Con tự do lên mạng rồi thành “game thủ”, bố mẹ can thiệp thế nào?

Hoàng Thanh, Theo Infonet 15:37 16/06/2022
Chia sẻ

Giúp con bớt nghiện game khi đang sống trong xã hội công nghệ là điều khiến không ít bậc cha mẹ đau đầu.

Hậu quả đáng tiếc từ việc con trẻ nghiện game

Chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, anh Nguyễn Quang Đăng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Tôi có 2 con trai, một cháu lớp 7 và một cháu lớp 4, cả hai đều thích chơi game nhiều giờ liên tục, thậm chí các con có thể bỏ qua bữa tối, quên làm bài tập về nhà, không tham gia các hoạt động thể thao.

Điều khiến vợ chồng tôi lo lắng nhất là có lúc hai đứa tranh giành, to tiếng với nhau để giành quyền chơi trên các thiết bị công nghệ. Đôi khi, tiếng la hét của các con khi chơi khiến tôi rất lo lắng, không biết phải làm thế nào để thay đổi các con cũng như bảo vệ các con trên không gian mạng”.

Con tự do lên mạng rồi thành “game thủ”, bố mẹ can thiệp thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác là em Minh Đức (quê Hà Nam) học giỏi, thông minh nhưng lại khiến bố mẹ đau đầu vì nghiện game online.

Ngay từ khi mới học lớp 5, Đức đã bắt đầu trốn ra quán internet chơi game online. Có lần vì mải mê chơi game mà bố em đánh em một trận “no đòn”.

Người bố tưởng đánh con thật đau thì con sẽ chừa, ai ngờ cậu bé vẫn tiếp tục lén lút theo chúng bạn ra quán internet, thậm chí là trốn học chơi game. Điều đó khiến bố mẹ Đức vô cùng lo lắng, sợ rằng con nghiện game thì mất hết con đường tương lai.

Một vụ việc nghiêm trọng mới đây cũng liên quan tới chuyện trẻ nghiện game. Theo đó, vào ngày 11/5, chị N.H (36 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến trụ sở công an phường trình báo về việc rạng sáng cùng ngày, trong quá trình đi xe máy, chị đã bị 2 đối tượng đi xe máy áp sát, đạp ngã, rồi dùng vỏ chai bia tấn công gây thương tích nhiều chỗ trên cơ thể. Tài sản nạn nhân bị cướp gồm túi xách bên trong có chiếc điện thoại iPhone 13 Pro Max, 8 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân.

Giật mình hơn khi thủ phạm vụ cướp manh động này là Nguyễn Xuân C. và Nguyễn Hoàng L. (cùng SN 2006, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). C. và L. có điểm chung là nghiện game, đã bỏ học. Khi có tiền, C. và L. có thể ngồi lỳ ở hàng internet cả ngày.

Việc rời nhà sau 21h rồi "cày" game đến 3 - 4h sáng đối với 2 thiếu niên này là hết sức bình thường và rất ít khi bị người thân nhắc nhở. Khi không có tiền chơi game, C. và L. nảy sinh hành động đi cướp tài sản.

Việc trẻ em chơi game quá độ dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát, thiếu cảm thông với người khác và có thể ứng xử với các tình huống trong đời thực như trên game.

Phụ huynh nên làm gì?

Trẻ nghiện game mà bố mẹ không can thiệp thì có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Thế nhưng, cái khó là can thiệp thế nào khi ngăn cấm hay dùng bạo lực lại không có tác dụng?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc - Trung tâm tư vấn trị liệu tâm lý Hạnh Phúc thì dùng bạo lực ngăn cấm con chơi game là điều cấm kỵ, không bao giờ được phép thực hiện.

Con tự do lên mạng rồi thành “game thủ”, bố mẹ can thiệp thế nào? - Ảnh 2.

Hiện nay trẻ tiếp xúc với môi trường internet một cách rất phổ biến. (Ảnh minh họa)

“Dùng bạo lực với con, đánh con để mong con sợ mà bỏ game thì chỉ tạo ra tác dụng ngược, con thấy chán ghét bố mẹ mà con có xu hướng làm ngược lại những gì bố mẹ nói. Bởi lẽ, trong suy nghĩ của những đứa trẻ nghiện game thì con thấy vui, thấy đam mê hay đơn giản là gặp cả team rất hiểu mình trên game trong khi ngoài đời thực thì không ai hiểu con.

Vậy nên, thay vì dùng bạo lực, cấm đoán bố mẹ hãy cùng con nói chuyện, phân tích phải trái cho con hiểu.

Ngoài ra, bố mẹ có thể giúp con dần dần (có lộ trình) tránh xa game bằng việc tạo những niềm vui khác vào những khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày mà con thường sử dụng để chơi game.

Ví như cùng con chơi thể thao, cùng con dọn nhà, cùng con nấu ăn, cùng con đạp xe hay mua tặng con thú cưng để con chăm sóc,... điều này tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi hơn giữa bố mẹ và con”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Bố mẹ cũng có thể đề ra các quy tắc trong gia đình bao gồm điều kiện để con được chơi game cũng như thời gian chơi.

Cụ thể, các ngày trong tuần khi con đi học thì mỗi ngày con được chơi 1 ván game khoảng 20 phút, còn ngày nghỉ con được chơi 30 phút.

Tất nhiên để được chơi game phải kèm điều kiện như sáng con cùng bố dậy sớm luyện tập thể thao, đạp xe,... nếu không con sẽ không được chơi game vào ngày tiếp theo.

Hay các hoạt động trong ngày nếu con thực hiện tốt sẽ được quy đổi ra số phút chơi game. Các hoạt động có thể bao gồm đọc sách, cùng mẹ nấu nướng...

Hiện nay trên thị trường cũng có nhiều thiết bị cũng như phần mềm giúp bố mẹ quản lý tất cả thiết bị trong nhà có sử dụng wifi. Từ đó, phụ huynh có thể quản lý các con, khi thấy con dùng iPad hoặc điện thoại chơi game nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ, bố mẹ sẽ ngắt kết nối wifi của chúng, tất nhiên điều này cũng phải quy ước rõ với con.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày