Chỉ sau 1 chiều 2/9 (giờ Hà Lan), fanpage của SC Heerenveen tăng từ khoảng 70.000 lên hơn 200.000 lượt theo dõi. Bức ảnh với dòng chữ tiếng Việt "chào mừng Đoàn Văn Hậu" đạt kỷ lục tương tác với 68.000 lượt thích. Sức tác động này còn lớn hơn Công Phượng ở Sint-Truidense V.V (STVV).
Văn Hậu ở Việt Nam có thể chưa đạt được tầm ảnh hưởng, độ phủ sóng như Công Phượng nhưng chuyến đi Hà Lan của hậu vệ 20 tuổi lại được kỳ vọng hơn lần sang Bỉ của đàn anh. Tất cả đều có lý do mà thành.
Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Công Phượng cùng sang châu Âu nhưng sự quan tâm từ người hâm mộ có phần khác nhau. Ảnh: SC Heerenveen, STVV.
Với bóng đá Việt Nam, Văn Hậu được xem là "của hiếm". Hiếm là bởi thể hình cao tới 1m85 từ khi còn 17, 18 tuổi. Hiếm còn là bởi đá hậu vệ cánh trái nhưng sở hữu chiều cao vượt trội đến thế. Điểm mặt các hậu vệ trái khác ở Việt Nam, không ai vừa cao vừa hay được như thế. Khác biệt ấy giúp Văn Hậu trở thành trụ cột từ đội 19, U20, U23 đến đội tuyển quốc gia và anh mới 20 tuổi.
Thể hình này hoàn toàn phù hợp để thích ứng ở châu Âu. Không phải ngẫu nhiên, giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede và cựu HLV thể lực Willander Fonseca của tuyển Việt Nam nhận định Văn Hậu là cầu thủ giàu tiềm năng nhất có thể sang và thành công ở lục địa già.
Hậu vệ Việt Nam cao đến 1m85 đã là "của hiếm", Văn Hậu còn đá cánh và thi đấu hết sức linh hoạt. Ảnh: Tiến Tuấn.
Ngay khi biết tin Văn Hậu đặt chân đến SC Heerenveen, cuộc tìm hiểu về nhân sự CLB này liên tục được thực hiện ở Việt Nam. Tất cả nhận thấy, CLB của Hà Lan chỉ có một hậu vệ trái thuần là Lucas Woudenberg với những màn trình diễn ở mức tròn vai. Văn Hậu trẻ hơn anh này 4 tuổi và cơ hội cạnh tranh trở nên rất sáng sủa.
Trong khi đó, Công Phượng ở Sint-Truidense V.V (STVV) thì khác. Anh vốn dĩ đã phải cạnh tranh gắt gao với những cầu thủ châu Phi, châu Âu, nay còn cả những người châu Á. Đó là Yuma Suzuki, tiền đạo được cho là tương lai của hàng công đội tuyển Nhật Bản, là Lee Seung-woo, người được mệnh danh là "Messi Hàn Quốc".
Văn Hậu có cơ hội đá chính và chiếm suất của Lucas Woudenberg. Ảnh: SC Heerenveen.
Công Phượng sang Nhật năm 2015, sang Hàn đầu năm 2019 nhưng dấu ấn để lại khá nhạt nhoà. Lần này sang Bỉ, mọi thứ cũng đầy chông gai. Niềm tin vì thế mà cũng vơi bớt. Bên cạnh đó, ở tuổi 24, Công Phượng không còn ra nước ngoài để trải nghiệm nữa, anh cần có chỗ đứng và ổn định.
Văn Hậu thì khác. Anh mới 20 tuổi và có chuyến đi đầu tiên lại là sang Hà Lan, còn đủ 1, 2 năm để nếu có thất bại thì thử lại phương án khác. Cùng với các yếu tố khác trong bài viết này, Văn Hậu đang đạt được sự tin tưởng lớn hơn từ chính những người hâm mộ trong nước. Một cái tên mới xuất ngoại bao giờ cũng tạo hiệu ứng mới lạ hơn cũng là điều không khó hiểu.
Công Phượng đang làm bạn với ghế dự bị nhiều hơn ở CLB của Bỉ. Ảnh: STVV.
Văn Hậu sẽ có ít nhất 1 người đứng sau hỗ trợ hoà nhập trong hành trình 1 năm tại Hà Lan, trong đó có nhiều vấn đề ngoài bóng đá như văn hoá địa phương, giao tiếp, dinh dưỡng,… Quan trọng hơn, Văn Hậu không cô đơn, không phải tự bươn chải trên đất khách.
Công Phượng thì phải lo tất cho bản thân, giống những lần xuất ngoại của Xuân Trường, Tuấn Anh. Đôi khi, khâu tâm lý, muốn chia sẻ trực tiếp không được giải quyết cũng có thể tác động đến cầu thủ.
Thông qua fanpage SC Heerenveen có thể thấy, Văn Hậu có một màn ra mắt theo chuẩn châu Âu, từ họp báo ra mắt, chụp hình với áo CLB đến chào sân và phỏng vấn, tất cả đều được làm chỉn chu. Màn ra mắt của Văn Hậu tương tự lần Văn Lâm đến Muangthong United và khác rất nhiều so với đợt Công Phượng sang Bỉ.
Dĩ nhiên, cách làm truyền thông có thể khác nhau nhưng sự tỉ mỉ cho thấy cầu thủ được trân trọng. Lần Công Phượng sang Hàn, hay Văn Lâm tới Muangthong, lễ ra mắt đều tổ chức lớn và cả hai đều được thi đấu nhiều. Sự kỳ vọng dành cho Văn Hậu tại SC Heerenveen vì thế cũng tăng lên.
Bức ảnh này đại diện cho bão tương tác trên fanpage SC Heerenveen sau khi Văn Hậu đặt chân tới.