Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức

Long Gà Spiderum, Theo Helino 00:31 15/03/2018

Thật khó có thể tin được rằng, chúng ta vừa mất đi một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 21, nhà vật lý học vũ trụ Stephen Hawking. Hình ảnh ông sẽ mãi khắc ghi vào lịch sử nhân loại như một người không chỉ nỗ lực vượt qua mọi nghịch cảnh mà còn làm thay đổi cả lịch sử thế giới.

Danh gia vọng tộc

Không thể không nhắc đến nền tảng gia đình trong sự thành công của Hawking, cả gia đình ông được đánh giá là hết sức trí thức đến mức lập dị. Cha ông, Frank Hawking là trưởng bộ môn ký sinh trùng tại Viện nghiên cứu quốc gia Anh trong khi mẹ ông là bà Isobel Hawking tốt nghiệp ngành triết, chính trị và kinh tế học, sau đó làm thư ký cho chồng. Cho nên không ngạc nhiên khi gia đình ông vô cùng coi trọng giá trị của việc học hành.

Thừa hưởng tố chất của gia đình, ngay từ khi học trung học, Hawking đã được đặt biệt danh là "Einstein" bất chấp việc điểm số của ông chỉ đứng ở top cuối lớp. Lý do đơn giản là vì hệ thống giáo dục ở trường khiến ông thấy nhàm chán và dành đa số thời gian để làm mô hình phi cơ, tàu thuyền, thảo luận về Cơ đốc giáo và sau đó là xây dựng máy tính với linh kiện lấy từ đồng hồ dưới sự hướng dẫn của thầy dạy toán. Mặc dù quyết định theo học ngành Toán tại Đại học, duyên số sau đó đã dẫn ông đến với ngành Vật lý và Hóa học khi trường ông theo học dự bị đại học, University College thuộc đại học Oxford lại không có ngành Toán.

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 1.

Stephen Hawking lúc còn nhỏ

Tuổi trẻ và căn bệnh không thể chữa trị

17 tuổi đã theo học Đại học Oxford, thiên tài Hawking trải qua năm đầu tiên trong cô đơn và chán nản vì việc học hành "dễ một cách kỳ lạ". Đến năm thứ 2 và 3 thì Hawking đã bắt đầu hòa nhập hơn, trở thành một người hài hước và năng động sau khi gia nhập câu lạc bộ đua thuyền và được đánh giá là một con người vô cùng táo bạo và có xu hướng mạo hiểm. 

Việc học Đại học của Hawking cũng chẳng khá khẩm hơn khi ông chỉ dành có 1 giờ/ngày để học và có thói quen chỉ trả lời những câu hỏi về vật lý thuyết (môn ông hứng thú) thay vì làm toàn bộ bài thi. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản ông giành được bằng danh dự hạng Nhất để đăng ký học ngành Vũ trụ học tại đại học Cambridge vì giám khảo "đủ thông minh để nhận ra họ đang nói chuyện với người thông minh hơn hầu hết những người trong số họ". 

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 2.

Trước khi bị bệnh thì Stephen Hawking rất "đẹp trai"

Là nghiên cứu sinh tại Đại học danh giá Cambridge, mọi việc tưởng chừng như vô cùng tuyệt vời đối với Hawking, nhưng một căn bệnh khủng khiếp chút nữa đã cướp đi của nhân loại một bộ óc vĩ đại từ cách đây 50 năm. Vào năm 21 tuổi, sau một cú ngã cầu thang, Stephen Hawking đã được chẩn đoán là mắc phải căn bệnh thần kinh vận động, một căn bệnh nan y mà người bệnh sẽ mất dần đi các chức năng như nói, đi bộ, hít thở và nuốt một cách từ từ vì sự thoái hóa của tế bào thần kinh vận động, các bác sĩ lúc đó đã chẩn đoán rằng Hawking chỉ có thể sống được 2 năm nữa. Tuy nhiên may mắn là căn bệnh đột nhiên diễn tiến rất chậm.

Tàn nhưng không phế

Phản ứng đầu tiên của Hawking là suy sụp và trầm cảm. Cả thế giới bỗng như sụp đổ trước mắt thiên tài trẻ tuổi, nhưng tình yêu với Jane, đặc biệt là sau khi 2 người đính hôn và năm 1964, đã đã giúp ông vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc đời. Hàng chục năm sau đó, Jane còn là "giọng nói" của Hawking vì bà là người duy nhất có thể hiểu ý của ông. 

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 3.

Stephen Hawking và vợ - Jane Hawking khi vừa cưới nhau, tình yêu là phép màu đã giúp Hawking vượt qua căn bệnh.

Sau thời gian suy sụp, Hawking trở nên "hết mình" hơn bao giờ hết vì ông nghĩ, mình không còn bao nhiêu thời gian nữa để cống hiến cho khoa học. Ông kể: "Mặc dù có 1 đám mây đen bao phủ tương lai của tôi, nhưng ngạc nhiên thay, tôi tận hưởng cuộc sống hiện tại của mình hơn bao giờ hết. Và tôi bắt đầu các nghiên cứu của mình ngay lập tức". Ông cũng tuyên bố một cách rõ ràng về sự nghiệp của mình rằng: "Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Tôi muốn hiểu biết hoàn toàn về vũ trụ, về bản chất của nó và lý do nó tồn tại". Trong khoảng thời gian đầu ông còn không chịu dùng xe lăn mà chỉ đợi cho đến khi không thể sống thiếu nó nữa.

Sự nghiệp vĩ đại

Phần sau cuộc đời Hawking là những khám phá gây chấn động trong ngành vật lý. Sau khi nhận bằng tiến sĩ và giải thưởng Adams (dành cho nghiên cứu xuất sắc hàng năm của Cambridge) cho tiểu luận "Các kì dị và Hình học của Không-Thời gian" vào năm 1967. Ông hợp tác với Penrose và phát triển các lý thuyết về "điểm kì dị" và năm 1970.

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 4.

Nhưng điều đã biến Hawking thành "ngôi sao" thực sự của không chỉ giới khoa học là cuốn sách "Lược sử thời gian" (A Brief History of Time ) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1988

Năm 1974, Hawking đã công bố về bức xạ phát ra từ hố đen sau này được đặt tên là "bức xạ Hawking". Đề xuất của ông đã làm bùng phát một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại, nhưng sau đó nó được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất trong ngành vật lý lý thuyết. Vài tuần sau ông được công nhận là một trong những thành viên trẻ nhất của Hội Hoàng gia, một hội khoa học thuộc loại lâu đời nhất trên thế giới và có uy tín rất lớn trong giới nghiên cứu khoa học kể từ thời kỳ Phục Hưng đến nay.

Vào năm 1982, Hawking là một trong những người đầu tiên giải thích được cách mà sự dao động lượng tử có thể giúp mở rộng các thiên hà trong vũ trụ, và những gợn sóng nhỏ này là hạt giống cho sự hình thành các ngôi sao, hành tinh và sự sống như chúng ta biết. Max Tegmark, giáo sư vật lý tại MIT, nói: "Đây là một trong những ý tưởng đẹp nhất trong lịch sử khoa học".

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 5.

Hình ảnh ngồi trên chiếc xe lăn với đầu nghẹo sang một đên của Hawking đã trở thành biểu tượng của sự thông thái tuyệt đỉnh.

Nhưng điều đã biến Hawking thành "ngôi sao" thực sự của không chỉ giới khoa học là cuốn sách "Lược sử thời gian" (A Brief History of Time ) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1988, với mục đích đưa Vật lý lý thuyết đến gần hơn với công chúng (thậm chí một biên tập viên đã cảnh báo ông rằng, cứ thêm một phương trình vào cuốn sách thì số độc giả lại giảm đi một nửa, vì vậy cuốn sách chỉ có một phương trình duy nhất: E = mc²). Tựa sách đã đạt Kỷ lục Guinness khi nằm trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times trong 237 tuần (4 năm liền). Nó đã bán được 10 triệu bản và được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau. 

Sau đó, Stephen Hawking tiếp tục xuất bản thêm nhiều tác phẩm phổ biến kiến thức nữa như Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, Lược sử thời gianChúa tạo nên Số nguyên năm 2006. Ông cũng tiếp tục có các khám phá quan trọng cho ngành vật lý lý thuyết như phát triển một vũ trụ học "trên-xuống"

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 6.

Stephen Hawking và Sheldon, nhân vật chính trong The Big Bang Theory

Hình ảnh người đàn ông liệt toàn thân, ngồi trên chiếc xe lăn với ngón tay duy nhất liên tục bấm để đưa ra câu trả lời dựa vào một hệ thống đoán từ ngữ của máy tính cũng liên tục xuất hiện trên màn ảnh như một biểu tượng của sự thông thái tuyệt đỉnh. Hawking xuất hiện trên các bộ phim tài liệu có tên The Real Stephen Hawking: (2001) và "Stephen Hawking: Profile" (2002), phim về giai đoạn bắt đầu căn bệnh của Hawking (2004), cùng một sê-ri phim tài liệu Stephen Hawking, Master of the Universe (2008). Hawking còn xuất hiện cả trong thể loại hoạt hình như trong The Simpsons, và lồng tiếng cho Futurama và với vai chính mình trong The Big Bang Theory.

Ngoài ra Hawking còn tích cực tham gia vào vô số các hoạt động như vận động giải trừ vũ khí hạt nhân, ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc, hệ thống y tế toàn cầu và hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu trong bộ phim "Giờ thứ 24" bất chấp việc sức khỏe của ông ngày càng đi xuống vì căn bệnh lâu năm.

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 7.

Hawking thực hiện một chuyến bay không trọng lượng trong tàu "Vomit Comet" để thể hiện tiềm năng của người tàn tật.

Sự ghi nhận của thế giới

Năm 2002, trong một cuộc bầu chọn trên toàn vương quốc Anh và Bắc Ailen, BBC đưa ông vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử. Hawking cũng nhận Huy chương Copley từ Hội Hoàng gia (2006), Huân chương Tự do Tổng thống (2009) - huân chương cao quý nhất trong các lĩnh vực dân sự và Giải thưởng Vật lý Cơ bản Nga (2012).

Cuộc đời vĩ đại của thiên tài Stephen Hawking: Dù phải vật lộn với căn bệnh nan y, ông đã để lại cho nhân loại cả kho tàng tri thức - Ảnh 8.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chuyện với Stephen Hawking tại Phòng Xanh của Nhà Trắng trước buổi lễ giới thiệu ông và 15 người khác được trao Huân chương Tự do Tổng thống vào ngày 12 tháng 8 năm 2009.

Một số công trình đã được đặt theo tên ông, bao gồm Bảo tàng Khoa học Stephen W. Hawking ở San Salvador, El Salvador, tòa nhà Stephen Hawking ở Đại học Cambridge và Trung tâm Stephen Hawking tại Viện Perimeter ở Canada. Với sự gắn bó của ông với thời gian, ông có vinh dự khánh thành Đồng hồ Corpus, một đồng hồ quả lắc đắt giá và tinh xảo ở Cao đẳng Corpus Christi thuộc Đại học Cambridge tháng 9 năm 2008.

Lời kết

Con của ông từng tự hào khi nói về cha mình rằng: "Bố tôi là một nhà khoa học vĩ đại và huyền thoại của ông sẽ còn sống mãi. Lòng dũng cảm, kiên trì, tính hài hước và sự tích cực của ông sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trên thế giới".

Stephen Hawking đã sống và chứng minh một con người có thể trở nên vĩ đại như thế nào bất chấp nghịch cảnh.

"Cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào, luôn sẽ có điều để bạn làm và trở nên thành công. Quan trọng là đừng bao giờ đầu hàng" - Stephen Hawking

"Trí thông minh là khả năng thích nghi với sự thay đổi"- Stephen Hawking

"Cuộc sống sẽ thật bi kịch nếu thiếu đi sự hài hước"- Stephen Hawking

Tổng hợp từ nhiều nguồn