"Keto" - hay "Ketogenic" là một trong những chế độ ăn đang được nhiều người tìm hiểu nhất.
Chế độ ăn này còn có một cái tên khác quen thuộc hơn là "low-carb", bởi vì bản chất của chế độ Keto chính là chế độ ăn "low carb - high fat" (ít tinh bột, nhiều chất béo).
Việc loại bỏ gần như toàn bộ tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn được cho là có thể giúp cơ chế chuyển hóa dưỡng chất được chuyển đổi. Sau một thời gian, cơ thể sẽ không còn phụ thuộc vào carbohydrate nữa, mà chuyển sang dùng chất béo để tạo ra năng lượng.
Quá trình ấy được gọi là ketosis - chính là nguồn gốc của cái tên Keto.
Lợi điểm của chế độ ăn này là giúp mỡ thừa được đốt cháy mà không cần phải nhịn ăn, thậm chí là được phép ăn nhiều hơn. Ai mà chẳng muốn ăn ngập mồm thịt mà không lo béo, và đây là điểm giúp Keto trở nên cực kỳ phổ biến.
Chế độ ăn này có hiệu quả hay không, chúng ta sẽ không bàn đến ở đây. Chỉ biết rằng việc nạp quá nhiều chất béo, trong khi cắt giảm gần như toàn bộ tinh bột sẽ để lại tác dụng phụ. Và tác dụng phụ mà gần như ai cũng mắc phải chính là bệnh "cúm Keto" (Keto flu).
Cúm Keto - tác dụng phụ ai ăn theo Ketogenic cũng mắc
Thật vậy! Nếu như bạn là người ăn theo chế độ Keto, thì thử xem những triệu chứng này có quen không: đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, kém minh mẫn... Đó chính là các biểu hiện của cúm Keto.
Nhưng nguyên nhân là do đâu? Theo Teresa Fung - giáo sư dinh dưỡng từ ĐH Simmons (Boston), thì để lý giải về mặt dinh dưỡng thì khoa học chưa thể nắm rõ. Tuy nhiên, cô cho rằng đây là phản ứng của cơ thể khi đột ngột chuyển chế độ ăn. Cắt giảm hết tinh bột, ăn nhiều hơn chất béo và protein, cơ thể cần thời gian để làm quen với điều đó.
Cúm Keto là hiện tượng cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn như bị cúm sau khi cắt giảm tinh bột
Fung cho biết, chế độ Keto vốn không phải để điều trị béo phì, mà là dành cho các bệnh nhân động kinh. Theo lý thuyết, một số trường hợp động kinh có thể được kiểm soát nếu như đẩy cơ thể vào trạng thái ketosis. Nhưng thực tế cho thấy phương án này tỏ ra không hiệu quả, vì cơ thể người trưởng thành khó lòng đạt ketosis đủ sâu để điều trị động kinh.
Sau này, người ta phát hiện trạng thái ketosis còn có thể dùng để giảm cân, và từ đó Ketogenic ra đời. Tuy nhiên, những người ăn theo Keto lại gặp phải tác dụng phụ, mà nổi bật nhất là trạng thái mệt mỏi như bị cúm - chính là cúm Keto.
Carbonhydrate về mặt bản chất là con đường ngắn nhất để dự trữ glucose cho cơ thể sử dụng. Khi không còn chúng nữa, cơ thể sẽ nhanh mệt hơn, và đó chưa phải là tất cả.
"Cắt tinh bột, nạp thêm một đống chất béo. Dạ dày của chúng ta không thể cảm thấy thoải mái được" - Fung giải thích.
Một điểm nghiêm trọng khác mà không ai để ý đến khi ăn Keto, đó là về vi khuẩn trong đường ruột. Theo Fung giải thích, các loại thực phẩm cung cấp lợi khuẩn cho ruột thường không hợp với keto, vì chúng có chứa tinh bột.
"Vi khuẩn trong ruột có ảnh hưởng khá lớn đến não, và tôi tò mò không biết lượng vi khuẩn ấy thay đổi sẽ khiến não bộ trở thành thứ gì".
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn trong ruột có thể điều hòa cảm xúc, và đó có thể là lý do vì sao những người ăn theo chế độ Keto thường cảm thấy tâm trạng khó chịu.
Làm sao để không bị cúm Keto nữa?
Theo Fung, muốn tránh khỏi các triệu chứng cúm Keto thì cách duy nhất là nên để cơ thể làm quen từ từ, không nên thay đổi chế độ một cách quá đột ngột. Có 2 lý do khiến bạn nên làm như thế.
Đầu tiên, những người thay đổi chế độ đột ngột khó lòng theo đến cùng! Họ sẽ sớm quay lại guồng ăn bình thường, thậm chí là ăn nhiều hơn trước, để rồi cân nặng tăng nhanh hơn.
Thứ 2, việc tìm kiếm, chuẩn bị thực đơn theo chế độ Keto rất tốn thời gian, và chưa chắc đã đạt hiệu quả cao.
Tốt nhất, hãy kết hợp giữa ăn uống đủ chất và tập luyện. Đó là cách giảm cân lành mạnh mà các chuyên gia dinh dưỡng luôn hướng đến.