Đôi giày với dòng chữ "Dream Chaser" và siêu phẩm vang danh Châu Á
Phút thứ 90, trận đấu giữa U19 CHDCND Triều Tiên và U19 Việt Nam tại VCK U19 Châu Á, một chàng trai mảnh khảnh của Việt Nam, chơi ở vị trí hậu vệ trái bất ngờ lao lên sát mép khu vực 16m50, đón bóng rồi tung cú sút găm thẳng vào khung thành đối phương trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Ngay sau tình huống ấy, bình luận viên trên sóng truyền hình đã phải thốt lên: "Không thể tin được, bàn thắng ấy quá đẳng cấp, hãy để mắt đến cậu ấy, Đoàn Văn Hậu của Việt Nam".
Bàn thắng ấy mang về chiến thắng 2-1 vô cùng quan trọng cho U19 Việt Nam, nó đánh dấu viên gạch đầu tiên trong hành trình giành chiếc vé lịch sử đến với U20 World Cup của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Trên giày của Đoàn Văn Hậu khi ấy có thêu dòng chữ "Dream Chaser" (Tạm dịch: Kẻ theo đuổi những giấc mơ -PV). Chàng trai 17 tuổi, lần đầu bước ra sân chơi châu lục trong màu áo U19 Việt Nam, đá chính và lập siêu phẩm, còn có giấc mơ nào tuyệt diệu hơn thế đối với một cầu thủ trẻ? Hậu không giỏi tiếng Anh, nhưng cụm từ ấy được anh gắn liền với tên của mình kể từ khi còn là một cậu nhóc.
Bao nhiêu ước mơ, hoài bão, Hậu có lẽ đặt cả vào 2 chữ "Dream Chaser" ấy. Nó như một lời nhắc nhở cậu phải tiến lên phía trước, không được quay đầu dù mọi chuyện có khó khăn thế nào đi chăng nữa. Vì gia đình, vì những người thầy và vì chính bản thân Văn Hậu.
Đôi giày của Văn Hậu sử dụng khi ghi bàn vào lưới U19 CHDCND Triều Tiên.
Thời gian trôi, con biết ước mơ của con là gì
Với nhiều người, Thái Bình là một vùng trắng của bóng đá Việt Nam. Những tài năng trẻ lớn lên và sinh ra ở đây chỉ được dự một vài giải "Nhi đồng" rồi tìm cơ hội đến những lò đào tạo ở tỉnh và thành phố khác. Trong hàng trăm em nhỏ đam mê bóng đá ở đây, thử hỏi có mấy người trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Với một đứa trẻ đến từ một nơi nghèo như xã Hồng Minh, tỉnh Thái Bình như Văn Hậu, giấc mơ bóng đá lại càng trở nên xa xỉ.
Trong mắt những người hàng xóm, Hậu là một đứa trẻ đá bóng giỏi, nhưng giỏi thì cũng chỉ là so với mấy đứa trong xã, còn ngoài kia còn biết bao đứa tài hơn thế. Vì thế, khi ông Thắng bà Nụ đồng ý cho con trai lên trường Năng khiếu TDTT tỉnh Thái Bình để học bóng đá, rất nhiều người đã phản đối kịch liệt. Bà Nụ đến giờ vẫn chưa thể quên những giây phút đấu tranh tư tưởng, giữa giấc mơ của cậu con trai mới 9 tuổi và một con đường an toàn hơn với những đứa trẻ nghèo như Hậu, đó là học văn hóa.
Ông Thắng nhớ lại: "Khi ấy tôi cũng lăn tăn nhiều lắm. Cháu nó bé quá, vệ sinh cá nhân thì phải làm sao. Hậu chỉ hồn nhiên nói bố cho con cái chậu to, con cho quần áo vào con giặt, thế là được rồi. Thấy cháu nghị lực và đam mê quá thì phải làm sao, thôi thì cũng thuận theo ý con, cho con đi".
"Họ nói nhà tôi ác, bố mẹ không biết thương con. Thằng bé mới tí tuổi mà đã cho đi xa nhà thì chịu sao nổi", mẹ hậu vệ ĐT Việt Nam bồi hồi.
Những lời như vậy với ông Thắng, bà Nụ có lẽ cũng chẳng sai. Thời ấy, trường Năng khiếu TDTT tỉnh Thái Bình tồi tàn và cũ kĩ lắm. Một căn phòng nhỏ chật hẹp mà phải chứa biết bao nhiêu đứa trẻ, chẳng ai nhớ chính xác con số vì... nhiều quá.
"Chỗ ngủ là những chiếc giường tầng ọp ẹp, cái nào cũng lót áo mưa ở dưới vì các thầy sợ bạn nằm trên vô ý... tè dầm vào mặt bạn nằm dưới. Xác suất thôi nhưng chẳng may vào đúng con mình thì sao", bố Văn Hậu kể lại.
Nhìn cảnh ấy, bố mẹ Văn Hậu bật khóc, khuyên con trai bỏ bóng đá mà về nhà, một phần vì xót, một phần vì nhớ cậu út xa nhà lâu ngày. Thế nhưng, qua thời gian, tình yêu và những giấc mơ với trái bóng tròn cứ lớn dần lên trong Hậu. Dù bố mẹ khuyên can thế nào cũng phải chào thua trước ánh mắt cương quyết của cậu, một ánh mắt như muốn nói "Con biết ước mơ của con là gì!"
Từ U19 đến Hà Lan...
Sau tất cả những đắng cay ngọt bùi, Văn Hậu dần dần ghi dấu ấn của mình đối với người hâm mộ nước nhà. Từ bàn thắng trong màu áo U19 Việt Nam, ngôi Á quân VCK U23 châu Á, chức vô địch V.League đến ngôi vương tại AFF Cup, chẳng có gì là Văn Hậu không thể làm được. Năm nay 20 tuổi, thế nhưng tài năng của chàng trai ấy đã quá lớn so với V.League. Cậu cần một sân chơi chuyên nghiệp hơn, đẳng cấp hơn để thể hiện mình, rồi cơ hội đã đến.
CLB Heerenveen tại giải vô địch Quốc gia Hà Lan liên hệ, bầu Hiển gật đầu và giấc mơ trời Âu đã trở thành hiện thực.
Cách đây 2 tháng, khi được hỏi về khả năng xuất ngoại, Văn Hậu vẫn còn ngập ngừng và e dè. Tuy nhiên, ánh mắt của Hậu lại hiện rõ lên khát khao ấy.
"Tôi nghĩ đời cầu thủ nếu có cơ hội tốt như thế thì ai cũng muốn ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp của mình lên. Ra nước ngoài mình học hỏi được rất nhiều", Văn Hậu chia sẻ.
Trong buổi họp báo ra mắt đội bóng mới, Văn Hậu có chút rụt rè và có chút choáng ngợp. Khi được yêu cầu phát biểu, chàng trai trẻ ấy có lẽ đã mất vài giây để "hoàn hồn". Phải đến khi người phiên dịch thúc giục, gợi ý thì Văn Hậu mới có thể cất lời.
Bỡ ngỡ, lạ lẫm là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên hãy tin rằng Văn Hậu có thể vượt qua tất cả. Bởi anh đã là con người của những điều phi thường rồi, "Dream Chaser" - Đoàn Văn Hậu.