Khi nhắc đến thuần hóa sư tử, hẳn bạn sẽ nghĩ đến cảnh những người nghệ sĩ trong gánh xiếc rong hòa mình với đủ loại tiết mục cùng chú sư tử: nhảy vòng, leo thang, và thậm chí đưa đầu vào miệng chúng. Nếu đã từng chứng kiến, hẳn bạn đã phải rợn tóc gáy trước những màn biểu diễn bên cạnh người bạn đồng hành cực kỳ hung tợn này, bởi rõ ràng, nguy cơ chuyển hóa thành thức ăn trong miệng chúng luôn hiển hiện trước mắt. Vậy đâu là bí kíp của những nghệ nhân thuần hóa sư tử? Và họ đã từng gặp phải những sự cố thảm khốc nào hay chưa? Hãy cùng đọc tiếp để có câu trả lời.
Gánh xiếc đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1783. Lúc này, hầu hết các tiết mục xiếc thú đều chỉ dừng ở mức độ… triển lãm. Tương tự với sở thú ngày nay, trong các gánh xiếc rong, phần lớn các loại thú đều bị nhốt trong lồng và khán giả phải trả tiền chỉ để nhìn ngắm chúng tận mắt.
Khi người thuần hóa sư tử đầu tiên xuất hiện và dũng cảm bước đến cạnh loài động vật nguy hiểm bậc nhất này, các tiết mục cùng sư tử đã trở thành những tiết mục cuốn hút bậc nhất. Các nghệ nhân thuần hóa sư tử, trong những bộ xiêm y diêm dúa, bước lên sân khấu và cho khán giả thấy thế nào là sự vượt trội của con người so với con vật, cho dù đó có là chúa tể sơn lâm đi chăng nữa. Và họ đã làm điều đó như thế nào?
Kỹ thuật thuần hóa sư tử đã có nhiều thay đổi qua nhiều năm. Nghệ nhân thuần hóa sư tử đầu tiên, Henri Martin, sử dụng cách làm thân với chúng một cách từ từ. Ban đầu, ông tiếp xúc với chúng từ bên ngoài chiếc lồng, sau đó, khi chúng đã trở nên quen hơn với sự hiện diện của mình, ông bắt đầu từ từ đi vào lồng cùng chúng. Để đảm bảo an toàn, ông luôn được ngăn cách với chúng sau những song sắt. Bằng cách từ từ thu hẹp khoảng cách như vậy, những con sư tử đã dần quen với sự xuất hiện của ông.
Phong cách huấn luyện này đã trở nên lỗi thời khi Isaac Van Amburgh xuất hiện. Ông đã sử dụng các phương pháp khá bạo lực nhằm kiểm soát những chú sư tử. Và rồi đến thời Clyde Beatty, xuất hiện sau đó gần một thế kỷ, roi, súng và những chiếc ghế mới là những điểm nhấn hợp thời.
Ngày nay, các kỹ thuật thuần hóa sư tử mang tính nhân đạo hơn và do đó, súng và đòn roi gần như đã bị loại khỏi cuộc chơi. Chiến thuật dùng nỗi sợ để tạo ra sự kỷ luật nay đã trở nên lỗi thời. Hầu hết các nghệ nhân thuần hóa sư tử ngày nay đều kết hợp sử dụng các bài tập lặp lại, các yếu tố động viên khích lệ nhằm dần chiếm lấy lòng tin của những chú sư tử. Một số ít nghệ nhân thuần hóa cũng có sử dụng roi - nhưng chỉ nhằm chỉ để tách biệt họ khỏi những chú sư tử.
Khi đã có sự tin tưởng và tôn trọng, họ có thể dạy cho chú sư tử thực hiện các tiết mục theo một mô hình nhất định, đổi lấy phần thưởng là thức ăn và những lời động viên khen ngợi. Thông thường, người huấn luyện sư tử sẽ nuôi nó từ khi còn bé, và thông qua đó, họ ngày một thêm gần gũi với những chú sư tử khi chúng lớn lên.
Hầu hết các nghệ nhân xiếc thú đều rèn luyện các loài thú vật dựa trên nền tảng học thuyết điều kiện hóa cổ điển. Điều kiện hóa cổ điển, học thuyết của nhà tâm lý học B.F. Skinner, là một khái niệm cơ bản trong tâm lý học hành vi, dựa trên nền tảng là sự hình thành các phản xạ có điều kiện.
Sử dụng học thuyết này, các nghệ nhân thuần hóa dạy cho loài vật hành xử dựa trên tín hiệu của mình, sau đó có sự khen thưởng nếu con vật thực hiện đúng. Bất cứ khi nào chúng thực hiện đúng ý người huấn luyện - hoặc thậm chí chỉ cần gần đúng - người huấn luyện sẽ có khen thưởng (thường là sử dụng thức ăn). Việc củng cố tích cực một hành vi nào đó sẽ làm tăng khả năng nó xảy ra trở lại.
Hãy thử theo dõi ví dụ sau đây: Bạn là một người huấn luyện sư tử, và bạn muốn chú sư tử nhảy qua một vòng tròn treo sẵn khi bạn ra hiệu. Sử dụng học thuyết điều kiện hóa, bạn sẽ thưởng cho chú sư tử của mình bất cứ khi nào nó di chuyển lại gần cái vòng hơn. Một số người huấn luyện sử dụng một mục tiêu cố định để giúp định hình hành vi này. Bất cứ khi nào chú sư tử chạm mũi vào mục tiêu, nó sẽ được nhận thưởng. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu di chuyển mục tiêu theo một vòng tròn, nhằm đảm bảo rằng chú sư tử luôn theo sát cái đích đó. Kết quả là, chú sư tử sẽ di chuyển, hoặc hành động đúng theo ý muốn của bạn.
Gánh xiếc hay chiếc chuồng không phải là môi trường sống tự nhiên của loài chúa sơn lâm. Đừng kỳ vọng vào sự an toàn tuyệt đối khi bạn bắt một chú sư tử, thay vì tung hoành trên các đồng cỏ mênh mông tại châu Phi, nay phải nhún mình và làm bất cứ thứ gì bạn muốn. Hầu hết các nhóm ủng hộ quyền lợi động vật đều cho rằng các cuộc tấn công xảy ra khi con vật bị kích động và mất kiểm soát.
Những loài động vật hoang dã có nhu cầu khác nhau về chế độ ăn uống, môi trường, điều kiện sống và khí hậu. Tuy nhiên, trong một gánh xiếc, tất cả những loài vật đều được nuôi giữ trong cùng một loại môi trường. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một ngày nào đó, một con vật bất chợt mất kiểm soát và tấn công loài người.
Hầu hết các tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật đều ủng hộ việc sử dụng các kỹ thuật huấn luyện nhân đạo, nhưng một số nhóm hoạt động cho rằng, đằng sau tấm màn sân khấu, những vụ bạo hành động vật là khó tránh khỏi. Do đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã ký Đạo luật Phúc lợi Động vật vào luật vào năm 1966, và họ cũng thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ đạo luật này ở tất cả các rạp xiếc, vườn thú và các tổ chức quản lý động vật khác. Tất cả các báo cáo vi phạm đều được công khai trên trang web của tổ chức này.
Dù sao đi nữa, thuần phục một chú sư tử luôn là một trong những tiết mục được chờ đợi nhất. Thật khó để biết tại sao, do chúng thỏa mãn được ham muốn làm chủ và kiểm soát mọi thứ của loài người, hay do sự hưng phấn đến từ những nguy hiểm khi phải đối diện với loài vật hung bạo nhất? Chỉ biết rằng, chừng nào những ham muốn đó còn tồn tại, có lẽ tiết mục xiếc sư tử sẽ khó có thể bị dẹp bỏ.
Tham khảo: Howstuffworks