Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Trung Quốc, những tác động mà dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn rất nhiều khủng hoảng tài chính năm 2008 và thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc chính là những tác động đến từ bên ngoài.
Ông Chu Dân, cựu Phó Tổng giám đốc IMF. Ảnh: CCTV.
Ông Chu Dân, chuyên gia kinh tế của Trung Quốc, người từng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một cuộc trao đổi mới đây với truyền thông nước này nhận định, dịch Covid-19 gây suy thoái kinh tế thế giới là điều không cần bàn cãi, nhưng liệu có gây ra "Đại suy thoái" hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Ông nói: "Khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2008. Năm 2008 chỉ là khủng hoảng tài chính, tài chính bất ổn gây ảnh hưởng đến tổng cầu. Nhưng đợt dịch lần này đã tác động tới cả 2 phía: tổng cung và tổng cầu, do vậy ảnh hưởng đến nền kinh tế vượt xa năm 2008. Khủng hoảng năm 2008 làm cho kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng âm khoảng 0,2%-0,3% vào năm 2009, trong khi năm nay giảm tới 3%, do vậy ảnh hưởng là rất lớn."
Đối với kinh tế Trung Quốc, ông cho rằng bởi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra không chỉ là khủng hoảng "tài chính", mà là khủng hoảng "toàn cầu", do vậy dù sau khi nước này phục hồi sản xuất, số liệu kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc hơn trong tháng 3, nhưng do dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới, thương mại bị ngưng trệ, nên việc nước này không có được các đơn hàng từ nước ngoài chính là thách thức lớn nhất hiện nay.
Chuyên gia này cho rằng: Kích thích nhu cầu trong nước, khai thác thị trường nội địa cần là bước đi tiếp theo của Trung Quốc. Giờ đây, để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc không thể trông chờ vào thương mại, mà cần tập trung đầu tư vào những lĩnh vực cho tương lai, như công nghệ cao, môi trường, dân sinh..../.