Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng để cha mẹ và con cái có thể giao tiếp hiệu quả, thêm khăng khít, gắn bó với nhau. Vậy các bậc cha mẹ có biết đâu là những câu nói truyền động lực cho con; còn đâu là câu nói khiến trẻ chán ghét và trở nên nổi loạn?
Trong một cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu đã phân loại được 5 câu nói cha mẹ thường xuyên sử dụng với con. Đây là câu nói trẻ không thích nghe và có thái độ chống đối nếu cha mẹ lặp lại nhiều lần. Nếu bạn thường nói những lời này với con thì cần thay đổi nhé!
Có một câu chuyện khiến nhiều phụ huynh phải ngẫm nghĩ, tự hỏi mình từng rơi vào trường hợp đó chưa. Câu chuyện như sau: Tiểu Xuyến (Trung Quốc) có ước mơ vào Đại học Nam Kinh nhưng mẹ cô không đồng ý. Bà mong cô sẽ được nhận vào Đại học Thanh Hoa hoặc Đại học Bắc Kinh.
Vì là mẹ đơn thân nên bà đặt mọi niềm hy vọng vào con gái và không cho phép cô làm theo ý mình. Cuối cùng, dưới sức ép từ người mẹ, cô đã bị trầm cảm nặng và phải đến bệnh viện điều trị trong một thời gian dài.
Dù thương yêu con nhưng cha mẹ hãy để con được tự do, có quyền làm theo ý thích (Ảnh minh hoạ)
Cha mẹ nào cũng đều mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con mình. Từ kinh nghiệm bản thân, họ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích với mong muốn đường đời của con được phẳng lặng, bớt sóng gió. Tuy nhiên, nếu can thiệp quá mức sẽ huỷ hoại đứa trẻ. Đây chính là hành động tước đi quyền lựa chọn và quyền được có trách nhiệm trước cuộc đời của chúng.
Mỗi người nên có một cuộc sống riêng, cha mẹ có thể giúp đỡ và hướng dẫn con nhưng không thể yêu cầu chúng sống theo kỳ vọng của mình.
Phụ huynh luôn quan tâm đến việc làm bài tập của con. Họ lo lắng con không học bài cũ, không hoàn thành bài tập giáo viên giao, không đạt điểm tốt khi kiểm tra. Vì vậy, họ luôn sát theo con từng bước, đôn thúc việc làm bài tập của con.
Việc trẻ lười biếng không làm bài tập về nhà hay không tập trung lúc làm bài là tình trạng phổ biến. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh luôn hỏi con thường xuyên: "Con đã làm bài tập về nhà chưa?". Nếu con trả lời rằng chưa làm xong bài tập thì chắc chắn sẽ bị khiển trách: "Con biết hôm nay con chơi cả ngày rồi không?".
Những đứa trẻ ngày nào cũng bị nhắc nhở, đốc thúc làm bài tập chắc hẳn rất mệt mỏi, chán nản. Cũng giống như việc cha mẹ đi làm và bị sếp giục giã: "Báo cáo đâu rồi? Sao đến giờ vẫn chưa hoàn thành?". Mỗi đứa trẻ đều có thói quen và nhịp sinh hoạt riêng. Cha mẹ có thể quan sát và hướng dẫn trẻ cách sắp xếp thời gian phù hợp. Chẳng hạn như cha mẹ hãy bình tĩnh hỏi con: "Con định làm bài tập lúc mấy giờ?", "Mất bao lâu để con hoàn thành?", "Con có cần cha/ mẹ hỗ trợ không?",…
Để trẻ tự tìm ra thời gian và cách học phù hợp nhất với mình sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc thúc giục và cằn nhằn.
Hãy để con tự giác học tập, cha mẹ không nên thúc giục quá nhiều (Ảnh minh hoạ)
Cha mẹ cần có quyền hạn nhất định để con biết sợ và nghe lời. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quen dùng uy quyền để ra lệnh, ép buộc và yêu cầu con cái phải phục tùng trong mọi việc sẽ gây phản tác dụng. Nhà văn Rudolph Drakes đã viết trong cuốn "Children: The Chalenge": "Bất cứ khi nào chúng ta ra lệnh hoặc ép buộc một đứa trẻ làm điều gì đó, nó sẽ dẫn đến cuộc xung đột, tranh cãi".
Mỗi đứa trẻ đều có những ý tưởng riêng. Nếu cha mẹ không đồng cảm suy nghĩ của con mà dùng quyền làm cha, làm mẹ để bác bỏ ý kiến sẽ khiến trẻ có thể phản kháng lại. Chúng không nghe lời hoặc có thể làm theo một cách chống đối. Nguy hiểm hơn là lần sau chúng sẽ không chia sẻ bất cứ chuyện gì nữa, tự làm theo ý mình.
Hầu hết những đứa trẻ đều có một "kẻ thù" là "con nhà người ta". Một số bậc cha mẹ lấy "con nhà người ta" để làm tấm gương sáng cho con nhà mình. Họ nghĩ rằng cách so sánh này sẽ giúp trẻ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, trẻ rất ghét việc bản thân bị so sánh với bất cứ đứa trẻ khác nào.
Đừng bao giờ so sánh con mình với "con nhà người ta" (Ảnh minh hoạ)
Một số phụ huynh có suy nghĩ không thực tế. Họ hy vọng con trở nên giỏi giang, ưu tú giống với "con người ta" mà quên đi những ưu điểm của con mình. Việc so sánh, chì chiết trong một thời gian dài sẽ gây tổn thương tâm lý trẻ. Dần dần trẻ sẽ mất đi sự tự tin, luôn cảm thấy bản thân yếu kém hơn người khác.
Một số cha mẹ khi thấy con làm sai thường hay thốt lên rằng: "Sao con làm vậy, con ngốc quá!", "Con thật vô dụng!",… Nhà Tâm lý học người Mỹ từng chia sẻ: "Một khi người ta bị gán cho nhãn hiệu nào đó, họ sẽ trở thành người bị gán mác ấy".
Những lời nói hạ thấp của cha mẹ khiến trẻ vô thức nghĩ rằng bản thân thật sự tồi tệ, yếu kém. Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động lời nói đối với cuộc sống của trẻ. Lời nói của cha mẹ rất quan trọng, góp phần hình thành tính cách cho trẻ.
Nếu thật sự muốn con trở nên xuất sắc, cha mẹ cần tác động đến con bằng những lời nói và hành động tích cực. Hãy luôn nói những lời động viên, khích lệ giúp con tự tin hơn vào bản thân.