Con vừa lên lớp 10, phụ huynh Hà Nội đã đau đầu vì một nỗi lo không tên, lên mạng "cầu cứu" mãi chưa ra đáp án

Đông, Theo Thanh niên Việt 22:23 25/07/2025
Chia sẻ

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã trở thành tâm điểm bàn luận của cư dân mạng, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con đang bước vào tuổi mới lớn.

Mới đây, một bài đăng của ng ười mẹ trong group phụ huynh Hà Nội liên quan đến việc cho con tiền tiêu vặt khi bước vào cấp 3 đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, người mẹ này chia sẻ rằng con gái chị vừa lên lớp 10. Do trường khá xa nhà nên cô bé sẽ ở cùng ông bà ngoại.

Trước đó, người mẹ này đã hứa mua điện thoại cho con, đồng thời lập tài khoản ngân hàng để tiện chuyển tiền tiêu vặt mỗi tháng. Tuy nhiên, vì nhà ông bà ngoại bán tạp hóa, đồ ăn vặt và đồ dùng học tập luôn sẵn có, chị khá băn khoăn không biết trong điều kiện như vậy thì nên cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt mỗi tháng là hợp lý và làm sao để con biết chi tiêu hợp lý, không tiêu xài hoang phí.

Con vừa lên lớp 10, phụ huynh Hà Nội đã đau đầu vì một nỗi lo không tên, lên mạng "cầu cứu" mãi chưa ra đáp án- Ảnh 1.

Con sắp thi vào 10, người mẹ này có rất nhiều nỗi lo (Ảnh minh họa)

Trước thắc mắc của người mẹ, cộng đồng mạng đã nhanh chóng đưa ra các quan điểm, góc nhìn khác nhau. Nhiều người cho rằng việc cha mẹ cấp tiền tiêu vặt hàng tháng không chỉ giúp con học cách quản lý chi tiêu từ sớm mà còn tạo cho con cảm giác được tin tưởng và độc lập. Tuy nhiên, số tiền bao nhiêu là hợp lý thì cũng cần tính toán kỹ.

Phụ huynh "trường phái vừa đủ": Không nên nuông chiều từ sớm

Một số người cho rằng nếu con ở lứa tuổi THCS hoặc THPT chỉ nên nhận khoảng 200.000 - 300.000 đồng mỗi tháng, đủ để chi cho các khoản nhỏ như ăn vặt, mua đồ dùng học tập hoặc góp quỹ lớp. Nếu con gái của nữ phụ huynh trong bài viết không cần lo đến đồ ăn vặt hay đồ dùng học tập vì nhà ông bà đã có sẵn thì số tiền tiêu vặt hàng tháng có thể giảm xuống để tránh tình trạng hoang phí và trẻ có tiền dễ sinh hư.

Nhìn chung, việc cho con tiêu vặt là cần thiết, nhưng không nên quá tay. Thậm chí có người kể rằng họ từng cắt tiêu vặt của con một thời gian vì con dùng không hợp lý, đến khi con biết xin lỗi và cam kết lại mới cho tiếp.

- Ở với ông bà thì chi phí phát sinh cũng ít, cho con 200-300k/tháng là đủ rồi. Không phải tiêu gì nhiều đâu.

- Mình thì cho con gái 250k/tháng, trong đó 100k là để con tự mua đồ dùng học tập nếu cần. Làm vậy con phải biết cân đối, hết là chịu, không xin thêm được

- Mình lập riêng một tài khoản cho con, mỗi tháng chuyển tiền tiêu vặt rồi yêu cầu con chụp lại bảng chi tiêu gửi mình xem. Nhờ vậy mà con biết tự cân đối, giờ lớn lên không bị sốc khi ra đời.

- Mình nghĩ phụ huynh nên bắt đầu bằng khoản tiền vừa đủ khoảng 200k-300k đồng/tháng, sau đó điều chỉnh tùy theo khả năng chi tiêu và sinh hoạt của con.

- Quan trọng là phụ huynh đừng chuyển tiền vô điều kiện. Nên thống nhất rõ với con về những nguyên tắc sử dụng tiền, ví dụ như không dùng để nạp game, không chi tiêu theo phong trào.

Con vừa lên lớp 10, phụ huynh Hà Nội đã đau đầu vì một nỗi lo không tên, lên mạng "cầu cứu" mãi chưa ra đáp án- Ảnh 2.

Ngay sau khi được đăng tải, bài đăng của người mẹ này đã nhận được sự quan tâm của dân tình (Ảnh minh họa)

Phụ huynh "trường phái mềm dẻo": Cho dư ra một chút, miễn là con biết dùng

Ở một diễn biến khác, nhiều phụ huynh bày tỏ nên đưa cho con dư ra một chút mỗi tháng mới là hợp lý, nhất là với những bạn phải học xa nhà. Bởi thực tế cuộc sống luôn có những tình huống phát sinh bất ngờ như ốm đau, mất đồ hay đơn giản là hết tiền nhưng gọi mãi bố mẹ không nghe máy. Khi đó, nếu chỉ cầm vừa đủ, con dễ rơi vào thế bị động, xoay xở không kịp.

Với họ, cho dư không có nghĩa là khuyến khích con tiêu xài hoang phí, mà là tạo vùng an toàn tài chính, giúp con an tâm học hành và học cách tự cân đối, tự chịu trách nhiệm với số tiền trong tay. Chính việc giao quyền kiểm soát tài chính cho con sớm, có dư dả một chút, lại giúp con học được cách tiết kiệm, đầu tư hoặc quy đổi nhu cầu thay vì mỗi lần cần lại ngửa tay xin.

- Đi học xa nhà mà cho vừa khít như công thức thì khác gì chơi trò sinh tồn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đoán trước được. Cho con dư ra vài trăm, cũng đâu có gì quá đáng đâu.

- Mình từng rơi vào cảnh hết tiền mà bố mẹ bận họp, gọi mãi không ai nghe máy. Đói vật vã luôn. Từ đó thấy, có dư 200-300k còn hơn bị động.

- Mình cho con 500k/tháng, bảo là để thi thoảng ăn vặt, góp quỹ lớp hoặc mua đồ linh tinh. Quan trọng là mẹ và con thống nhất cách tiêu dùng ngay từ đầu.

- Học cách quản lý tiền không đồng nghĩa với việc phải khổ mới giỏi. Có dư một chút cũng là bài học: tiết kiệm hay tiêu bậy là do chính mình lựa chọn.

- Mình luôn nói với con rằng mẹ không thể lường trước hết mọi tình huống của con ngoài kia, nên mẹ cho dư một chút để con tự ứng biến khi cần. Nhưng không vì thế mà con tiêu phung phí mà phải biết tiết kiệm.

- Có tháng mình chuyển hẳn 1 triệu vào tài khoản, nhưng dặn rõ con chỉ được tiêu 300k. Còn lại là mẹ giữ quyền kiểm soát nếu thấy dùng sai.

Khi dạy con xài tiền cũng cần có… chiến lược!

Vậy, cho con tiền tiêu vặt bao nhiêu là đủ? Dạy con quản lý tài chính thế nào cho khéo?

Có thể khẳng định là không có con số đúng tuyệt đối, chỉ có cách tiếp cận đúng. Nếu cha mẹ đồng hành, hướng dẫn con cách lập ngân sách nhỏ, ghi chép chi tiêu, nhận xét sau mỗi tháng... thì dù cho ít hay nhiều, con vẫn học được cách quản lý tiền bạc.

Độ tuổi từ 15-18 là giai đoạn "quyết định" trong việc hình thành thói quen chi tiêu. Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu hình thành nhận thức rõ ràng về giá trị của tiền bạc, cũng như chịu ảnh hưởng từ bạn bè rất lớn. Nếu không được hướng dẫn đúng, trẻ dễ học theo những hình mẫu sai lệch như tiêu xài để "bằng bạn bằng bè", hay mua sắm để giải tỏa cảm xúc.

Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia tài chính và phụ huynh có kinh nghiệm:

- Cho tiền theo kế hoạch rõ ràng: Thay vì chuyển tiền "vu vơ", cha mẹ nên cùng con lập ngân sách hàng tháng. Ví dụ: 100k ăn sáng, 300k mua đồ dùng học tập, 200k dự phòng. Như vậy, trẻ hiểu được dòng chảy của tiền bạc.

- Khuyến khích con ghi chép chi tiêu: Có thể dùng sổ tay, hoặc các ứng dụng như Money Lover, Spendee, hoặc thậm chí Excel cơ bản. Việc ghi chép giúp trẻ nhận diện thói quen chi tiêu và điều chỉnh kịp thời.

- Không "ứng trước" nếu con tiêu hết: Nếu trẻ tiêu hết tiền trước kỳ, phụ huynh nên kiên quyết không cho thêm. Đó là cách để con học cách chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

- Tạo "quỹ tiết kiệm" nhỏ: Mỗi tháng, khuyến khích con trích 10 - 20% tiền tiêu vặt để tiết kiệm. Sau 6 tháng - 1 năm, dùng số tiền đó để mua món đồ con thích hoặc đóng góp từ thiện tùy mục tiêu.

- Chia sẻ câu chuyện tài chính của cha mẹ: Trẻ sẽ học tốt hơn nếu thấy cha mẹ cũng có kế hoạch tài chính cá nhân. Hãy nói cho con biết bạn từng tiết kiệm ra sao, mắc sai lầm tài chính thế nào.

Dù thế nào đi chăng nữa, điểm chung giữa các phụ huynh vẫn là mong con mình biết tự lập, hiểu giá trị đồng tiền và không lệch hướng trong giai đoạn nhạy cảm. Quan trọng là, mỗi gia đình cần có cách tiếp cận phù hợp với tính cách và hoàn cảnh của con, không nên chạy theo phong trào. Bởi suy cho cùng, tiền chỉ là công cụ, quan trọng hơn là cách chúng ta dạy con sử dụng nó mới là thứ giúp con trưởng thành.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày