chồng không quá cao, không phù hợp để sinh em bé. Hơn thế nữa, cặp đôi còn muốn tiết kiệm tiền để đầu tư kinh doanh. Con đầu lòng đến một cách bất ngờ, vừa là niềm vui với vợ chồng trẻ, song cũng đặt ra nhiều thử thách cho tình hình tài chính của gia đình.

Để thích nghi với hoàn cảnh mới, vợ chồng Ngọc cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Hai vợ chồng hạn chế các buổi gặp mặt bạn bè, nhu cầu giải trí riêng như đi cafe, đi du lịch xả stress. Bên cạnh đó, Ngọc cũng chủ động giảm tần suất mua sắm như quần áo, mỹ phẩm để dành tiền đầu tư cho con.

"Chồng mình đang cố gắng gia tăng thu nhập từ nghề giáo viên của anh. Trong khi mình đang học thêm về bán hàng online, vì mức lương nhân viên hành chính ở quê không quá cao. Khoảng 1-2 tháng nữa, chúng mình dự tính khi tài chính của nhà ổn định hơn sẽ thử kinh doanh trực tuyến để tạo nguồn thu nhập khác", Ngọc chia sẻ.

Cưới nhau về vẫn không biết chồng kiếm được bao nhiêu tiền,

Ảnh minh hoạ

Cố gắng tiết kiệm chứ không phải chi tiêu dè sản

Gia đình Linh Trần (sinh năm 1993, Hà Nội) cho biết cả hai có cách quản lý chi tiêu khá đặc biệt. Từ khi yêu, cặp đôi đã thống nhất không công khai thu nhập.

"Trước khi có con, vợ chồng mình không có quỹ chung mà sẽ phân chia nhiệm vụ ai trả tiền cho khoản mục nào. Ví dụ: mình sẽ phụ trách tiền điện, nước, đi chợ, mua sắm quần áo, phụ kiện nhà cửa… Còn chồng sẽ phụ trách chi phí ma chay cưới hỏi, tiền đi ăn hàng hoặc tiền đi du lịch", Linh Trần nói rõ thêm.

Được biết lý do quyết định không công khai thu nhập là vì vợ chồng Linh quan điểm không công khai sẽ không có so sánh dẫn đến áp lực rằng bản thân sẽ cần phải kiếm nhiều tiền hơn. Cô nàng giải thích: "Bí mật về kinh tế, mình thấy mỗi lần chi tiêu cho bản thân cũng thoải mái hơn cũng như mua quà cho đối phương cũng không bị hỏi là tiền ở đâu ra. Mình chắc chắn là cả 2 đều sẽ tò mò về số tiền đối phương kiếm được, tuy nhiên điều này sẽ tránh được áp lực tài chính như mình đã nói trước đó".

Sau khi kết hôn, chuyện tiết kiệm trong tài chính gia đình càng được vợ chồng Linh Trần quan tâm hơn. "Tăng xin giảm chi" là cách vợ chồng Linh tiết kiệm tiền. 

Cô nàng chia sẻ: "Mình thấy có nhiều gia đình ngại việc xin hoặc sử dụng lại đồ được cho. Tuy nhiên, nhà mình thì khác, chỉ cần đồ mình thấy cần và phù hợp thì mình sẽ mạnh dạn xin hoặc ngay lập tức nhận lời khi có ai muốn cho". Ví dụ, khi sinh Gừng, từ quần áo sơ sinh, cũi, địu đến đồ chơi… gần như Linh không cần phải mua gì, vì tất cả cô đều được cho hoặc xin được.

Tuy nhiên, gia đình Linh không chạy theo việc chi tiêu dè sẻn mà sẽ cố gắng chi tiêu hợp lý, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết và đã mua là sẽ cố gắng mua đồ chất lượng nhưng vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế.

"Trước kia mình hay mua mấy đồ rẻ tiền vì nghĩ như thế là tiết kiệm. Tuy nhiên sau 1 thời gian, mình thấy những thứ đồ ý rất nhanh hỏng và phải thường xuyên thay. Thế nên bây giờ, khi cần mua đồ gì, mình sẽ ưu tiên đồ xịn, dù giá cả có thể hơi đắt 1 chút nhưng chất lượng tốt và thời gian sử dụng cũng sẽ lâu hơn. Ví dụ, thay vì mua những chiếc hộp nhựa 20-30 nghìn, mình đã dùng hộp khá đắt tiền để đựng thức ăn, nồi chảo cũng ưu tiên những dòng có thương hiệu thay vì chạy theo giá và hình thức,… Thay vì mua 1 sản phẩm giá rẻ, dùng được 1-2 tháng phải thay thì mình nên tiết kiệm để mua 1 thứ xịn và dùng được nhiều năm".

Cưới nhau về vẫn không biết chồng kiếm được bao nhiêu tiền,

Ảnh minh hoạ

Lời khuyên dành cho cặp đôi trẻ dự định kết hôn

Sau trải nghiệm cá nhân, Linh cho rằng nên ổn định kinh tế trước khi kết hôn, để không ai là gánh nặng của ai. Ổn định ở đây là có công việc và nguồn thu đều đặn chứ không nói đến việc nhiều tiền hay ít tiền.

Bên cạnh đó, cô nàng còn chia sẻ một số nguyên tắc chi tiêu giúp gia đình mình quản lý tài chính tốt hơn, đó là: 

- Trước khi mua gì đó, Linh sẽ cân nhắc xem mình thật sự "cần" nó hay chỉ là mình "muốn" nó thôi. Ví dụ, 1 chiếc máy xay, trước khi có Gừng, cô rất thích nhưng quyết định không mua vì chưa thấy cần thiết. Nhưng sau này, khi Gừng ăn dặm, mỗi tuần cô đều cần xay đồ cho con từ 3-5 lần, chiếc máy xay lại trở nên cần thiết nên Linh đã quyết định mua.

- Linh hạn chế ngay lập tức mua 1 thứ gì vừa thoáng qua đầu. Cô sẽ để nó vào giỏ đồ, và nếu 1 tháng sau kiểm giỏ mà vẫn thấy nó cần thiết thì mới nghĩ đến việc chốt đơn.

Còn về phía vợ chồng Mai Ngọc, cô chia sẻ nên chuẩn bị tiền nong kỹ càng trước khi có con, nếu muốn bé được lớn lên trong điều kiện tốt nhất mà tài chính của bố mẹ không biến động quá nhiều. Cô nàng chia sẻ: "Giờ vợ chồng mình làm gì cũng chuẩn bị xa hơn về mặt tài chính, chủ yếu là liên quan đến con. Đó là nghĩ tới sau một năm sẽ gửi con học ở đâu, chi phí thế nào. Mình cũng tính cả chuyện nên nhờ ông bà chăm con bao lâu để còn quay lại công việc".

Bên cạnh đó, trong quá trình kết hôn, vợ chồng nên chủ động thường xuyên thảo luận về tiền bạc với nhau, để tránh những bất hoà không đáng có.

"Hai vợ chồng nên có những cuộc trò chuyện, phân chia và làm rõ trách nhiệm trong việc chi tiêu các khoản cần thiết trong gia đình. Điều này nên làm càng sớm càng tốt, để cả hai bớt ngại ngùng và sẵn sàng nói rõ ràng với nhau về vấn đề này. Như vậy, vợ chồng sẽ hiểu về tài chính của đối phương, cũng như ngăn cho bên kia tiêu xài quá tay", cô nàng bày tỏ.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày