Chị Ngọc Lan (Hà Nội) cho biết, với các bạn thi chuyển cấp vào lớp 6, thời điểm từ tháng 3 có thể coi như thời điểm bắt đầu chạy nước rút. Thường khi đến giai đoạn cận kề mùa thi như hiện nay, tâm lý của học sinh và phụ huynh sẽ lo lắng nhiều hơn, dẫn đến áp lực và bối rối không biết ôn tập như thế nào cho hiệu quả.
Con gái chị là Đan Thanh năm ngoái thi vào THCS Chuyên Ngoại ngữ, THCS Hà Nội - Amsterdam (Ams) và THCS Cầu Giấy. Em đã đỗ cả 3 trường, sau đó chọn học ở Ams. Để đạt được thành tích này, ngoài việc nắm chắc kiến thức trên lớp, Đan Thanh còn được mẹ định hướng ôn luyện kĩ trong 2 tháng cận ngày thi. Trước đó, em không đi học thêm.
Chị Ngọc Lan và con gái Đan Thanh.
Chị Lan cho biết: "Bản thân mình luôn xác định không phải ép con vào các trường chất lượng cao (CLC) bằng mọi giá. Áp lực vừa đủ, nhưng nếu con không được cũng vẫn còn trường công gần nhà nên không việc gì phải quá căng thẳng theo tinh thần 1 là sống 2 là chết.
Nhưng đã đặt mục tiêu thì phải nỗ lực để đạt được mục tiêu. Dù trước đó con có đi học thêm ở trung tâm với thầy cô hay tự học, thì giai đoạn nước rút bao giờ cũng rất quan trọng. Bạn nhà mình học ở Archimedes, mình tự thấy chương trình học của trường cũng đã khá nâng cao so với chương trình của Bộ GD&ĐT và con vẫn đáp ứng tốt nên mình không cho đi học thêm đâu cả".
1. Tìm kiếm bộ đề thi của các trường qua các năm và cho con làm, ngày 1 đề
Mỗi trường CLC lại có đề thi riêng với cách ra đề và mức độ khó khác nhau. Con cần làm bộ đề và tính giờ như thật, để từ đó xác định được năng lực của con đang ở đâu so với đề, những điểm yếu con đang gặp phải.
Nếu con thừa thời gian mà không làm hết bài. Thì con đang bị hổng kiến thức ở các dạng bài đó. Nếu cho con thời gian, con vẫn làm thêm được thì chứng tỏ tốc độ suy nghĩ và tính toán của con đang bị chậm, đang bị lòng vòng ở chỗ nào đó. Nếu con biết làm nhưng sai kết quả, chứng tỏ con chưa cẩn thận, còn ẩu. Vậy mỗi bước cần làm chắc và chậm hơn. Tức là phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của con ở thì hiện tại so với yêu cầu.
2. Từ các điểm yếu ở trên, mới cho con rèn luyện thêm
Mục đích để sửa dần hay lấp chỗ trống với các kiến thức hổng. Tiếng Anh không nắm chắc ngữ pháp thì luyện lại ngữ pháp, thiếu vốn từ thì phải học từ, viết yếu thì phải luyện viết từ những câu đơn giản. Toán và Văn cũng thế. Cơ bản là yếu đâu thì sửa đó. Những cái này phụ huynh có thể chịu khó tìm tòi thêm trên Internet. Mỗi ngày con cũng chỉ cần 1-2 tiếng để học là ổn.
3. Đặt mục tiêu cho đúng
Theo chị Lan, điều này cực kỳ quan trọng. Vì trong khi làm bài thi, thời gian có hạn, nếu không có mục tiêu đúng rất dễ thất bại.
Ví dụ: Con gái chị Lan khi được mẹ cho làm đề Toán vào Ams qua các năm thì chỉ loanh quanh 5 điểm. Vậy thì đặt mục tiêu điểm toán Ams chỉ cần 7 là đã tốt lắm rồi. Đặt mục tiêu 9, 10 là hoàn toàn không khả thi.
Vậy với mục tiêu 7 điểm thì con cần làm gì? Sau khi nhận đề, con dành 5-7 phút đầu tiên đọc hết một lượt đề. Khoanh tròn vào 7 câu mà con cảm thấy dễ và có khả năng làm được. Và chỉ cần quan tâm 7 bài này thôi. Làm xong, dành thời gian kiểm tra lại chắc chắn một lần nữa 7 bài này. 3 bài còn lại con không cần quan tâm, hoặc có thể làm nếu đã chắc chắn 7 phần kia. Khi chị Lan bày cho con chiến thuật này, kết quả con được 6.5 điểm trên mục tiêu 7.
Chị Lan chia sẻ: "Cách mình ôn thi cho con trong giai đoạn nước rút khá đơn giản, nhưng cũng phải 'lựa gió mà bẻ măng'. Con nhởn nhơ thì mình phải 'áp' con một chút. Con cảm thấy áp lực quá thì mình lại phải quay ra động viên không sao cả, cứ cố gắng hết sức, cùng lắm là về trường làng học, vẫn ổn và vẫn vui!
Tâm lý là quan trọng. Cân bằng giữa việc học và các hoạt động khác. Đặc biệt là sức khỏe. Lúc nào cũng phải duy trì sức khỏe, tuyệt đối không thức khuya, không ăn uống bừa phứa. Những giai đoạn này, việc bổ sung cho các bạn các sản phẩm như multivitamin sẽ hỗ trợ cho các con rất nhiều. Cả trên phương diện phát triển chiều cao, hỗ trợ trí não và duy trì một sức khỏe bền vững".