5 bật mí trớ trêu về chuyện "đi cầu" trong thế giới động vật

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 04/09/2016
Chia sẻ

Gấu túi con ăn phân của mẹ, kền kền "ị" lên chân cho mát,… và còn vô vàn những thông tin bất ngờ khác nữa.

Thế giới động vật luôn cuốn hút con người trong bất cứ phương diện nào. Các nhà động vật học từ lâu đã say mê tìm hiểu xem lũ thú sống như thế nào, kiếm mồi ra sao, phương thức sinh sản, vv…

Trong đó, kể cả chuyện không mấy vệ sinh lắm là cách chúng "giải quyết nỗi buồn" cũng được những bộ não vĩ đại của nhân loại điều tra kĩ lưỡng.

Sau một quá trình dài hơi ẩn thân và bí mật theo dõi như ninja, cuối cùng họ cũng đã tập hợp được danh sách những chiến lược "đi nặng" bá đạo nhất của các loài vật mà chúng tôi xin giới thiệu bên dưới đây.

1. Chim cánh cụt "ị" làm tan băng Nam Cực

Vào mùa xuân hàng năm tại Nam Cực, loài chim cánh cụt Gentoo đều tụ tập thành đàn - lên tới hàng ngàn con. Địa điểm tập kết là tại các bờ biển băng, và mục đích là để bắt đầu quá trình sinh sản.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tổ của chúng chỉ có thể được xây bằng đá cuội và bắt buộc phải xây tại khu vực không có băng tuyết. Do đó, loài chim này áp dụng một chiến thuật đặc biệt để có thể xây tổ bất kỳ lúc nào: đi cầu!

Các chuyên gia cho biết, màu nâu sẫm của phân chim có khả năng hấp thụ nhiệt tốt hơn so với băng trắng xung quanh. Và khi hấp thụ đủ nhiệt, lượng phân khổng lồ của đàn chim khiến băng ở khu vực làm tổ nhanh chóng tan chảy hết.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 2.

"Ị" tới đâu băng tan tới đó!

Các bãi phân như vậy tại Nam Cực lớn đến mức có thể được nhìn thấy từ vệ tinh ngoài không gian.

Thế nhưng coi thế chứ cánh cụt Gentoo cũng là một loài tương đối biết giữ vệ sinh. Chúng không muốn bị ngập trong phân của chính mình, nên phát triển thêm khả năng "bắn phân" ra xa để giữ cho tổ sạch sẽ. Có điều nếu một chú chim cánh cụt khác hay nhà quay phim xui xẻo nào đó vô tình chắn ngang quỹ đạo "đạn" bay thì sẽ lãnh đủ!

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 3.

Cẩn thận "đạn" lạc!

2. Hà mã sở hữu một chiếc máy... thổi phân

Hà mã được xem là một trong những động vật nguy hiểm nhất châu Phi. Đừng vội nhìn dáng vẻ lù khù của chúng mà coi thường, mỗi năm có 3.000 người chết vì bị loài vật này tấn công cao hơn hẳn con số 10 người/năm của cá mập.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 4.

Nhưng hà mã không chỉ nguy hiểm ở độ sát thủ, mà chúng còn có thể khiến bạn phải chịu một trận mưa phân nếu đứng đằng sau lưng chúng.

Lí do cho hành động "bất lịch sự" này là bởi hà mã dùng phân như một tín hiệu đánh dấu lãnh thổ. Khi đại tiện, hà mã đực phẩy qua phẩy lại chiếc đuôi bé tí để hất phân văng ra khắp xung quanh, nhằm mục đích thông báo cho các con hà mã khác rằng "Ta là ông chủ ở đây".

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 5.

Còn hà mã cái, chúng cũng xài trò hất phân nhưng với mục đích khác quan trọng hơn: quyến rũ các chàng hà mã trong mùa giao phối. 

Có thể với con người hành động này thật kinh dị, nhưng hà mã đực thì cho rằng đây là một điều vô cùng... lãng mạn.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 6.

"Sexy" quá đi thôi

3. Gấu Koala - thức ăn đầu đời chính là phân

Gấu Koala sống tại châu Úc sở hữu một vẻ đáng yêu khó cưỡng. Nhưng nếu bạn biết được chúng đã ăn những gì thì có lẽ độ dễ thương của chúng cần phải xem xét lại.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 7.

Khẩu phần ăn của Koala trưởng thành gồm toàn lá bạch đàn, với thành phần chứa rất nhiều xơ và còn có cả độc tố. Tất nhiên, gấu lớn thì chẳng có vấn đề gì, nhưng gấu nhỏ thì khó lòng tiêu hoá được.

Vì thế, sau khi vừa mới cai sữa, Koala non không thể ăn trực tiếp lá bạch đàn mà phải gián tiếp qua... phân của mẹ.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 8.

Việc ăn phân giúp Koala con hấp thu chất dinh dưỡng của lá đã được tiêu hóa không còn độc tố, đồng thời tiếp nhận hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột Koala mẹ - thứ sau này sẽ giúp Koala con tự mình tiêu hóa được lá bạch đàn.

Đây có thể xem như cách có 1-0-2 mà Koala mẹ chuẩn bị cho cuộc sống tự lập của con mình.

4. Kền kền có máy điều hòa nhiệt độ làm từ... phân

Kền kền là loài chim thường sống ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới nóng bức quanh năm, vì thế một trong những vấn đề quan trọng với chúng là làm mát cơ thể.

Tuy nhiên, cơ thể kền kền phủ đầy lông vũ và cũng chẳng hề có tuyến mồ hôi như người, vậy chúng giải nhiệt bằng cách nào?

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 9.

Một trong những cách được loài chim này áp dụng là thở hổn hển như cún. Cách này sẽ giúp nước bọt bốc hơi, mang theo nhiệt nhưng hiệu quả không được cao cho lắm.

Vậy nên, kền kền thường chọn một biện pháp tối ưu hơn: tự "ị" lên chân mình.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 10.

Chân vốn là nơi tiếp xúc trực tiếp với đất nên dễ bị nóng nhất. Đồng thời, đây là bộ phận không có lông, nên nước trong hỗn hợp chất thải bám vào chân sẽ nhanh chóng bốc hơi lấy đi lượng nhiệt lớn.

Ngoài ra, trong chất thải còn có acid uric, khi khô đi tạo thành lớp vỏ màu trắng bao bọc chân kền kền có tác dụng phản xạ lại ánh nắng vô cùng tốt.

5. Con lười - mỗi lần "đi" là một lần mạo hiểm

Con lười, đúng với tên gọi - là động vật chậm nhất trên Trái đất, chậm còn hơn cả loài sên.

Vì quá lười di chuyển, biện pháp tự vệ duy nhất của chúng là ngụy trang, bằng cách gần như bất động cùng có một lớp tảo xanh phủ trên bộ lông khiến cho chúng dường như hòa lẫn hoàn toàn vào môi trường rừng nhiệt đới.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 11.

Nhưng có một thói quen của loài chậm nhất quả đất này khiến các nhà sinh học phải đau đầu suy nghĩ, đó là mỗi tuần một lần lười phải treo xuống đất đào một cái hố và thải phân vào đó. Quá trình diễn ra khá lâu vì lượng phân tích tụ có thể chiếm tới 1/3 trọng lượng cơ thể.

Trong thời gian này, lười vô cùng dễ bị tổn thương, và thực tế chứng minh hơn phân nửa số lười bị chết là do thú săn mồi tấn công trong khi "giải quyết nỗi buồn".

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 12.

Nhưng tại sao lười không tiếp tục ở trên cây và cứ thế... cầu tõm xuống? Chẳng phải như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều sao?

Một cuộc nghiên cứu tiến hành vào năm 2014 đã giải đáp được câu hỏi này. Các chuyên gia thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ) đã cho rằng lười chấp nhận mạo hiểm để đảm bảo sự cộng sinh của một số loài bướm đêm trên cơ thể.

5 bật mí trớ trêu về chuyện đi cầu trong thế giới động vật - Ảnh 13.

Bướm đêm cộng sinh trên cơ thể lười

Các loài bướm như Cryptoses choloepi, Bradyphila garbei,… gần như dành trọn đời sống trong bộ lông của lười. Chúng đóng vai trò như người làm vườn, cung cấp các chất dinh dưỡng để tảo phát triển tốt hơn, tạo lớp áo ngụy trang đồng thời cũng là nguồn thực phẩm bổ sung cho lười ngoài lá cây.

Có điều ấu trùng bướm chỉ có thể sống bằng phân của vật chủ, vì vậy mục đích khiến lười phải trèo xuống đất "ị" là giúp bướm đêm có thể tiếp cận nhanh gọn nhất với phân tươi để đẻ trứng. Sau khi ấu trùng bướm trưởng thành lại bay lên làm tổ trong lông lười, hoàn tất một chu trình cộng sinh.

Nguồn: Cracked

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày