Cuộc đời nghiệt ngã của cháu bé có mẹ bị cha sát hại

Hoàng Cát - Hoàng Long, Theo Gia đình & Xã hội 09:01 07/04/2018

Mẹ bị bố sát hại khi mới tròn 1 tuổi, cuộc đời của bé N.V.T đầy nghiệt ngã khi lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, thiếu vắng tình thương. Câu chuyện thương tâm của đứa bé ấy được bắt đầu từ một vụ án đầy oan nghiệt mà khi nhắc lại, ai cũng phải đau lòng.

Cuộc đời nghiệt ngã của cháu bé có mẹ bị cha sát hại - Ảnh 1.

Căn nhà của bà cháu T. Ảnh: Hoàng Cát

Bi kịch từ mối tình “đũa lệch”

Cháu N.V.T (6 tuổi, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) là kết quả của mối tình “đũa lệch” giữa chị Hoàng Thị Tuyết (SN 1977) và Nguyễn Văn Xin (1988). Trước khi đến với nhau, Tuyết là mẹ đơn thân nuôi con gái nhỏ, phụng dưỡng người mẹ già yếu. Xin là người xã bên, ít hơn vợ 11 tuổi.

Năm 2008, thấy thiếu phụ xuân sắc đang “chăn đơn gối chiếc” nên Xin mê đắm, nặng lòng theo đuổi. Ngày ấy, Xin mới 23 tuổi, còn chị Tuyết đã ngoài 30. Câu chuyện tình yêu của hai người bị gia đình ngăn cản vì chênh lệch tuổi tác. Phải trải qua nhiều sóng gió, ngăn cản của gia đình Xin và Tuyết mới lên duyên vợ chồng. Cưới nhau được một thời gian, Xin về nhà vợ ở rể.

Một năm sau đó, bé T chào đời. Cũng trong khoảng thời gian này, Xin dần bộc lộ là kẻ mải chơi, lười làm, thường xuyên sa đà vào bài bạc và các tệ nạn xã hội. Kinh tế gia đình đều do một tay chị Tuyết đảm đương. Tài sản lớn nhỏ trong gia đình tích cóp, tiết kiệm sau bao năm cũng lần lượt đội nón ra đi.

Mỗi lần khuyên can chồng, chị Tuyết lại bị Xin lớn tiếng chửi bới, đánh đập. Có tiền, Xin lại bỏ nhà đi cả tuần lễ, chỉ khi hết tiền mới chịu trở về. Buồn chán, chị Tuyết quyết định sống li thân. Những mong một ngày gần nhất chồng sẽ tỉnh ngộ, yêu thương vợ con, suy nghĩ lại để tu chí làm ăn, xây dựng gia đình. Thế nhưng, dù sống li thân thì Xin cũng vẫn chứng nào tật nấy, không hề quan tâm, ngó ngàng gì đến vợ con.

Chiều 8/8/2013, đang làm việc ở nhà thì chị Tuyết nhận được cuộc điện thoại của Xin hẹn ra hang Ao Các (thuộc xã Tường Sơn) để “nói chuyện” trước lúc ly hôn. Trong lúc nói chuyện, Xin bực tức vì vợ nói nặng lời nên đã xô chị Tuyết ngã đập đầu vào đá. Tức giận, chị Tuyết dùng con dao giấu sẵn trong người ra đâm chồng nhưng Xin tránh được và giật con dao vứt xuống mương nước gần đó, rồi dùng tay và dây áo siết cổ vợ mình. Thấy vợ tử vong, Xin kéo thi thể vào trong hang nhằm phi tang rồi leo lên xe của chị Tuyết đi mất.

Hai ngày sau không thấy con về, gia đình Tuyết đã đến nhà hỏi Xin và được đối tượng cho biết đã sát hại chị Tuyết. Ngay sau đó, cơ quan công an tiến hành bắt giữ Xin để điều tra, làm rõ. Với hành vi giết người, cướp tài sản, Xin bị tuyên phạt mức án 24 năm tù giam.

Xót thương cảnh con trẻ mồ côi

Ngày mẹ mất, bố ngồi tù, bé T mới được 1 tuổi. Thiếu vắng bàn tay nâng niu chăm sóc của cha mẹ, bé T ngày đêm quấy khóc không thôi. Trước cảnh gia đình không ai nhận nuôi cháu, thương cháu phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khi còn nhỏ, bà Phạm Thị Thu (92 tuổi, bà ngoại cháu T) đã một tay nuôi nấng cưu mang, chăm sóc cháu.

Không được chăm sóc đầy đủ như những đứa trẻ khác nên bây giờ, dù đã 6 tuổi nhưng cháu T nhỏ thó, chỉ nặng 15kg. Cậu bé ít cười, ít nói, sống khép mình trước người lạ. Tuy nhiên, T tỏ ra là một đứa trẻ ngoan ngoãn, không mè nheo, đòi hỏi.

Đôi mắt ngấn lệ, ông Hoàng Đình Mỹ (cậu của cháu T) cho biết, ngày mẹ mất, bố ngồi tù, bà ngoại già yếu, sợ cháu sau này lớn lên thiếu vắng tình thương, giáo dục sẽ sa ngã nên người thân trong gia đình đã bàn bạc định gửi cháu T vào làng trẻ mồ côi. Ông Mỹ nhớ lại: “Khi ấy mẹ tôi ngăn cản, vừa khóc vừa nói, cháu đã quá bất hạnh vì thiếu vắng tình cảm của mẹ cha, giờ lại phải xa người thân nữa thì không còn nỗi đau nào bằng. Hãy để mẹ chăm sóc cháu, còn sống ngày nào hai bà cháu sẽ cơm cháo nuôi nhau. Dù không làm được gì cũng cố gắng cho cháu chỗ dựa tinh thần, cho cháu chút hơi ấm khi đang còn người thân bên cạnh. Vậy nên chúng tôi cho cháu ở lại, cùng yêu thương chăm sóc”.

Cháu P (người chị cùng mẹ khác cha với T) cũng vì số phận mà phải nghỉ học sớm, xa nhà đi làm thuê. 17 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới lại thiếu vắng sự bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ nên P cũng không được khôn lanh như những thiếu nữ khác. Nhiều năm xa nhà làm thuê, nhưng chưa bao giờ P gửi tiền về phụ giúp bà nuôi em trai ăn học. Chỉ thỉnh thoảng em mới về thăm nhà, chơi với bà, với em trai một vài hôm lại khăn gói ra đi.

Tuổi già sức yếu, không thể làm gì kiếm thu nhập, cuộc sống của hai bà cháu T cũng chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp hơn 600.000 đồng/tháng. Ở trường, cháu T cũng nhận được sự quan tâm, săn sóc của các thầy, cô giáo. Hiểu được hoàn cảnh của cháu nên ai cũng thương, cũng quý. Chỉ có điều nỗi đau dường như đã hình thành trong tâm thức, khiến cháu bé cứ thui thủi chơi một mình, ít chuyện trò, khuôn mặt lúc nào cũng buồn bã. Nỗi buồn của cháu hiện rõ trên khuôn mặt.

Ông Hoàng Đình Mỹ chia sẻ: “T mới chỉ là một đứa trẻ lên 6. Cháu còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau mình đang mang. Điều tôi lo lắng nhất là sau này khi lớn lên, hiểu chuyện liệu cháu có đủ nghị lực để vượt qua được hay không? Cuộc đời của cháu tôi còn rất dài mà tương lai thì mờ mịt quá. Tôi chỉ mong chị gái cháu khôn lớn để làm chỗ dựa, che chở cho em”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày