Đi từ trung tâm xã Kiên Lao, chúng tôi phải vượt qua chừng 8km đường đồi núi dốc đứng lởm chởm với những hòn đá lớn nhỏ nằm chình ình cùng hố sâu hoắm giữa đường do nước mưa xói mòn, thì mới tiếp cận được thôn Khuôn Thần.
Con đường dẫn vào thôn Khuôn Thần.
Khi buổi chiều buông xuống, bóng tối mờ mịt dần phủ sẫm núi rừng. Những ngôi nhà bé nhỏ nằm lấp ló sau mấy tán cây xen lẫn những làn khói bếp trắng ngần bốc lên trước nền rừng xanh bát ngát, Thôn Khuôn Thần, tỉnh Bắc Giang dần lộ ra.
Thôn Khuôn Thần nằm sâu tận cùng phía sau con đập lớn.
Nằm cô lập như một hòn đảo giữa rừng xanh.
Tách biệt hẳn với thế giới văn minh bên ngoài, thôn Khuôn Thần có khoảng 500 hộ gia đình, chủ yếu là người Nùng. Vừa vào đến đầu thôn, chúng tôi gặp gia đình ông Trần Văn Dìn (59 tuổi) cùng vợ ông là bà Vi Thị Liêng (50 tuổi) đang thu hoạch vải thiều cạnh nhà.
Thấy chúng tôi ông Dìn liền nói: "Phấn khởi lắm, thôn bây giờ có điện rồi, sướng lắm, không còn phải khổ sở như trước nữa".
3 năm trở lại đây, thông Khuôn Thần đã được chính quyền địa phương lắp đặt mạng lưới điện.
Cột chuyển tiếp sóng điện thoại cũng đã được lắp đặt trong thôn.
Qua tìm hiểu được biết, chính quyền nơi đây đã lắp điện từ cuối năm 2015, đến đầu năm 2016 gần như toàn bộ người dân tại thôn Khuôn Thần đã được sử dụng điện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dìn tâm sự: "Giờ có điện rồi thì không còn phải dùng đèn dầu. Được xem tivi, sinh hoạt gia đình cũng thuận tiện hơn nhiều. Mùa màng, được tưới bằng máy bơm không còn phải gánh từng xô nước như trước đây nữa. Mừng nhất là mấy thằng cu con hĩn không còn phải học dưới ánh đèn dầu nữa".
Ông Dìn mừng vì các cháu nhỏ trong làng không phải học con chữ dưới ánh đèn dầu.
Đang ngồi làm vải, bà Liêng (vợ ông Dìn) liền ngó ngó rồi chỉ lên cái cột chuyển tiếp sóng điện thoại được đặt trên ngọn đồi gần nhà: "Ở đây giờ cũng có cái sóng điện thoại để bấm bấm rồi. Trước đây điện thoại về làng là thành cái đèn pin chỉ để soi đường thôi. Có tranh thủ nạp lúc bật máy nổ thì cũng chỉ bấm bấm cho vui rồi soi đường chứ làm gì có sóng bay vào đến đây".
Đi sâu vào chừng 3km chúng tôi tìm được đến nhà ông Hải trưởng thôn Khuôn Thần, theo ông Hải, người dân tại đây 100% đều đã được chính quyền lắp điện để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên do con đường dẫn vào thôn đi lại còn quá khó khăn nên đời sống kinh tế trong thôn chưa thể cải thiện nhiều.
Người dân nơi đây chủ yếu dùng giếng khơi để lấy nước sinh hoạt
Trong thôn còn khoảng 5 ngôi nhà tạm bợ chưa được xây dựng kiên cố.
"Con đường này ai vào đây cũng sợ, nói là đường cho sang miệng chứ thật ra người dân cứ đi nhiều rồi thành đường. Những thời điểm vụ vải thế này thương lái cũng không ai mò vào đây để cân vì xe không vào được. Trời mưa thì xe máy cũng không thể đi lại nên kinh tế trong thôn không có đổi mới được bao nhiêu", ông Hải tâm sự.
Theo ông Hải, 70% người dân trong thôn mù chữ, dân trí thấp. Tính từ 40 tuổi trở lên người dân gần như không biết chữ, tiếp cận khoa học công nghệ là không có, nên việc phát triển kinh tế trong thôn rất khó khăn.
Bóng tiết kiệm điện được đa số người dân nơi đây sử dụng.
Hiện thôn còn khoảng 5 ngôi nhà tạm bợ. Đa số người dân trong thôn Khuôn Thần sử dụng nước giếng khơi, những gia đình khá giả hơn thì đầu tư ống dẫn nước từ đầu nguồn về sử dụng. Hệ thống điện chiếu sáng thì đã được người dân trong thôn trang bị đầy đủ.
Nguồn thu nhập chính trong thôn dựa vào cây vải thiều. Tuy nhiên, do đường đi lại khó khăn nên người dân phải chở vải đi gần 10km để bán với giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn huyện.
Đối với người dân thôn Khuôn Thần, mong ước lớn nhất hiện tại là có con đường cho các cháu đi kiếm con chữ đỡ vất vả.
Những chiếc máy nổ được người dân sử dụng khi chưa có điện lưới.
"Ở phía bên kia làng, các cháu phải trèo đò qua đi học nhưng nguy hiểm nên giờ cô giáo không cho đi đò nữa rồi. Đi vòng con đường ven rừng này ra ngoài để học cũng phải tám cây số, chỉ mong có con đường nữa thôi để các cháu nó đi học đỡ vất vả", một người dân trong thôn nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Hồng Soan – Chủ tịch UBND xã Kiên Lao cho biết, chính quyền địa phương đã lắp đặt hệ thống điện vào thôn này. Tuy nhiên, về con đường dẫn vào thôn hiện vẫn chưa có chương trình, dự án xây mới hay cải tạo nào.