Con rồng khổng lồ trên bầu trời Iceland chính là một màn trình diễn cực quang ngoạn mục

THÁI BÌNH, Theo Trí Thức Trẻ 23:33 03/03/2019

Ngay cả với những nhiếp ảnh gia tiếp xúc nhiều với hiện tượng này thì trường hợp dưới đây của bắc cực quang vẫn rất đặc biệt.

Chỉ cần biết chút đỉnh về nghệ thuật bấm máy, hình chụp bắc cực quang sẽ trở thành chủ đề ngoạn mục, thực sự gây chú ý. Ngay cả với những nhiếp ảnh gia tiếp xúc nhiều với hiện tượng này thì trường hợp dưới đây của bắc cực quang vẫn rất đặc biệt.

Bức ảnh chụp bắc cực quang hình con rồng khổng lồ được chụp tại Iceland vào đầu tháng này bởi các nhiếp ảnh gia Jingyi Zhang và Wang Zheng. Cảnh tượng ấy mê hoặc đến nỗi mẹ của hai nhiếp ảnh gia đã chạy ra để xem và được chụp ngay ở phía trước.

Con rồng khổng lồ trên bầu trời Iceland chính là một màn trình diễn cực quang ngoạn mục - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp bắc cực quang hình con rồng khổng lồ được chụp tại Iceland vào đầu tháng này bởi các nhiếp ảnh gia Jingyi Zhang và Wang Zheng.

Bắc cực quang, còn được gọi là ánh sáng phương Bắc, xuất hiện ở Bắc bán cầu, không chỉ là một cảnh tượng đẹp mà chúng là kết quả của các lực vũ trụ đi qua Hệ Mặt trời. Chúng được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh chúng ta. Khi những cơn gió mặt trời này đến Trái đất và đập vào từ quyển của nó (hai đến ba ngày sau khi chúng rời khỏi Mặt trời), chúng giải phóng năng lượng và kích thích oxy, nitơ trong bầu khí quyển trái đất. Sự kích thích gây ra sự ion hóa các phân tử khí và giải phóng các photon ánh sáng. Oxy tạo ra ánh sáng xanh và vàng, nitơ tạo ra ánh sáng đỏ và xanh.

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy hiện tượng này ở các điểm cực nam và cực bắc của trái đất. Vì các phân tử khí bị kích thích được kéo xuống bởi từ trường hành tinh của chúng ta tập trung tại hai cực.

Người ta truyền nhau rằng hiện tượng cực quang là điệu nhảy của Thần vũ trụ. Và hình con rồng quả thực là một hiện tượng không thể quên đối với những người may mắn được chứng kiến.

Trái đất trải nghiệm nhiều cực quang hơn trong các cơn bão mặt trời, nơi đặc biệt nhiều gió mặt trời. Blog của NASA đã thông báo rằng đầu tháng Hai dường như không có bất kỳ hiện tượng cực quang nào, vì vậy con rồng cực quang này càng trở nên đáng ngạc nhiên.

Nguồn: iflscience.com