Bản quyền bài hát Việt trên YouTube - bài toán "hy sinh"

Triết Biệt, Theo Trí Thức Trẻ 23:07 31/05/2013

Ký kết bản quyền sẽ tác động tích cực đến nghệ sĩ nhưng nó cũng khiến người dùng YouTube cảm thấy mất đi phần nào sự tự do.

Trên thế giới, việc đăng ký bản quyền hóa nội dung âm nhạc không còn lạ lẫm với sự xuất hiện của VEVO (được thành lập bởi Sony Entertainment, Universal Studios và Ahbu Dhabi Media trên mạng xã hội YouTube. Bằng việc ký kết bảo vệ bản quyền với các ca sĩ thông qua kênh riêng, quyền lợi của nghệ sĩ được đảm bảo và bản thân VEVO cũng thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc chia sẻ lợi nhuận từ lượt xem với YouTube. Chỉ tính riêng năm 2011, VEVO thu về tới 150 triệu USD, giá trị của thương hiệu này lên tới gần 800 triệu USD. Tuy nhiên ở Việt Nam, nơi mà bản quyền là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của làng giải trí thì sự xuất hiện của một cái tên giống như VEVO vẫn còn chưa được phổ biến rộng như vậy. Tháng 8/2011, POPS Worldwide đã ký kết hợp tác bản quyền hóa nội dung nhạc Việt Nam trên YouTube với chính YouTube. Sự việc này có 2 tác động chính:

Bản quyền bài hát Việt trên YouTube - bài toán "hy sinh" 1
Có khả năng toàn bộ các MV ca sĩ Việt sẽ quy tụ về một mối.

- Tác động đến chính các chủ sở hữu của nội dung âm nhạc (ca sĩ, nhạc sĩ...): bằng cách này, MV của nghệ sĩ sẽ chỉ xuất hiện trên kênh chính thức của POPS Worldwide và những người dùng khác không thể sao chép và đăng lại MV đó lên kênh cá nhân của mình trừ phi được sự cho phép của tác giả. Ngoài ra, trong trường hợp sản phẩm của ca sĩ bị bôi nhọ hay sử dụng vào những mục đích không tốt thì họ có quyền yêu cầu POPS dỡ bỏ những MV trái phép đó khỏi hệ thống của YouTube.

Và tất nhiên, những ca sĩ, nhạc sĩ sẽ nhận được một khoản doanh thu đến từ chính YouTube, cao hay thấp phụ thuộc vào lượng lượt xem MV đó trên kênh chính thức của POPS. Nhiều người có thể hoài nghi về khả năng kiếm tiền từ những MV trên YouTube thế nhưng tính trong đầu năm 2012, các nghệ sĩ thế giới đã được trả tới hơn 100 triệu USD cho việc ký kết bản quyền với VEVO. Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với POPS.

- Tác động đến người xem: Trên thế giới, sau khi VEVO chính thức khởi động vào năm 2011, nó đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng sử dụng YouTube. Một cuộc thống kê nho nhỏ với sự tham gia của hơn 28 nghìn người dùng YouTube cho thấy 85% trong số họ không đồng tình với VEVO do 3 nguyên nhân chính:

+ Quảng cáo xuất hiện tràn lan
+ Để đảm bảo nội dung trong sạch, VEVO cắt bỏ toàn bộ từ ngữ không phù hợp và do đó, theo người dùng, họ đã "làm hỏng" rất nhiều tác phẩm âm nhạc
+ Người dùng gặp khó khăn khi sử dụng lại hoặc chia sẻ những sản phẩm đã được ký kết bản quyền vào mục đích riêng mà theo họ, là "quyền cá nhân" của mỗi người.

Bản quyền bài hát Việt trên YouTube - bài toán "hy sinh" 2
Điển hình cho một MV do VEVO ký kết bản quyền với ca sĩ.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của VEVO trên thế giới hay POPS ở Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho ca sĩ/nghệ sĩ - những người đang bị vấn đề ăn cắp bản quyền làm thiệt hại nặng nề. Việc sử dụng tới biện pháp này là cách để người nghệ sĩ có thể giảm bớt đi phần nào thiệt hại, không những thế lại còn có thể kiếm được một khoản lợi nhuận không nhỏ từ YouTube. 

Vấn đề ở đây là liệu người dùng có chấp nhận tôn trọng bản quyền để gián tiếp giúp đỡ cho những người nghệ sĩ ngày ngày khổ tâm sáng tác mang lại nguồn giải trí tinh thần cho họ không mà thôi.