Đối với dân công sở, nguyên nhân khiến họ mệt mỏi không chỉ tiêu hao năng lượng trong công việc mà còn tốn thời gian, sức lực để giải quyết các vấn đề với đồng nghiệp. Thậm chí đôi khi, xử lý các mối quan hệ cá nhân còn mệt mỏi hơn cả xử lý công việc.
Vậy có công việc nào mà bạn không cần giải quyết các mối quan hệ với đồng nghiệp, chỉ cần làm tốt việc của mình? Chắc bạn nghĩ là không, nhưng thực tế, một người phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang có công việc mơ ước như vậy.
Tiểu Mai (Trung Quốc) đã chia sẻ lên mạng xã hội công việc tuyệt vời của mình. Theo lời kể, cô là nhân viên duy nhất của công ty, làm một mình, ăn một mình, giờ giấc tự do, hầu như không làm thêm cuối tuần và đương nhiên không phải chấm công mỗi sáng. Đặc biệt, những lúc cơ thể mệt mỏi, Tiểu Mai có thể nghỉ ngơi ở nhà. Mỗi năm một lần, cô còn được công ty sắp xếp cho đi du lịch ở nước ngoài.
Tiểu Mai cho biết, vì là người duy nhất của công ty nên cô đảm đương rất nhiều nhiệm vụ như: Thu mua hàng, bán hàng, quản lý kho, kế toán,… Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, sếp của cô sẽ tới văn phòng kiểm tra 1 lần/năm nhưng do dịch bệnh nên quy định đã được đổi lại thành 3 năm một lần. Đã rất lâu, Tiểu Mai chưa gặp sếp của mình.
Cô cảm thấy thoải mái với môi trường làm việc khi không có đồng nghiệp. Mặc dù đôi khi điều này khiến cô cảm thấy buồn chán, tẻ nhạt. Tuy nhiên, cô vẫn thấy bản thân may mắn vì không cần xây dựng các mối quan hệ phức tạp với đồng nghiệp. Hơn thế, cô cũng chẳng cần chấp hành quy tắc, quy định như bao công ty bình thường khác. Mỗi ngày, Tiểu Mai sống một cuộc sống vui vẻ, vô tư.
Khi làm việc mệt mỏi, Tiểu Mai có thể ra bên ngoài cửa sổ, ngắm nhìn phố phường và thưởng thức một ly cà phê thơm ngon. Thấm thoát cũng được gần 10 năm cô gắn bó với công việc này và cô rất hạnh phúc vì điều đó.
Trước những lời chia sẻ của Tiểu Mai, nhiều người hoài nghi về câu chuyện. Họ cho rằng không thể có công việc, công ty như vậy tồn tại.
Tiểu Mai khẳng định công việc hiện tại của cô đúng là như vậy nhưng cũng không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Ngoài những lúc rảnh rỗi, cô vẫn có thời gian "bận tối mắt, tối mũi". Cũng có những đồng nghiệp khó, cô phải đi hỏi bạn bè, đồng nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực đó. Thậm chí đôi khi, cô cũng phải tăng ca nhưng rất ít.
Lại có người hỏi: "Công ty chỉ có một nhân viên, vậy sao phải thuê văn phòng?".
Tiểu Mai trả lời rằng, ít nhất phải có một không gian văn phòng để cô cảm thấy mình thật sự đang đi làm. Nếu làm ở nhà, chúng ta sẽ dễ dàng nhầm lẫn công việc và cuộc sống. Như vậy sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Còn lý do khiến Tiểu Mai kiên trì với công việc lâu như vậy là vì cô đã có 2 con nhỏ. Cô cần thời gian để chăm sóc con cái. Và sếp đã tạo nhiều điều kiện để cô vừa hoàn thành công việc, vừa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ.
Tiểu Mai trải lòng: "Với công việc hiện tại, tôi có thể đưa con đi học vào buổi sáng, đón con đúng giờ vào buổi chiều, kèm con học mỗi buổi tối. Thỉnh thoảng, tôi đưa đám trẻ ra ngoài chơi, đi tham quan một số địa danh. Hơn thế, vì làm nhiều việc nên thu nhập của tôi khá tốt".
Một số cư dân mạng nhận xét, đây quả là công việc trong mơ đối với những người mắc chứng sợ xã hội. Họ có thể yên tâm dồn sức vào công việc mỗi ngày, không cần giao lưu, không cần xử lý các mối quan hệ phức tạp với đồng nghiệp.
Còn một số người khác lại chế giễu: "Bao giờ bạn nghỉ việc thì là lúc công ty phá sản đấy", "Lâu lắm không gặp sếp, có khi sếp quên bạn rồi",…
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, Tiểu Mai làm việc trong môi trường như vậy sẽ thiếu tinh thần đồng đội, thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, bỏ qua nhiều cơ hội phát triển bản thân. Nếu một ngày công ty dừng hoạt động, cô sẽ khó tìm được việc làm.