Trước Công Phượng, đã có một vài ngôi sao lớn của bóng đá Đông Nam Á, nơi luôn được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới, chuyển đến Châu Âu thi đấu. Có thể kể đến những cái tên như Công Vinh, Teerasil Dangda (Thái Lan), Egy Maulana (Indonesia)... Tuy nhiên, trong số đó chưa có ai thực sự thành công tại miền đất hứa ấy.
Sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ đến phong cách chơi bóng khiến những cầu thủ Đông Nam Á đều bị sốc trong khoảng thời gian đầu. Trong đó, vấn đề giao tiếp để kết nối với các đồng đội là thử thách lớn nhất. Tiền đạo hàng đầu của Thái Lan, Teerasil Dangda cũng từng chia sẻ về việc này khi thi đấu cho CLB Almeria tại La Liga (Tây Ban Nha).
"Ngày tồi tệ nhất là khi đội bóng tổ chức một bữa tiệc nhỏ sau buổi tập sáng. Mọi người ngồi vào bàn và bắt đầu trò chuyện. Tại đó, tôi có cảm giác mình là người duy nhất chẳng hiểu những gì xảy ra xung quanh. Tôi ngồi giữa các đồng đội nhưng không thể biết họ đang nói gì và tại sao lại cười đùa. Tôi cảm thấy thật lạc lõng", Teerasil Dangda cho biết.
Việc không thể giao tiếp khiến Dangda không thể tìm được tiếng nói chung với các đồng đội. Anh ra sân vỏn vẹn 6 trận, không ghi được bàn thắng nào và trở về CLB chủ quản là Muangthong United chỉ sau nửa năm "du học" tại Tây Ban Nha.
Trong khi đó, tiền đạo Lê Công Vinh thâm chí còn gặp nhiều trở ngại hơn bởi khi tới Châu Âu, anh còn phải đón nhận cái nhìn không mấy thiện cảm từ những người đồng đội tại CLB Leixoes ở giải VĐQG Bồ Đào Nha (Liga Sagres). Thậm chí, danh thủ một thời này còn mô tả đó là "cú sốc" thật sự.
"Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi, Về cuộc sống ngoài sân cỏ, mình phải tự túc tất cả. Họ cũng không chào hỏi hay nói chuyện với mình. Niềm vui của mình khi thui thủi một mình chỉ là lên internet để chat với bạn bè, người thân rồi đọc báo", Lê Công Vinh chia sẻ với truyền thông năm 2014.
Những hình ảnh hiếm hoi của Lê Công Vinh tại Bồ Đào Nha.
Dẫu sao, Công Phượng cũng là một cầu thủ có thể nói tốt tiếng Anh, một ngôn ngữ cho phép anh giao tiếp ở mức độ "đủ dùng" tại Bỉ. Thủ thành của tuyển Thái Lan, Kawin Thamsatchanan, người cũng đang chơi bóng tại đây từng chia sẻ: "Giao tiếp thật sự rất quan trọng khi đặt chân đến châu Âu. May mắn là tôi đã biết nói tiếng Anh trước đó dù không nhiều. Một vài cầu thủ châu Á khác cũng như vậy. Sự giao tiếp bằng 1 ngôn ngữ giúp chúng tôi kết nối tốt hơn với đồng đội và cả những người dân sống trong khu vực".
Đến với Châu Âu, được thi đấu ở những giải đấu lớn như Europa League và Champions League là ước mơ đối với bất kỳ cầu thủ nào. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến những điều đó, tất cả đều phải vượt qua rào cản về giao tiếp và tìm kiếm tiếng nói chung trên sân cỏ.
Công Phượng ký hợp đồng với Sint-Truidense V.V. Ảnh: Rider