"Anh Vũ Linh muốn được đứng trên sân khấu đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi hy vọng có phép màu đến với anh nhưng đã không có rồi. Sân khấu đã mất một nghệ sĩ tài danh. Chúng tôi mất một người anh lớn", NSƯT Thoại Mỹ nói với chúng tôi trong nước mắt.
Trưa 5/3, nghệ sĩ Vũ Linh qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Sự ra đi của nghệ sĩ cải lương hàng đầu để lại niềm tiếc thương, xót xa với giới mộ điệu và đồng nghiệp. Là người đồng nghiệp, người em thân thiết, Thoại Mỹ cho biết chị không muốn tin vào sự thật dù biết rõ sức khỏe và bệnh tình của anh.
Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời ở tuổi 65.
Chia sẻ về những ngày cuối đời của nghệ sĩ Vũ Linh, Thoại Mỹ nói trong sự xúc động: "Hai tuần trước, anh phải nhập viện vì đau và khó thở. Căn bệnh ung thư thực quản đã hành anh đau đớn. Anh phát hiện bị bệnh vài năm qua nhưng đã từ chối phẫu thuật. Bác sĩ điều trị cho biết nếu mổ, có thể sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của anh. Với người tâm huyết, sống chết với nghề như anh Vũ Linh, giọng hát và khát khao được hát trước khán giả là hạnh phúc lớn nhất. Anh cũng tâm niệm cha mẹ đã cho anh giọng hát, anh sẽ sống chết với nghề vì vậy anh chọn cách điều trị thay vì phẫu thuật".
Thoại Mỹ kể trong suốt thời gian điều trị bệnh, nghệ sĩ Vũ Linh giữ tinh thần lạc quan. Anh luôn có niềm tin lớn rằng mình sẽ được trở lại sân khấu. Vì vậy, trong lúc chữa trị bệnh, thỉnh thoảng anh vẫn đi hát chầu ở đình hoặc tham gia vở diễn cùng đồng nghiệp. Lần cuối Vũ Linh xuất hiện trong một vở cải lương là Mạnh Thường Quân cùng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và Thoại Mỹ vào tháng 3/2022.
Nữ nghệ sĩ nhớ mãi về lần cuối diễn cùng đàn anh. "Hôm đó, anh chỉ diễn một cảnh. Anh bước ra sân khấu, chúng tôi ai cũng lo lắng, run rẩy. Nhưng bước ra sân khấu, anh ca rất hay, dáng vẻ phong độ, không có dấu hiệu của người bệnh. Có lẽ Tổ thương anh. Có lẽ bước ra sân khấu anh đã dốc hết sức lực, rút hết 'ruột gan' để phục vụ khán giả. Không ngờ đó là lần cuối anh Vũ Linh đứng trên sân khấu", Thoại Mỹ nhớ lại.
Trước đó, chị thường xuyên qua nhà thăm đàn anh. "Tôi cùng Bình Tinh, Võ Minh Lâm… thường qua nhà thăm anh, kể cho anh nghe chuyện đời, chuyện nghề để anh vơi bớt nỗi nhớ sân khấu, quên phần nào cơn đau. Chúng tôi mong có phép màu nhưng điều kỳ diệu đã không đến với người anh của mình", nữ nghệ sĩ tâm sự.
Trong ký ức của Thoại Mỹ, Vũ Linh là người nghệ sĩ có tâm hồn lớn, bao dung. Gắn bó với đàn anh từ đoàn hát, khi chỉ đóng vai phụ, Thoại Mỹ kể cô được Vũ Linh chỉ dạy từng cử chỉ, cách diễn, giọng hát để ngày càng trưởng thành hơn.
"Trong nghề, anh Vũ Linh rất nghiêm khắc. Đàn em mặc đồ sai nhân vật, hát chưa đúng, sẽ bị anh la ngay. Khi tập tuồng, thấy chúng tôi hát và diễn chưa được, anh nhảy lên sân khấu hướng dẫn luôn. Anh không giấu nghề. Anh muốn chúng tôi thành công, được khán giả yêu mến. Làm sao chúng tôi tìm được một người anh trong nghề đáng quý như thế", Thoại Mỹ nhớ lại.
Vũ Linh được đồng nghiệp, đàn em kính trọng vì nhiệt huyết và hết lòng giúp đỡ mọi người.
Là ngôi sao lớn của nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ được đồng nghiệp tôn trọng nhưng ngoài đời, Vũ Linh thân thiện, cởi mở và có tình thương lớn với đàn em. Trong mỗi lần đi diễn, Vũ Linh luôn nấu những món ăn ngon cho đồng nghiệp.
"Trên sân khấu có thể là ngôi sao sáng nhưng ở ngoài, anh luôn là đầu bếp chính, nấu ăn cho chúng tôi. Chúng tôi muốn ăn gì anh cũng chiều. Anh nấu ăn ngon và đam mê nấu ăn. Khi đi nước ngoài lưu diễn, anh cũng bảo vệ, chăm sóc các cô em gái của mình. Chúng tôi đều cảm nhận được tình thương của anh. Vì vậy anh nghiêm khắc trong nghề, có thể mắng, đánh đòn khi chúng tôi diễn chưa tốt nhưng không ai giận. Ngược lại, anh cũng coi anh là người thân, người ơn của mình", Thoại Mỹ nói.
* Nghệ sĩ Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Cố nghệ sĩ mê và theo học hát khá sớm với thầy Văn Vĩ.
Sau đó nghệ sĩ theo đoàn Đồng ấu Hoa Thế Hệ, rồi gánh hát Hoa Anh Đào Kim Chưởng. Tên tuổi NS Vũ Linh gắn với nhiều vở diễn như: Xa Phu Đi Sứ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân Cống Hồ, Bức Ngôn Đồ Đại Việt…
Vũ Linh là ngôi sao hàng đầu, được đặt biệt danh là "ông hoàng" sân khấu tuồng cổ trong thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương đầu thập niên 1980-1990.