Tết Nguyên đán năm nay, bé Hà Anh - cô con gái út đang học lớp 5 của chị Bùi Thị Thu Thảo (41 tuổi, Nam Định) được nghỉ 11 ngày liên tục. Trước kỳ nghỉ, con gái chị Thư nhận được 10 trang bài tập Tiếng Việt, 3 đề Toán và 2 đề tiếng Anh (chưa kể một số yêu cầu nhỏ từ các môn Lịch sử, Địa lý) từ giáo viên, cùng lời dặn nộp bài vào buổi học đầu năm mới.
Đây không phải năm đầu tiên, bé Hà Anh được giáo viên "lì xì" bài tập Tết. Nhìn vào số lượng bài tập mà con gái được giao, chị Thảo không khỏi ngao ngán. Nữ phụ huynh tính toán, để làm hết số bài đó, con chị cũng phải mất ít nhất 4-5 ngày, chiếm gần 2/3 thời gian nghỉ Tết.
Chị Thảo bức xúc, ngay đến người lớn còn không muốn bị giao việc trong ngày nghỉ, vậy tại sao phải yêu cầu con trẻ phải làm bài tập chỉ vì sợ các con quên kiến thức? "Thử nghĩ xem, bố mẹ thì lo sắm Tết, lo đi chúc Tết họ hàng mà cứ để các con nơm nớp lo đống bài tập về nhà thì có nên hay không", chị Thảo nói.
Theo nữ phụ huynh, dịp Tết Nguyên đán là dịp để học sinh kết nối với gia đình, vì vậy không cần phải giao bất cứ hình thức bài tập nào. "Hãy để con trẻ tận hưởng Tết trọn vẹn, cũng như khi người lớn nghỉ phép cũng cần ngắt kết nối với công việc. Giao bài tập Tết cho học sinh chẳng khác nào khiến phụ huynh cũng không được nghỉ Tết theo vì phải kèm cặp con", chị Thảo bày tỏ.
Đồng quan điểm, chị Nhâm Thuý Hà (43 tuổi, Hà Nội) cho rằng, người lớn vui xuân đón Tết, các con phải vật lộn với hàng đống bài tập thật không công bằng.
"Chẳng mấy học sinh vui khi nhận hàng đống bài tập Tết và lo sợ bị quở trách và bị so sánh với bạn bè, các con buộc phải hoàn thành", chị Hà nói và cho biết, nhiều trường hợp gia đình về quê hoặc đi du lịch mà con vẫn phải mang theo phiếu bài tập và ngồi riêng một góc để làm khiến cả nhà mất vui.
Chỉ vỏn vẹn mấy ngày nghỉ Tết, học sinh cũng chưa thể quên đi kiến thức. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để con trẻ có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục truyền thống. Do đó, nữ phụ huynh mong nhà trường, thầy cô giáo tạo điều kiện để học sinh có khoảng thời gian nghỉ Tết thực sự.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, vẫn có nhiều phụ huynh cho rằng, nếu không giao bài tập làm, ăn Tết xong các con sẽ "chữ thầy trả thầy". "Thời gian nghỉ Tết của các con thường kéo dài từ một đến hai tuần. Có bài tập về nhà, con còn lo học bài thay vì chìm vào mạng xã hội, chơi game", chị Phan Thị Ngọc (34 tuổi, Hà Nội), một phụ huynh có hai con đang học bậc Tiểu học nói.
Theo nữ phụ huynh, nếu bài tập nhiều, thay vì ngồi oán trách, phụ huynh có thể giúp con lên kế hoạch làm bài, mỗi ngày làm bao nhiêu thời gian, bao nhiêu câu hỏi. Đó là cách giúp con trẻ rèn luyện tính kỷ luật, có trách nhiệm hơn trong học tập.
Chị Ngọc mong vào mỗi kỳ nghỉ, giáo viên sẽ giao bài tập về nhà để học sinh trau dồi thêm kiến thức đã học, đặc biệt với học sinh cuối cấp bởi các em đang ở giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi chuyển cấp.
Giữa nhiều luồng ý kiến trái chiều, cô Nguyễn Thảo Linh, trường THPT Cổ Loa (Hà Nội) cho rằng, giao bài tập dịp Tết cho học sinh hay không là quyền chủ động, linh hoạt của từng giáo viên. Cô cho rằng trong kỳ nghỉ Tết, việc không giao bài chẳng những làm học sinh, bố mẹ vui mà thầy cô cũng thấy được giảm áp lực.
"Tôi thường nói với học sinh, nếu ai có nhu cầu làm bài tập, luyện đề trong dịp Tết thì có thể nhắn riêng, tôi sẽ gửi để học sinh làm, chứ không giao đồng thời cho cả lớp. Suy cho cùng, việc được thoải mái vui chơi trong chơi dịp Tết của học sinh là nhu cầu chính đáng, đáng được ủng hộ", cô Linh nói.
Cô giáo Bùi Thị Nhàn, trường THCS Phúc Khánh (Thái Bình), nữ giáo viên thường chọn cách biến bài tập đặng lý thuyết khô khan thành những dạng bài trải nghiệm kĩ năng sống, đem lại nhiều hứng thú cho học sinh. Cụ thể, mỗi năm, trước khi nghỉ Tết, cô Nhàn đều giao học sinh các bài tập cụ thể như: giúp đỡ ông bà, cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, tham gia gói bánh trưng, trang trí nhà đón Tết...
"Tôi thường không giao bài tập cho các em vào dịp này, vì đây là thời gian các em quây quần bên gia đình, trải nghiệm văn hoá truyền thống. Khi đi học lại, học sinh rất hào hứng, kể về những trải nghiệm, việc mà mình đã làm được trong suốt kỳ nghỉ Tết cho cô và các bạn nghe", cô Nhàn nói.
Nữ giáo viên khuyên trước khi quay lại trường 1-2 ngày, học sinh nên xem lại bài vở, nhanh chóng lấy lại đà học tập vì nhiều em sau Tết vẫn còn tâm lý muốn chơi, chưa bắt nhịp với việc học.