Con trai 2 tuổi liên tục quấy khóc, người mẹ tức giận nhốt vào tủ được nửa tiếng thì im bặt, nhưng sau đó căn nhà không còn có tiếng trẻ con nữa

Vũ Trịnh, Theo Trí Thức Trẻ 05:17 12/08/2021

Sự việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

Nuôi dạy con là trách nhiệm của bố mẹ, nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để dạy dỗ con cho đúng. Nếu giáo dục trẻ bằng bản năng mà không có phương pháp phù hợp thì sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường.

Một vụ việc thương tâm gần đây khiến dư luận Nhật Bản xôn xao. Theo đó, một bà mẹ ở Sapporo vì cách dạy dỗ con phản khoa học nên đã phải ôm nỗi hối hận suốt đời. Theo đó, người mẹ này có đứa con trai chừng 2 tuổi, đứa bé rất hay nhõng nhẽo lại còn thường xuyên nghịch phá. Với độ tuổi này thì đó là điều bình thường, vì chúng đang ở độ tuổi hình thành và phát triển mọi mặt nên vẫn chưa thể kiểm soát được hành vi của mình.

Tuy nhiên, trong một lần vì thấy con liên tục la khóc lại đòi hỏi mọi thứ, chị quyết định phạt con bằng cách bồng con lại tủ quần áo và nhốt đứa bé vào trong.

Con trai 2 tuổi liên tục quấy khóc, người mẹ tức giận nhốt vào tủ được nửa tiếng thì im bặt, nhưng sau đó căn nhà không còn có tiếng trẻ con nữa - Ảnh 1.

Những tưởng điều này sẽ dạy cho đứa trẻ một bài học và khiến em ngoan ngoãn nghe lời, nhưng tai họa đã ập đến. 30 phút sau, những tiếng hét, kêu la thất thanh đã không còn nữa thay vào đó là khung cảnh im phăng phắc. Lúc này, người mẹ đến mở cửa thì thấy con trai đã tắt thở và mất ý thức. 

Người mẹ vội vàng gọi cảnh sát cũng như gọi cấp cứu, nhanh chóng sau đó họ đã có mặt và đứa trẻ được đưa đến bệnh viên. Nhưng cuộc giải cứu không thành công vì đứa bé đã chết trước lúc đó.

Con trai 2 tuổi liên tục quấy khóc, người mẹ tức giận nhốt vào tủ được nửa tiếng thì im bặt, nhưng sau đó căn nhà không còn có tiếng trẻ con nữa - Ảnh 2.

Người mẹ ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ và trở thành nghi phạm gây ra cái chết tức tưởi cho chính con trai mình. Tuy tội trạng và bản án chưa được phán quyết song chắc chắn người mẹ này đã rất dằn vặt với hành động thiếu kiềm chế và không suy nghĩ của mình.

Nhiều cư dân mạng đã chỉ trích mạnh mẽ người mẹ về việc này. Họ cho rằng không nên để đứa trẻ trở nên sợ hãi bằng những tác động, hành vi của người lớn. Những đứa trẻ non nớt không nên chịu sự tra tấn như vậy. Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ sợ hãi như thế nào nếu bị nhốt trong một hộc tủ tối tăm khi chỉ mới hai tuổi.

Sau khi người mẹ bị bắt giữ, một số thông tin được tiết lộ rằng, người mẹ trên đã một mình nuôi con kể từ khi đứa bé chào đời. Chị cật lực kiếm tiền chăm lo cho cậu nhóc lại cáng đáng luôn việc nội trợ. Nghe tới đây, netizen lại tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh, nỗi áp lực khi làm mẹ cũng như hành động bộc phát của người phụ nữ.

Con trai 2 tuổi liên tục quấy khóc, người mẹ tức giận nhốt vào tủ được nửa tiếng thì im bặt, nhưng sau đó căn nhà không còn có tiếng trẻ con nữa - Ảnh 3.

Ngày nay, nhiều cha mẹ vẫn áp dụng các phương pháp giáo dục răn đe, đòn roi để dạy dỗ con. Song, điều này đôi khi lại phản tác dụng. Trẻ sẽ ngày càng trở nên nhút nhát, thu mình lại, hơn thế nữa, điều này còn khiến trẻ rơi vào cảm giác khủng hoảng tâm lý.

Vậy khi con không vâng lời hay có những cử chỉ, hành động mà chúng ta cho là không ngoan thì cha mẹ nên làm gì? 

Hãy tập cách giao tiếp với trẻ. Điều này có thể giúp người lớn hiểu được nội tâm của con, từ đó giúp trẻ sẵn sàng tâm sự với chúng ta những khúc mắc, những gì không vui thay vì che giấu nó. Khi cha mẹ trò chuyện với con cái và có thái độ thân thiện, con cái sẽ cảm thấy đủ độ tin tưởng và cởi mở hơn.

Con trai 2 tuổi liên tục quấy khóc, người mẹ tức giận nhốt vào tủ được nửa tiếng thì im bặt, nhưng sau đó căn nhà không còn có tiếng trẻ con nữa - Ảnh 4.

Sớm xây dựng quy tắc để trẻ phải nghe theo. Dù chưa bước vào xã hội nhưng việc xây dựng những quy tắc riêng trong gia đình sẽ rất tốt cho trẻ. Hãy để chúng hiểu rằng những gì không nên, cần tránh xa, nếu vi phạm thì sẽ khiến chúng phải gặp những chuyện gì. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, bỏ qua các hành vi, suy nghĩ không phù hợp mà không cần phải răn đe quá nhiều.

Sử dụng những hình phạt phù hợp và mang tinh thần giáo dục. Viêc chịu hình phạt thích đáng có thể khiến trẻ ghi nhớ sâu sắc về lỗi sai của bản thân, hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề để lần sau không tái phạm. Song, cần tìm các biện pháp phù hợp, chẳng hạn như làm việc nhà, không được xem ti vi, bớt phần ăn vặt,... Thông qua hình thức giáo dục này, trẻ sẽ tự rèn luyện nhân cách và biết cách tự mình phát triển bản thân trong tương lai.

Theo 163.com