Mới đây, một người mẹ có tên Tần An (35 tuổi, hiện sống ở thành phố Chiết Giang, Trung Quốc) đăng tải bài viết đẫm nước mắt về nỗi khổ khi thất nghiệp, hết tiền gây chú ý. Cô gọi đây là tấn bi kịch lớn nhất đời người.
Người phụ nữ bất lực. Ảnh minh họa.
“Bạn có biết cảm giác không thể nuôi nổi bản thân cũng không thể lo được tiền sinh hoạt cho con cái không? Hôm nay, con trai đang học ở trường gọi điện cho tôi, nó nói: Mẹ ơi, con không có tiền sinh hoạt, mẹ giúp con nạp tiền thẻ ăn được không?. Tôi liền trả lời: Con trai yêu, mẹ sẽ nạp ngay cho con, con học tốt nhé. Nhưng khi vừa tắt điện thoại tôi đã hoàn toàn sụp đổ và bật khóc nức nở, bởi vì tất cả tài sản của tôi bây giờ cũng không đến 200 tệ (gần 700 nghìn đồng).
Tôi im lặng rất lâu. Tôi nghĩ mình sẽ đi đâu để kiếm vài trăm tệ cho con lo tiền sinh hoạt phí cho nó đây. Cảm giác bất lực này thật sự rất khó chịu, nỗi đau này, chỉ những ai đã trải qua mới hiểu được. Mình ở ngoài không có gì ăn, không có gì mặc cũng không khóc nhưng đối với con cái và cha mẹ, tôi lại cảm thấy vô cùng áy náy.
Xin lỗi con trai, mẹ bất lực, mẹ đến tuổi trung niên vẫn phải lưu lạc nơi xa. Không thể ở bên con mà ngay cả tiền sinh hoạt của con cũng không lo nổi. Tôi rơi vào bi kịch lớn nhất đời người. Tôi thật sự vô dụng”, Tần An chia sẻ.
Sở dĩ bài đăng này nhanh chóng viral là bởi đã và đang “chạm” vào câu chuyện của số đông. Vài năm trở lại đây, 35 tuổi trở lên đang được xem là “lời nguyền”, “bi kịch” khi đi xin việc.
Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc.
Theo Sina, trong năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc rơi vào “báo động đỏ”. Trong đó, những người ở độ tuổi trung niên, từ 35 trở lên đều chia sẻ rằng họ không và thể tìm được việc làm. Nếu tìm được cũng là nhờ giới thiệu, và có mức lương thấp với áp lực rất cao. Song, chi phí sinh hoạt, giá nhà ngày càng tăng cao,.. khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cũng rơi vào cảnh tương tự như người phụ nữ Tần An nêu trên, nhiều người đã phải gửi con cho ông bà đi làm ăn xa. Nhiều cặp vợ chồng vì không trụ lại được ở thành phố đã chọn về quê sinh sống.
Những người độc thân cũng chẳng khấm khá hơn là bao, một chàng trai 35 tuổi chia sẻ trên Douyin rằng: “Hôm nay tôi đi phỏng vấn 3 công ty nhưng tất cả đều từ chối tôi vì tôi đã 35 tuổi. Trong đó có một công ty do bạn bè giới thiệu, thậm chí phải nói thẳng rằng nếu không phải nhờ người giới thiệu, họ sẽ không bao giờ xem xét hồ sơ của tôi.
Tôi tự an ủi rằng mình chưa kết hôn, chưa có con cũng không có nhà, xe nhưng tôi không biết đó là may mắn hay bất hạnh nữa”.
Ảnh minh họa.
Ngay cả những người đã có kinh nghiệm làm việc hơn 1 thập kỷ, nhiều mối quan hệ trong ngành cũng khó có thể xin được việc. Cô Lan mất việc hồi tháng 2/2024 trong cơn bão sa thải, dù đã 35 tuổi nhưng cũng được nhận xét là trẻ trung, xinh đẹp, và có nhiều năm kinh nghiệm.
Thời gian gian đầu, cô không quá lo lắng nhưng sau nửa năm nộp CV, cô đều bị đánh trượt, nhận được 4 cuộc phỏng vấn đều không thành công. Cuối cùng, để trụ lại ở Bắc Kinh, từ một nhà thiết kế, cô chọn làm nhân viên giao hàng bán thời gian, giúp việc nhà bán thời gian.
“Có vẻ như trong mắt những người tuyển dụng bây giờ, cứ ngoài 30 là đã quá già. Nhiều đơn vị thậm chí đang sa thải hàng loạt lao động đứng tuổi. Trên mạng xã hội và các website tuyển dụng tại Trung Quốc, rất nhiều bản mô tả công việc nêu rõ yêu cầu ứng viên dưới 35 tuổi”, một netizen chia sẻ tình hình thực tế hiện nay.
Trong bài đăng “35 tuổi là không thể xin được việc?” của QQ có chỉ ra các lý khiến tỷ lệ thất nghiệp từ tuổi 35 trở lên rơi vào mức báo động, đó là: do vấn đề về tuổi tác ảnh hướng đến năng lực lao động, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi này cũng đang bận bịu với con cái và chuyện gia đình nên không thể tập trung 100% cống hiến cho công việc; thứ 2 là bởi thị trường lao động thu hẹp mà nhân lực thì ngày càng cao, các đơn vị tuyển dụng có nhiều sự lựa chọn hơn,....
Thậm chí, nếu tìm được việc ở tuổi trung niên thì đó cũng là những công việc lao động chân tay nặng nhọc, mức lương không cao mà mức độ cạnh tranh cũng nhiều.
Thế nên, không chỉ Tần An, cô Lan,... mà đã có rất nhiều người chia sẻ câu chuyện thất nghiệp, không có tiền lo cho bản thân, gia đình, về quê sinh sống,... nhan sắc trên mạng xã hội.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để đối phó với “khủng hoảng tuổi 35” về công việc?
Lao Jin, một blogger đăng tải trên Weibo rằng: “Cái giá của hơn 10 năm ổn định là tuổi 35 khủng hoảng và bất trắc”. Người này chỉ ra rằng sự an toàn, bằng lòng với sự ổn định của tuổi trẻ là một trong những lý do khiến những người ở độ tuổi 35 rơi vào bế tắc.
“Bạn chỉ có một công việc duy nhất, không có thêm nghề tay trái, cũng chẳng phải số 1 trong ngành của bạn thì việc bạn bị thay thế là điều đương nhiên”, Lao Jin nhấn mạnh. Thế nên, điều quan trọng là phải bước ra khỏi vùng an toàn của cuộc sống và phát triển tư duy chấp nhận rủi ro. Khi bạn còn trẻ, hãy cố gắng tích lũy càng nhiều nguồn lực càng tốt, có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau hoặc có được 1 vị trí cao.
Đồng thời, bạn cũng cần phải xây dựng các mối quan hệ với mọi người.
Ảnh minh họa.
“Hãy đối đãi với họ bằng sự chân thành, biết đâu được đến khi cần, đây sẽ là những mối quan hệ có thể giới thiệu việc làm cho bạn. Tôi thất nghiệp 1 năm, và hiện tại đã đi làm nhờ 1 người bạn giới thiệu cho tôi chỗ công ty chị cô ấy đang tuyển, thông tin nội bộ nên không có quá nhiều người biết”, một netizen chia sẻ. Những mối quan hệ cũng khiến cho bạn có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm trong cuộc sống.
Chưa dừng lại ở đó, bạn cũng luôn phải đặt mình trong trạng thái sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những cái mới để không bị đi lùi với thời đại.
Hơn nữa, khi còn trẻ hay ở tuổi trung niên, ai cũng nên học cách tiết kiệm. Bởi, không có gì là mãi mãi, những khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn có cơ hội học để chuyển ngành, mua 1 mảnh đất nhỏ về quê sinh sống, hoặc ít nhất như Tần An là có tiền cho con nộp sinh hoạt phí…
Ngoài ra, trong thời gian xin việc đúng chuyên ngành, bạn cũng có thể làm thêm các công việc bán thời gian, tiết kiệm để có chi phí sinh hoạt.