Hà Kiều Trang (SN 2008, Hà Nội) hiện đang sinh sống tại Đảo quốc Sư Tử Singapore. Trang đang học Sec 3, hệ O-Level tại Cedar Girls' Secondary School (tương đương với lớp 9 ở Việt Nam). Cedar Girls là trường nữ sinh và có 2 hệ: Hệ IP liên kết với Victoria School và hệ O-Level. Đây là một trong những trường phổ thông hệ O-level có xếp hạng cao.
Trang là số ít học sinh tại Việt Nam nhận được học bổng ASEAN do chính phủ Singapore tài trợ 100% học phí cho 4 năm học phổ thông và dự bị đại học tại trường công lập Singapore. Suất học bổng này còn bao gồm nhiều lợi ích khác như: Phí ký túc xá, phí bảo hiểm y tế, vé máy bay khứ hồi, trợ cấp ổn định lúc mới sang, phí dự thi GCE O-Level và GCE A-level cùng phí sinh hoạt hàng tháng. Chính vì thế, gia đình em không phải chi trả thêm bất kỳ khoản tiền nào.
Kiều Trang nhận được học bổng ASEAN do chính phủ Singapore tài trợ 100% học phí.
Vì điều kiện tài chính gia đình hạn hẹp nên Trang chưa bao giờ có ý định ra nước ngoài học tập. Với em, đó là một ước mơ khá xa vời. Mãi đến cuối năm lớp 8, em mới thử đăng ký học bổng ASEAN khi được một người bạn rủ.
Ban đầu, Trang chỉ muốn thử sức để đánh giá năng lực bản thân so với các bạn đồng trang lứa. Nhưng sau khi vượt qua vòng 1, nữ sinh đã quyết định tìm hiểu kỹ hơn về nền giáo dục của Singapore và nhận ra đây là môi trường phù hợp với bản thân. Vì thế, em đã nghiêm túc ôn thi cho vòng 2 để "apply" học bổng.
Trước quyết định bất ngờ trên, bố mẹ Trang đã phản đối vì chưa chuẩn bị tâm lý cho con gái đi du học ở tuổi còn "dở dở ương ương". Nhưng em đã thuyết phục và cuối cùng bố mẹ đã ủng hộ. Nhờ vậy, Trang càng có động lực cho việc chuẩn bị hồ sơ ở các vòng sau. Từ kinh nghiệm của bản thân, nữ sinh chia sẻ quá trình "apply" học bổng gồm các vòng sau:
1. Vòng 1 - Điền đơn:
Trang được yêu cầu điền những thông tin cơ bản về gia đình và bản thân, cùng thành tích học tập và giải thưởng liên quan như giải Nhì HSG cấp thành phố môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, em cũng cần liệt kê các hoạt động ngoại khóa đã tham gia trong 2 năm gần đây như: CLB Cờ Vua, dự án trực tuyến về tâm lý học đường.
2. Vòng 2 -Vòng thi Toán và Tiếng Anh:
Sau khi kết thúc vòng đơn, Trang có 1 tháng để ôn luyện, chuẩn bị cho vòng 2. Trang chia sẻ, bản thân em không kỳ vọng nhiều nhưng sau đó, em nghĩ đây là một cơ hội tốt và em nên thử sức để hiểu vị trí của mình. Thời điểm đó, Trang đang học lớp chọn Toán của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nên em không mất nhiều công sức ôn luyện. Thay vào đó, em chú trọng hơn vào kỹ năng viết luận. Sau 1 tháng hoàn thành bài thi ở vòng 2, Trang nhận được mail (thư điện tử) từ Bộ giáo dục Singapore mời phỏng vấn.
Có lẽ bài luận ở vòng 2 là yếu tố quan trọng giúp em nhận học bổng vì theo em, bài luận chính là mấu chốt để Bộ giáo dục Singapore nhận thấy sự khác biệt của em so với các bạn khác. Nữ sinh đã viết về tính đồng đội trong đội nhóm đã mang đến nhiều lợi ích như: Trau dồi khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình,…
Trong quá trình "apply" học bổng, gia đình Trang, đặc biệt là mẹ luôn hỗ trợ tinh thần cho em rất nhiều.
3. Vòng 3 - Vòng phỏng vấn:
Đây là vòng cuối cùng của quá trình "apply" học bổng ASEAN. Ở vòng này, Trang có 1 tháng chuẩn bị. Em luyện tập trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp, cũng như luyện phát âm và "body gesture" (cử chỉ cơ thể).
Buổi phỏng vấn của em diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên em nhận ra ban tuyển sinh chỉ phỏng vấn tầm 10 phút, trong khi nhiều bạn được phỏng vấn tới 20 - 30 phút. Điều này khiến Trang lo lắng bản thân không đủ hấp dẫn nên họ không muốn khai thác. Tuy được bố mẹ động viên rằng có thể em đã trả lời đúng trọng tâm câu hỏi nên cuộc phỏng vấn diễn ra nhanh chóng nhưng nữ sinh vẫn không nghĩ sẽ nhận được học bổng danh giá. Thế nên khi có thông báo "Congratulations - Offer of ASEAN Scholarship for Vietnam" (trúng tuyển), Trang đã rất bất ngờ và hạnh phúc.
Singapore là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nên có thời tiết, văn hóa không quá khác biệt so với Việt Nam. Tuy nhiên, lúc mới sang Trang vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ do phải sớm thích nghi với môi trường mới mà không có người quen. Nhưng nhờ những buổi hỗ trợ ở ký túc xá cùng sự tận tình từ Bộ giáo dục Singapore nên Trang đã làm quen được với nhiều bạn mới.
Dù gặp không ít khó khăn khi sang môi trường mới nhưng Trang luôn nỗ lực học tập để có thể đạt thành tích tốt nhất.
Một thách thức khác mà Trang gặp phải là sự khác biệt trong giáo trình học. Chương trình học tại Singapore có một môn là Social Studies (Khoa học xã hội) - môn học khá mới với nữ sinh. Tuy nhiên, thầy cô và các bạn luôn hỗ trợ em tối đa. Đối với những bài giảng chưa hiểu, Trang có thể đặt lịch trao đổi trực tiếp riêng với giáo viên phụ trách bộ môn đó. Cách học này giúp em tiến bộ rõ rệt, không còn cảm thấy sợ việc học.
Kiều Trang tâm sự: "Du học sớm là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời em, mở ra cho em nhiều cơ hội. Nhưng bên cạnh đó, em hiểu bản thân cũng phải đối mặt với không ít thách thức, áp lực. Những lúc stress, căng thẳng, em sẽ gọi điện cho bố mẹ để chia sẻ. Còn nếu có thời gian nhiều hơn, em sẽ bắt một chuyến xe buýt bất kỳ để vi vu khắp Singapore. Ngắm đường xá và cuộc sống của mọi người cũng là cách giúp em thư giãn tâm trí".
Một trong những lý do khiến Trang quyết định rời xa gia đình và bạn bè để đến một đất nước xa lạ khi còn sớm là vì muốn giành học bổng ASEAN bậc Đại học, vào được ngôi trường hàng đầu Singapore. Bản thân em luôn ý thức được đây là hành trình vô cùng gian nan. Vì thế, Trang luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành dự định đã đặt ra.
Ảnh: NVCC