Tất cả các loài động vật - bất kể nuôi trong nhà hay sống ngoài tự nhiên, dù hiên ngang săn mồi hay phải lẩn trốn thường xuyên - đều phải làm một việc. Đó là... đi cầu.
Và bạn biết không, cái đặc điểm chung này của các loài động vật cũng giống nhau đến lạ. Chúng đều cần đến 12s để làm chuyện đó, bất kể kích cỡ khác biệt đến đâu.
Tất cả đều quỳ gối trước con số 12 thần thánh
Cụ thể, các chuyên gia từ Viện công nghệ Georgia đã tiến hành nghiên cứu cơ chế thuỷ lực học trong... ruột già của các loài động vật, dựa trên lớp chất nhầy bao quanh thứ chúng thải ra. Lớp nhầy này cho phép phân trượt qua ruột già một cách dễ dàng hơn.
Đối tượng nghiên cứu lần này tương đối rộng với nhiều loài động vật khác nhau: voi, gấu trúc, chó... Kết quả, các loài vật gần như chỉ sử dụng một mức áp lực rất nhỏ để đẩy phân ra khỏi cơ thể. Và bất kể chiều dài của ruột già, thời gian chúng đi cầu chỉ kéo dài 12s mà thôi.
"Dù là 4 hay 40cm, động vật từ mèo đến voi chỉ đi cầu trong một khoảng thời gian rất ổn định là 12s, với sai số khoảng 7s (trên tổng số 23 loài vật)" - Patricia Yang, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Thời gian "đi" thần tốc này có mục đích cả. Các chuyên gia cho rằng các loài động vật phải nhanh chóng giải quyết, vì tự nhiên là một nơi cực kỳ tàn khốc.
"Mùi của chất thải sẽ thu hút các loài săn mồi, do đó gây ra nhiều nguy hiểm" - Yang chia sẻ.
"Nếu tiêu tốn nhiều thời gian, chúng đang tự đẩy mình vào vòng nguy hiểm, làm tăng khả năng bị phát hiện".
* Video ghi lại hình ảnh những loài động vật đang "giải quyết nỗi buồn" - các bạn cân nhắc trước khi xem.
Bên cạnh việc tìm ra "mẫu số chung" trong việc đi cầu của các loài động vật, nhóm chuyên gia còn đánh giá được mức độ... nặng nhẹ của đống chất thải chúng thải ra.
Ví dụ, các loài ăn thực vật như voi hoặc gấu trúc sẽ có phân rất nhẹ. Trong khi hổ, sư tử ăn nhiều thịt và xương lại đi "nặng" hơn theo đúng nghĩa đen.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Soft Matter.