Công ty Trung Quốc trả nợ bằng áo len, giăm bông... khiến giới đầu tư "méo mặt"

Thu Phương, Theo Đời Sống & Pháp Luật 15:00 10/12/2018

Những cách thanh toán nợ và lãi bằng sản phẩm khá hài hước đang khiến nhiều người dân Trung Quốc phải cười ra nước mắt.

Công ty Trung Quốc trả nợ bằng áo len, giăm bông... khiến giới đầu tư méo mặt - Ảnh 1.

Từ áo len đến giăm bông đều có thể trở thành phương tiện thanh toán nợ của các công ty Trung Quốc trên bờ phá sản - Ảnh: Getty

Ông Li Xintong không thích những chiếc áo len cashmere đắt đỏ và tất nhiên, một trăm chiếc lại càng không. Tuy nhiên, khi khoản vay của ông với công ty Jicai đến hạn thanh toán, công ty đầu tư đã đề nghị trả nợ bằng áo len bởi không có tiền mặt. Theo công ty này, giá của 100 chiếc áo len cashmere là 150.000 nhân dân tệ (22.000 USD) tương đương với khoản tiền đã vay nhưng ông Li không chấp nhận.

Dù sao ông Li cũng nên cảm thấy may mắn bởi ít nhất, ông đã không nhận được hàng chục gói giăm bông cao cấp - một loại “trái phiếu” gần đây đang được nông trại nuôi lợn ở Trung Quốc dùng để chi trả tiền nợ cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp khác, một công ty con về tài chính của tập đoàn hàng không HNA đã trả tiền lãi cho các nhà đầu tư bằng vé máy bay thay vì tiền mặt.

Cách thức trả nợ tự phát và không được quản lý là một trong những điểm yếu của hệ thống tài chính Trung Quốc, gây tổn hại lớn đến các công ty nhỏ và những người cho vay cá nhân. Trong năm 2018, các công ty đã phát hành khoảng 135 tỷ NDT (20 tỷ USD) trái phiếu, gấp hơn 3 lần so với kỷ lục hàng năm trước đó. Một số công ty trên bờ vực phá sản đang cố gắng tránh lệnh phát hành trái phiếu bằng cách thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận các khoản chi trả bằng sản phẩm.

Thanh toán bằng hiện vật là truyền thống văn hóa lâu đời ở Trung Quốc. Trong những năm 1990, khi các nhà máy thuộc sở hữu nhà nước thiếu tiền mặt nhưng lại thừa hàng tồn kho, các công nhân được trả lương bằng hàng hóa, từ tủ lạnh đến phân bón, từ lốp xe đến vỏ chăn. Chính phủ đã cố gắng thay đổi hiện trạng này nhưng chưa có hiệu quả.

Năm 2015, công ty sản xuất hóa chất Hồ Bắc Yihua đã quyết định phát rượu cho công nhân và nhà đầu tư thay vì tiền mặt. Nhiều công ty cũng cung cấp tiền thưởng bằng hiện vật như phiếu mua sắm dịp Tết Âm lịch hay voucher du lịch.

Jicai là một trong hàng ngàn người cho vay theo dạng đầu tư đã thất bại trong năm nay, sau chiến dịch càn quét các quỹ tín dụng chợ đen. Khi ông Li cố gắng lấy lại khoản đầu tư đã bỏ ra, ông chỉ nhận được một số tiền ít ỏi hoặc lô hàng áo len cao cấp. Công ty xuất khẩu hàng dệt may Zhongyin – nơi ông Li đầu tư - đang ở trong tình trạng thua lỗ nặng.

Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, một trong những kinh nghiệm mới có lẽ là hãy đầu tư vào một công ty sản xuất những gì mình yêu thích.

(Theo Economist)