Tầm 1-2 giờ sáng, một hội bạn trẻ ngồi trên đường Nguyễn Huệ lôi đồ makeup ra, tự trang điểm cho nhau. Ở một góc khác, một nhóm sinh viên bắt đầu tập hát một số bài nhạc cách mạng. Chẳng ai biết mệt là gì dù đã trải qua 12 tiếng ngồi trên lề đường và trước mắt họ là còn nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi nữa. Càng gần sáng, không khí càng rộn ràng khó tả.
Trước tháng Tư năm nay, không ai có thể ngờ, một sự kiện mang tầm quốc gia, vốn trang nghiêm như lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) lại mang “vibe” rực rỡ và gần gũi đến thế.
Vẫn giữ được sự tôn nghiêm của một nghi lễ trang trọng, nhưng diễu binh năm nay không hề khô khan hay đóng mình trong một khuôn khổ nhất định. Sự kiện đã trở thành “concert quốc gia” - tạo ra một bầu không khí yêu nước đúng “tần số” của người trẻ.
Nhìn lại những khoảnh khắc đặc biệt, ghi dấu không thể quên trong Lễ diễu binh, diễu hành ngày 30/4/2025
Từ việc xếp hàng từ nửa đêm, chọn “outfit” cờ đỏ sao vàng chuẩn tinh thần, đến việc ôn lại các mốc lịch sử để sẵn sàng trả lời phỏng vấn của phóng viên - hay như họ gọi vui là “kiểm tra bài cũ” - người trẻ đã biến lịch sử thành một câu chuyện sống động. Không còn đóng mình trong những trang sách, lịch sử giờ đây là niềm cảm hứng để họ yêu, hát, và lan tỏa.
Với cờ đỏ sao vàng trong tay và “fanchant” là những bài ca cách mạng, người trẻ đã chứng minh rằng lòng yêu nước có thể rực rỡ, trẻ trung và đầy cảm xúc như hiện tại.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước đã chứng kiến sự chủ động đáng ngưỡng mộ của người trẻ.
Trước lễ diễu binh cả tháng, từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí từ nước ngoài, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch chi tiết: đặt vé máy bay, tìm chỗ ở, nghiên cứu lộ trình di chuyển, và chọn vị trí đẹp để xem diễu binh. Có người vượt hàng nghìn cây số chỉ vì “50 năm mới có một lần”. Có bạn từ Nhật Bản bay về TP.HCM đúng hai ngày, xem diễu binh xong lại quay lại Nhật ngay, không kịp về thăm gia đình. “Vì công ty không cho nghỉ dài, nhưng không đi thì tiếc cả đời,” một bạn chia sẻ.
Trên mạng xã hội, các bài đăng hướng dẫn “đi concert quốc gia” nở rộ. TikTok tràn ngập video chia sẻ mẹo xếp hàng, chọn góc quay đẹp, hay chuẩn bị trang phục sao cho “chuẩn vibe”. Các nhóm trên Facebook rôm rả bàn luận, từ cách phân biệt các khối diễu binh đến lịch sử của từng đội hình. Ở Hà Nội, nhiều bạn trẻ dậy từ 3-4 giờ sáng cuối tuần để chụp ảnh tại Lăng Bác, cột cờ Hà Nội, hay các di tích lịch sử, hòa mình vào không khí đặc biệt này.
Sự tò mò ban đầu - muốn chứng kiến diễu binh ngoài đời, muốn không bỏ lỡ khoảnh khắc lịch sử - đã nhanh chóng chuyển hóa thành niềm vui, niềm phấn khích và thật lòng muốn mình trở thành một phần của sự kiện đặc biệt sắp diễn ra.
Không cần lời hiệu triệu hay hô hào nào to tát, hội trẻ bắt đầu tự tìm hiểu về mọi thứ, xuất phát từ niềm yêu thích thật sự.
Như tìm hiểu về ý nghĩa của từng khối diễu binh, sự khác biệt giữa diễu binh và duyệt binh, hay câu chuyện về các anh hùng như Đại tá tình báo Tư Cang, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, và đội biệt động Sài Gòn. Những bài đăng về các nhân vật lịch sử được chia sẻ rầm rộ, kèm theo những bình luận xúc động, những dòng trạng thái nghẹn ngào, hoặc có thể là 1 bức ảnh chụp nguyên gương mặt đang tèm lem nước mắt rồi đăng lên story kèm theo chú thích: “Mấy bà ơi tui đã thức nguyên đêm vì xem lại bộ phim lịch sử Mùi cỏ cháy và khóc quá khóc nè”. Vậy thôi nhưng mà rất chạm!
Như một hiệu ứng domino không thể cản lại, những người khác cũng bắt đầu tò mò về những bộ phim, những nhân vật gắn liền với lịch sử. Họ tìm đọc, xem lại và thật sự xúc động.
Cũng không thể không nhắc đến sự xuất hiện của bộ phim điện ảnh mới về đề tài chiến tranh như “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" ra mắt trước đại lễ 30/4 và gây sốt với người trẻ.
Những lát cắt chân thực đến khó thở về cuộc sống của các chiến sĩ du kích địa đạo Củ Chi đã khiến người trẻ phải trầm trồ, nể phục. Chính những bộ phim về đề tài này mà đã khơi gợi được sự tò mò, khiến họ rủ nhau đi trực tiếp đến Củ Chi, trải nghiệm cảm giác chui hầm, sống vài giây “bí bách” để đồng cảm, thấu hiểu và biết hơn.
Đỉnh cao là những khoảnh khắc “kiểm tra bài cũ” khi phóng viên phỏng vấn. Người trẻ không chỉ trả lời trôi chảy về các mốc lịch sử mà còn thể hiện sự nghiêm túc xen lẫn tinh thần vui tươi, đúng chất “thế hệ mới”. Họ không học lịch sử để thi, mà để hiểu, để yêu, và để lan tỏa niềm tự hào theo cách của riêng mình.
Cụm từ “concert quốc gia” ra đời vào thời điểm tháng Tư năm nay không chỉ là cách gọi vui, mà đã trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo của người trẻ trong việc tái định nghĩa các sự kiện lịch sử.
Những bài hát cách mạng trở thành “fanchant quốc dân”. Người xem diễu binh được gọi là “khối yêu nước” hay “khối đại đoàn kết dân tộc”. Thậm chí, những câu nói quen thuộc như “quân với dân như cá với nước” hay “đi dân nhớ, ở dân thương” cũng được người trẻ lồng ghép một cách tự nhiên, gần gũi trên mạng xã hội.
Playlist của nhiều bạn trẻ trong những ngày này ngập tràn nhạc cách mạng và nhạc quê hương như Tự Nguyện, Hát Mãi Khúc Quân Hành, hay Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhưng cách họ “ôn bài” cũng độc đáo không kém:
“Đường mình đi là đường gì?” – “Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời.”
“Chúng mình thuộc dòng gì?” – “Dòng máu Lạc Hồng, 4000 năm, dòng máu đỏ tươi chảy trong tim mình.”
“Làm thế này để làm gì?” – “Để cho đất nước yên vui từ đó, để cho đỏ thắm màu cờ tự do.”
Những câu hát này không chỉ vang lên trong lễ diễu binh mà còn trở thành nhạc nền cho story Instagram, video TikTok, từ trong nhà ra phố.
Sự thay đổi và chuyển mình không chỉ đến từ nguồn năng lượng của người trẻ mà còn là sự chấp nhận và đồng hành của các cơ quan chức năng và lực lượng vũ trang trong suốt thời gian chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt. Ban tổ chức sự kiện đã bắt trend một cách thiện chí, sử dụng ngôn ngữ trẻ trung để gần gũi hơn với thế hệ trẻ. Các fanpage như Thông tin Chính phủ hay Ban Tuyên giáo TW Đoàn không ngần ngại gọi lễ diễu binh là “concert quốc gia”, chia sẻ clip do chính bạn trẻ quay trên MXH về trang của mình và dẫn nguồn.
Chương trình kỷ niệm 30/4/2025 cũng tràn ngập dấu ấn trẻ hóa: Từ màn trình diễn trượt patin giương cao lá cờ 50 năm, đến đoạn rap trong bài Mùa Xuân trên Thành Phố Hồ Chí Minh do hai nghệ sĩ Gen Z – Double2T và Phương Mỹ Chi – thể hiện. Những khoảnh khắc này không chỉ làm bùng nổ không khí mà còn tạo cầu nối giữa các thế hệ.
Sự xuất hiện của Ủy viên sinh năm 1998, đại diện cho thế hệ trẻ lên phát biểu cũng khiến nhiều người ấn tượng. Cô gái thể hiện sự tự tin, bản lĩnh cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, đại diện cho một thế hệ sẵn sàng tiếp bước tương lai. Bên cạnh đó, sự khác biệt còn nằm trong việc kịch bản dẫn chương trình thay cụm từ “trai tài gái sắc” thành “trai tài gái giỏi” đã thể hiện sự tinh tế, thể hiện mong muốn hướng đến bình đẳng giới, tôn trọng năng lực của tất cả những người trẻ đang đóng góp công sức của mình cho đất nước.
Nữ ủy viên sinh năm 1998 - Huỳnh Mạnh Phương gây sốt với diện mạo xinh đẹp cùng bài phát biểu tự tin, truyền cảm
Sức hút của “concert quốc gia” còn đến từ sự gần gũi của các lãnh đạo và lực lượng vũ trang.
Những khoảnh khắc Thủ tướng đáp lại lời yêu cầu “Bác cười đi bác”, hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang vui vẻ chào một nữ hạ sĩ khi cô nói “Bác chào Thanh Thủy đi bác” đã khiến người trẻ thốt lên: “Chỉ có ở Việt Nam!”.
Các chiến sĩ diễu binh - những người thường xuất hiện với hình ảnh kỷ luật, nghiêm trang - cũng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Họ vừa đi diễu binh vừa hát Một Con Vịt, chụp ảnh check-in góc 0.5 chuẩn Gen Z, hay để lại những lời nhắn thân thương cho người dân TP.HCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ. “Khối yêu nước” không bỏ sót khoảnh khắc nào, từ hậu trường đến chính thức, giúp hình ảnh các chiến sĩ trở thành “idol quốc dân” trong lòng người trẻ.
Sau tất cả, điều đáng quý nhất chính là sự cởi mở đón nhận những điều mới mẻ từ cả 2 phía. Người trẻ chủ động bước vào không gian lịch sử - còn các cơ quan tổ chức, truyền thông nhà nước cũng sẵn sàng tiếp nhận tinh thần ấy bằng sự cổ vũ đúng mức.
Những khuôn khổ dần được thay đổi, những điều tưởng chừng to tát xa vời trở nên thực tế và gần gũi. Ai cũng có thể yêu nước theo cách của mình. Mỗi người sẽ có một cách kết nối với lịch sử, một cách bày tỏ tình yêu với mảnh đất đang sống. Tất cả đều xứng đáng được ghi nhận.
Sức hút của “concert quốc gia” được minh chứng qua những con số ấn tượng. Truyền hình trực tiếp lễ diễu binh trên fanpage Thông tin Chính phủ đạt 40 triệu lượt xem, 721.000 lượt yêu thích, và 250.000 lượt chia sẻ chỉ trong một ngày. Từ 27/3 đến 22/4, chủ đề lễ diễu binh thu hút hơn 2,45 triệu lượt thảo luận và 18,13 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Hashtag #HoaBinhDepLam của chiến dịch Hòa bình đẹp lắm đạt 1 tỷ lượt xem trên TikTok tính đến 30/4.
Nhưng hơn cả những con số, điều đáng nói là sự thay đổi trong cách người trẻ tiếp cận lịch sử. Họ không chỉ “đu trend” cho vui, mà đang khởi đầu một xu hướng tích cực và bền vững. Lịch sử không còn là bài kiểm tra khô khan, mà là nguồn cảm hứng để họ khám phá, sáng tạo, và kể lại theo cách của riêng mình. Từ việc remix nhạc cách mạng, vẽ tranh minh họa các khối diễu binh, đến kể chuyện lịch sử qua truyện tranh, người trẻ đang biến lịch sử thành một phần của đời sống hàng ngày.
Ngay sau 30/4, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nhắc đến mốc tiếp theo: 80 năm Quốc khánh 2/9. Có người lên kế hoạch để dành tiền đi Hà Nội, tag bạn bè “Lần tới đi đông hơn nha!”, hay thậm chí đặt áo nhóm và vé máy bay từ bây giờ. Sự háo hức ấy không chỉ dành cho một ngày lễ, mà là cho cơ hội được kết nối với lịch sử, với đất nước, và với nhau.
Lễ diễu binh, diễu hành 30/4/2025 đã khép lại, nhưng điều đọng lại là sự chuyển mình mạnh mẽ trong cách người trẻ sống cùng lịch sử và kể lại câu chuyện đất nước theo “ngôn ngữ” riêng của thế hệ mình.