Với kỳ hạn 6 tháng, Agribank là nhà băng trả lãi suất tiết kiệm cao nhất nhóm quốc doanh. Ngân hàng này áp mức 3,7%/năm trong khi lãi suất tiền gửi tại BIDV và VietinBank là 3,3% còn Vietcombank là 2,9%.
Còn với nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng trong nhóm nhỏ và trung bình thậm chí trả lãi suất tiết kiệm trên 5%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Hiện, CBBank đang là nhà băng trả lãi cao nhất hệ thống với kỳ hạn này khi áp dụng mức lãi suất 5,85%. Một số ngân hàng khác trả trên 5%/năm còn có KienlongBank, ABBank, BVBank GPBank, EximBank, HDBank…
Với kỳ hạn 12 tháng, nhóm quốc doanh không chênh lệch nhiều khi tất cả các ngân hàng đều trả lãi suất tiết kiệm dưới 5%, dao động quanh mốc 4,6-4,7%.
Trong hơn 36 ngân hàng trong diện khảo sát, hầu hết các nhà băng tư nhân hiện nay chấp nhận trả lãi suất từ 5-5,5%. Cá biệt, có một số ngân hàng áp lãi suất tiền gửi từ 6% như BVBank, CBBank, GPBank, MSB. Trong đó, MSB là nhà băng có lãi suất tiết kiệm với kỳ hạn 12 tháng cao nhất hiện nay, với 6,3%/năm.
Còn với nhóm nhà băng ngoại, WooriBank đang áp dụng lãi suất 5% với kỳ hạn 1 năm, trong khi đó, các ngân hàng như Shinhan Bank, UOB, HSBC hay Standard Chartered chỉ trả lãi từ 3,15%-4,7% năm.
Kỳ hạn | Nhà băng trả lãi cao nhất |
---|---|
1 tháng | KienlongBank, MSB |
6 tháng | CBBank |
12 tháng | MSB |
18 tháng | EximBank |
Theo thống kê từ đầu tháng 1/2025 đến nay, đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Agribank, Bac A Bank, NCB, MBV, Eximbank, KienlongBank, VietBank. Trong khi đó, Agribank, Nam A Bank, Techcombank, ABBank, SeABank, NCB lại giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn.
Trừ một số giai đoạn tăng nóng như cuối năm 2022, thông thường, gửi tiết kiệm khó cạnh tranh về tỷ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác. Song, kênh này lại được lòng các nhà đầu tư có khẩu vị an toàn nhờ tính thanh khoản ổn định.
Do đó, ngoài diễn biến thị trường, nhà đầu tư cần cân nhắc dựa trên khẩu vị rủi ro cùng kiến thức, kinh nghiệm để tối ưu dòng tiền và khả năng sinh lời.