Con gái bỗng đòi đi "đường tắt" khi thi vào lớp 10, bà mẹ Hà Nội lo lắng: Chiều con liệu có "hại" con không?

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 12:41 08/05/2025
Chia sẻ

Phụ huynh cần đồng hành và lắng nghe thật kỹ con trong giai đoạn này.

"Mình có con gái năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10. Thật sự rất lo vì điểm các môn của con yếu quá, đặc biệt là môn Toán chỉ được 2–3 điểm dù con vẫn chăm học. Con cũng nhận ra điều đó và có nói với mình rằng muốn chuyển hướng sang học nghề, không thi vào 10 nữa.

Hiện con đã tự tìm hiểu và chọn được trường, cũng xác định rõ ngành muốn học và nói là sẵn sàng ra Hà Nội sống tự lập. Mình thấy con có quyết tâm, nhưng trong lòng vẫn phân vân không biết nên ủng hộ con theo học nghề luôn hay khuyên con cố thi vào lớp 10, chọn một trường vừa sức để học tiếp", đây là tâm sự của một bà mẹ được quan tâm gần đây trên các hội nhóm dành cho phụ huynh có con năm nay vào lớp 10 .

Trên thực tế, lo lắng này không phải không có cơ sở. Kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng được đánh giá "căng hơn thi đại học". Trước sự cạnh tranh gay gắt này, nhận thức của phụ huynh đang dần có sự thay đổi khi không ngần ngại chuyển hướng cho con đi "đường tắt": Đăng ký học nghề thay vì thi vào lớp 10 bằng mọi giá như trước đây.

Con gái bỗng đòi đi "đường tắt" khi thi vào lớp 10, bà mẹ Hà Nội lo lắng: Chiều con liệu có "hại" con không?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Học nghề - Lựa chọn chủ động hay bị động?

Trường hợp con gái của vị phụ huynh trên là một ví dụ đáng suy ngẫm. Dù điểm số không cao, em đã tự nhận thức được năng lực của bản thân và chủ động tìm hiểu về ngành nghề phù hợp. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của học sinh, khác xa với tâm lý "học cho xong" trước đây.

Theo đại diện các trường, trong những năm gần đây, số lượng phụ huynh định hướng cho con đi học nghề ngay sau lớp 9 đang ngày càng tăng lên. Lợi thế của học nghề sau lớp 9 là học sinh sẽ được miễn học phí, có nghề nghiệp sau một thời gian học tập ngắn, có thể tham gia thị trường lao động sớm hoặc liên thông lên ĐH…

Có con đang theo học năm đầu tiên một trường cao đẳng tại quận Bình Tân, TP.HCM, anh Thanh (Quận 8) cho rằng ban đầu cháu có hơi hụt hẫng vì thấy các bạn vào trường này trường nọ, có tâm lý tự ti nhưng sau một năm đã quen dần và yêu thích với chương trình học song song này.

Sau khi tốt nghiệp THCS, con anh đăng ký học 9+ bậc CĐ, học song song văn hóa 7 môn và học chuyên môn, sau 3,5 năm có bằng tốt nghiệp THPT và bằng CĐ.

"Theo kế hoạch, cháu sẽ học để lấy bằng cao đẳng, sau đó sẽ học thêm 1,5 năm để liên thông lên đại học. Theo tôi được biết, hiện các cháu học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập cao ở rất nhiều ngành nghề như công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, kế toán, du lịch… nên không sợ vấn đề thất nghiệp", anh Thanh nói.

Anh Thanh cho biết, không chỉ gia đình anh mà nhiều bạn bè có con cùng lứa tuổi cũng đã lựa chọn phương án này nếu học lực của con không quá xuất sắc nhưng có đam mê một nghề nào đó. Trên thực tế, học nghề được xem là con đường lập nghiệp nhanh nhất. Từ 2 - 3,5 năm, người học vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động. Con đường học nghề dành cho học sinh hết lớp 9 nhưng không vào lớp 10 công lập rộng mở.

Theo Hiệu trưởng một trường cao đẳng, trong những năm gần đây, xu hướng học sinh chọn học nghề sau THCS khá nhiều. Quan niệm không đậu trường công lập mới học nghề đã thay đổi. Nhiều em tốt nghiệp THCS loại giỏi đã đăng ký học nghề. Các em chọn học nghề theo điều kiện kinh tế gia đình chứ không còn theo tâm lý bằng cấp. Tuy nhiên, các em phải chọn được đúng nghề mình yêu thích.

Có rất nhiều trường trung cấp và hàng loạt trường cao đẳng đã đào tạo mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học văn hóa. Phụ huynh cần chọn trường nghề uy tín, có cam kết việc làm sau tốt nghiệp.

Đặc biệt: Phụ huynh cần đồng hành và lắng nghe thật kỹ con trong giai đoạn này. Không chỉ đơn thuần là chiều theo nguyện vọng của con, mà cần tỉnh táo xem xét bản chất quyết định ấy là chủ động hay bị động. Liệu con thực sự có đam mê, có hiểu rõ ngành nghề mình chọn? Hay sâu xa, con chỉ đang tìm cách né tránh áp lực thi cử, tránh cảm giác thất bại trước kỳ thi lớp 10?

Năng lực thực tế và sự chuẩn bị tâm lý của con cũng là điều phụ huynh cần cân nhắc. Bởi nếu chọn học nghề, con sẽ phải bước vào môi trường khác hoàn toàn — nơi đòi hỏi sự tự giác, kỷ luật, và chịu trách nhiệm với chính con đường mình chọn. Đây không phải là lối đi dễ dàng hơn, mà chỉ phù hợp nếu con đã thật sự sẵn sàng cả về tinh thần lẫn năng lực.

Do đó, chọn thi vào lớp 10 hay rẽ hướng học nghề, điều quan trọng không phải là "chiều" con hay "ép" con, mà là cùng con nhìn rõ năng lực, sở trường, niềm đam mê thật sự để quyết định nào đưa ra cũng là bước tiến vững vàng cho tương lai của con.

Thi vào lớp 10 không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Quan trọng là con được học thứ phù hợp với năng lực và đam mê. Như câu nói của nhà giáo dục John Dewey: "Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống, mà chính là cuộc sống".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày