Các ứng dụng chat ngày nay hoàn toàn miễn phí cho người dùng và đây được coi là điều hiển nhiên. Việc thu phí nhỏ lẻ, không đáng có, đôi khi sẽ gây phản tác dụng, khiến người dùng quay lưng.
Nhưng không phải mọi ứng dụng chat đều từng miễn phí hoàn toàn. WhatsApp có lẽ là một trường hợp đặc biệt khi từng thu phí người dùng 1 USD/năm nhưng không khiến người dùng cảm thấy khó chịu. Thậm chí, chính sách thu phí chỉ "25 nghìn đồng" này còn được khen là chiến lược thiên tài giúp ứng dụng trở thành nền tảng nhắn tin số một thế giới.
Vào năm 2016, WhatsApp, dịch vụ nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook, tuyên bố sẽ ngừng thu khoản phí 1 USD/năm để miễn phí hoàn toàn cho mọi người dùng.
Nhưng sau khi tin tức này được công bố, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên trên mạng xã hội khi chưa từng biết việc WhatsApp có bắt người dùng trả phí, trong khi những người khác nói rằng họ chưa bao giờ phải trả một đồng nào. Tại sao có chuyện lạ đời như vậy?
Câu chuyện thu phí của WhatsApp hóa ra không phải tìm mọi cách để "moi từng đồng" của người dùng. Việc người dùng phải trả phí thường niên cho WhatsApp hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm họ tham gia dịch vụ và thậm chí là theo từng quốc gia.
Cho đến tháng 7/2013, WhatsApp từng tính phí người dùng iPhone 1 USD để tải xuống ứng dụng. Nhưng sau đó, công ty cho phép tải xuống và sử dụng ứng dụng miễn phí trong năm đầu tiên, sau đó mới tính phí thường niên là 1 USD.
Nhưng như một sự tri ân đối với người sử dụng WhatsApp, công ty đã cho phép những người dùng khi ấy quyền truy cập trọn đời vào dịch vụ. Ngay cả khi xóa app, đổi máy, miễn là giữ nguyên số điện thoại đăng ký, họ sẽ không bao giờ phải trả thêm một xu nào nữa.
Có thể những người dùng về sau này phải trả số tiền ít ỏi nói trên, nhưng nếu là người dùng sớm, bạn đã được hưởng quyền truy cập miễn phí vào WhatsApp.
Nhà sáng lập WhatsApp Jan Koum cũng tiết lộ lý do công ty không áp dụng mức phí 1 USD ở khắp mọi nơi. Theo đó, ở các quốc gia đang phát triển, người dùng không có thẻ tín dụng nên không thể thanh toán số tiền này. Việc miễn phí giúp họ tiện lợi hơn trong việc tiếp tục giữ kết nối với bạn bè và tận thu ở mọi quốc gia cũng không phải mục đích lợi nhuận của WhatsApp.
Đây là lý do tại sao WhatsApp miễn phí thường niên 1 USD ở nhiều quốc gia, bao gồm cả thị trường lớn nhất Ấn Độ, và điều này cũng giải thích tại sao trong phần mô tả của App Store, công ty nói một cách khó hiểu rằng "có thể" tính phí sau năm đầu tiên. Về cơ bản, có người phải trả tiền, có người thì không.
Sau này, việc xóa bỏ khoản phí 1 USD không chỉ cho phép WhatsApp khám phá các nguồn doanh thu thay thế và có khả năng sinh lợi hơn — chẳng hạn như quan hệ đối tác doanh nghiệp — mà còn mang lại sự nhất quán cho mô hình kinh doanh của mình.
Nhà sáng lập WhatsApp Jan Koum.
1 USD/năm có lẽ là quá rẻ cho việc sử dụng một ứng dụng chat cả năm trời. Rõ ràng, mức thu phí này không đủ lớn để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty. Đã thế lại còn người thu, người không. Vậy WhatsApp có bước đi "cồng kềnh" như vậy để làm gì?
Nhà sáng lập Jan Koum đã tiết lộ lý do tại sao WhatsApp thu phí theo kiểu "tiền lẻ" như vậy. "Chúng tôi thu phí như một cách làm chậm lại sự tăng trưởng của chính mình", Koum nói trong một cuộc phỏng vấn với Sam Altman, CEO of OpenAI.
"Tôi biết điều này nghe quá vô lý – chẳng ai lại muốn công ty của mình không tăng trưởng cả" ông nói thêm.
Nhưng Koum giải thích lý do tại sao WhatsApp cố tình dựng lên rào cản thu phí để làm chậm sự phát triển của ứng dụng trong thời gian mới ra mắt. Việc không phát triển quá nóng giúp công ty có thời gian quản lý ứng dụng tốt hơn, tránh trường hợp quá nhiều người dùng mới sử dụng khiến ứng dụng gặp lỗi hay hoạt động không ổn định.
"Chúng tôi muốn có thể hỗ trợ tốt hơn cho người dùng ban đầu. Để chúng tôi có thể xây dựng các máy chủ không bị sập, không bị lỗi gửi tin nhắn và có thời gian trả lời email hỗ trợ khách hàng", ông nói.
"Chúng tôi muốn đảm bảo những người dùng hiện tại hài lòng. Khi đăng ký sử dụng, họ có trải nghiệm tuyệt vời, và ứng dụng hoạt động nhanh chóng, máy chủ không gặp vấn đề. Và tôi nghĩ điều đó giúp chúng tôi có thể tập trung vào sản phẩm nhiều hơn", ông nói thêm.
Chiến lược của WhatsApp đã được đền đáp. Ứng dụng chat của công ty luôn hoạt động ổn định hơn đối thủ cạnh tranh và mức phí 1 USD cho phép công ty duy trì mà không cần phải huy động quá nhiều tiền từ các nhà đầu tư.
Ngoài ra, xét đến việc đang nhận tiền từ người dùng, các kỹ sư của công ty cảm thấy họ phải chú trọng hơn đến trải nghiệm khách hàng và xây dựng một sản phẩm đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của họ.
Khi WhatsApp trở nên hoàn thiện, công ty quyết định ngừng tính phí. Những khách hàng mới đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy một sản phẩm chất lượng cao có sẵn miễn phí. Điều này tạo nên tiếng vang cho công ty và thu hút được hàng triệu người dùng mới.
Vào tháng 2/2014 — chỉ 5 năm sau khi thành lập — WhatsApp được Facebook mua lại với giá kỷ lục 19 tỷ USD. Vào thời điểm đó, WhatsApp chỉ có 32 nhân viên, và tất cả nhân viên, cùng người sáng lập Brian Acton và Jan Koum, đều trở nên rất giàu có.
WhatsApp vẫn miễn phí sau khi được Facebook mua lại, và hiện là ứng dụng chat phổ biến nhất trên thế giới với hơn 3 tỷ người dùng. Và điều thú vị là tất cả sự tăng trưởng này bắt đầu bằng một quyết định "trái khoáy": Tính phí 1 USD.