Tại Trung Quốc, năm 2017, trong quá trình thi công tuyến quốc lộ G206 đi qua huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, một hộ dân đã kiên quyết từ chối di dời để giải phóng mặt bằng. Đó là căn nhà hai tầng của ông Hoàng Bình.
Dù được chính quyền đề xuất mức bồi thường lên tới 1,6 triệu NDT (khoảng 5,7 tỷ đồng) cùng với 3 suất nhà tái định cư, ông Hoàng vẫn từ chối. Lý do bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình: ông có 2 người con trai đều đang trong độ tuổi lập gia đình, rất cần nhà cửa ổn định. Tuy nhiên, 3 suất nhà tái định cư mà chính quyền đưa ra lại không được bàn giao ngay, mà phải chờ đến năm 2024 và 2025 mới có thể nhận. Sự chậm trễ này khiến ông Hoàng không yên tâm và quyết định giữ nguyên chỗ ở hiện tại.
(Ảnh minh họa)
Người dân xung quanh có người cho rằng ông Hoàng quá cố chấp, bởi mức đền bù chính quyền đưa ra rất hậu hĩnh so với mặt bằng địa phương. Nhưng cũng có người thầm ghen tị với vận may của gia đình ông, vì nhiều căn nhà khác dù cũ nát, bỏ hoang nhiều năm vẫn không có cơ hội được nằm trong diện giải tỏa đền bù.
Dù ông Hoàng và chính quyền địa phương đã nhiều lần thương lượng nhưng đôi bên không thể tìm được tiếng nói chung. Các hộ dân xung quanh lần lượt di dời, chỉ còn lại duy nhất căn nhà hai tầng của ông Hoàng vẫn đứng vững giữa công trường, như một "hòn đảo cô độc" giữa biển công trình.
Trước thế bế tắc kéo dài, chính quyền huyện Kim Khê đã đưa ra một quyết định táo bạo: thay vì tiếp tục thương lượng, họ chọn phương án... xây đường vòng.
Đây là phương án chưa từng có tiền lệ trong dự án hạ tầng quan trọng này. Để né căn nhà của ông Hoàng, tuyến đường phải uốn cong thành một vòng cung lớn – một thách thức không nhỏ đối với kỹ thuật thi công cũng như thiết kế tổng thể của dự án.
Đội thi công nhanh chóng bắt tay vào xây dựng tuyến đường vòng, hai bên căn nhà của ông Hoàng lần lượt mọc lên những bức tường bê tông cốt thép cao ngang tầng hai. Nhìn từ trên cao, căn nhà như được "ôm trọn" trong một vòng tay khổng lồ.
(Ngôi nhà của ông Hoàng Bình)
Khi thực hiện giải pháp đường vòng, chính quyền cũng không hoàn toàn bỏ qua nhu cầu sinh hoạt của gia đình ông Hoàng. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cơ bản cho gia đình ông, chính quyền địa phương đã cho lắp đặt hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, đồng thời xây dựng một ống cống lớn tạo lối ra vào riêng biệt cho căn nhà.
Về sau, đơn vị thi công còn phải cắt hẳn một lối cửa mới ngay trên bức tường bê tông dày đặc bao quanh căn nhà.
Những hạng mục "đặc biệt" này không hề rẻ, chỉ riêng việc cắt một ô cửa cũng đã tiêu tốn rất nhiều tiền. Theo tính toán của một số người, tổng chi phí phát sinh cho các công trình bổ sung này thậm chí đã vượt qua cả những yêu cầu mà ông Hoàng từng đưa ra.
(Lối ra)
Từ góc nhìn của chính quyền, quyết định "đi vòng" quanh căn nhà là một sự lựa chọn mang tính bắt buộc. Bởi nếu chiều theo các yêu sách của ông Hoàng, rất có thể sẽ tạo tiền lệ xấu, khiến các hộ giải tỏa khác học theo, từ đó tăng cao chi phí và tiến độ toàn bộ dự án.
Vì vậy, quyết định này là một sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa hiệu quả thi công và ổn định dân sinh.
Từ niềm tin kiên định đến lời thở dài muộn màng
Ngày nay, cuộc sống của gia đình ông Hoàng Bình bị bao quanh bởi tiếng ồn của xe cộ suốt ngày đêm. Những hàng xóm thân quen từng sống gần gũi bên nhau đã lần lượt chuyển đi, thay vào đó là những bức tường bê tông cao ngất và dòng xe tấp nập không ngừng.
Trước Tết, gia đình ông còn bị cắt mạng internet, cuộc sống vốn đã bất tiện lại càng thêm khó khăn. Nhìn hàng xóm đón Tết trong những căn nhà mới khang trang, ông Hoàng không tránh khỏi cảm thấy buồn bã.
Khi tuyến đường dần đi vào hoàn thiện, căn "nhà giữa đường" với hình dáng kỳ lạ đã trở thành tâm điểm tranh luận khắp mạng xã hội.
Khi nhận được phỏng vấn, ông Hoàng không giấu được sự tiếc nuối. Sự tiếc nuối muộn màng của ông Hoàng Bình cũng chính là một minh chứng rõ ràng: trong nhiều trường hợp, việc "đòi thêm một chút" chưa chắc đã mang lại kết quả tốt hơn, ngược lại có thể khiến người ta lỡ mất cơ hội tốt nhất.
Câu chuyện này là một lời nhắc nhở đến mỗi người trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, hãy học cách đặt mình vào vị trí người khác, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và lý trí hơn.
Theo Baidu