Đã từ lâu, đôi đũa dường như trở thành một vật dụng không thể thiếu trên bàn ăn của người châu Á. Đũa phổ biến ở các quốc gia phương Đông, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Thế nhưng, ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia, thiết kế của đôi đũa cũng có phần khác biệt. Và không phải tình cờ chúng có diện mạo như vậy đâu. Mỗi đặc điểm dù nhỏ nhất đều gắn với những câu chuyện lịch sử vô cùng thú vị từ xa xưa.
Những đôi đũa mang quốc tịch Hàn mang 2 đặc điểm "nổi bần bật" không ai có thể bỏ qua: đó là được làm bằng kim loại và có thân dẹt.
Giải thích cho chất liệu của chúng, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Edward Wang chia sẻ rằng: thời xưa, những quý tộc người Hàn có một niềm tin rằng việc sử dụng những đôi đũa bằng bạc sẽ giúp họ phát hiện được nếu đồ ăn có bị tẩm độc hay không. Vì vậy, do rất sợ bị người ta ám sát, toàn bộ đũa ăn thay vì làm bằng gỗ đã được đúc bằng bạc.
Người ở những tầng lớp dưới không có điều kiện sở hữu những đôi đũa xa xỉ như vậy, nhưng cũng muốn chúng được làm bằng kim loại - như một cách để tạo ra cảm giác an toàn cho mình.
Thêm vào đó, do kim loại đắt hơn gỗ nên người xưa đã tạo ra đôi đũa dẹt để tiết kiệm vật liệu một cách tối đa. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm này nên đôi đũa Hàn được đánh giá là một trong những loại đũa rất khó dùng.
Đũa của người Việt và người Hoa có hình dáng giống nhau do văn hóa trên bàn ăn của hai dân tộc có rất nhiều điểm chung. Chúng ta ăn một mâm chung, lấy thức ăn từ đó và thường có thói quen gắp cho nhau.
Bởi vậy, dùng một đôi đũa dài là cả một lợi thế: nhờ đặc điểm này, chúng ta ít phải với hay nhoài người về một phía nào đó trên bàn để gắp thức ăn.
Nếu đặt những đôi đũa của xứ sở hoa anh đào cạnh "họ hàng" đến từ các nền văn hóa khác – chắc chắn ai cũng sẽ thấy những khác biệt rất lớn, đặc biệt là độ dài có phần khiêm tốn và đầu đũa được vót khá nhọn.
Để hiểu được nguyên nhân sâu sa đằng sau thiết kế đặc biệt này, chúng ta cần lướt qua hai điểm quan trọng trong ẩm thực của người Nhật.
Đầu tiên, trên bàn ăn của họ thường có các món như hải sản, cá, cơm nắm,… là những thứ khá mềm và dễ bị nát. Đầu đũa được làm nhỏ giúp việc gắp thức ăn tiện hơn.
Hai là cách người Nhật xưa bày biện một bàn ăn không giống với những nơi khác. Mỗi người sẽ có một suất gồm nhiều món được cho vào bát và đĩa riêng. Cả bàn sẽ chỉ có một vài món chung thôi. Như vậy khi ăn, người Nhật không phải với. Ai cũng có phần của mình sẵn rồi, không cần thiết phải làm những đôi đũa dài làm gì cả.
Mặc dù có thể phong cách ăn uống của người Nhật ngày nay đã thay đổi, hình dáng của những đôi đũa lại đã thành một nét văn hóa cố hữu đến giờ.
Hơn nữa, họ cũng không có thói quen gắp thức ăn cho nhau nên lại có thêm một lí do nữa để đôi đũa của người Nhật cứ "vô tư" mà ngắn.