Tôi vẫn nhớ như in cái ngày phát hiện ra con gái mình bị bắt nạt ở trường. Đó là một buổi chiều mưa, khi giúp con gội đầu, bàn tay tôi chạm phải một mảng tóc bị cắt nham nhở ngay sau gáy. Trái tim tôi như vỡ vụn khi thấy vết kéo cắt còn hằn cả lên da đầu con.
Chính bản thân tôi từng là nạn nhân của bạo lực học đường, chỉ cần nhìn qua những dấu vết này là tôi đã có thể hình dung ra sự việc này kéo dài bao nhiêu lâu và con gái tôi đã phải chịu đựng những gì...
"Con ơi, ai làm thế này với con?" - Tôi hỏi với giọng run run. Đứa con gái bé bỏng của tôi òa khóc, thú nhận rằng đã bị nhóm bạn cùng lớp trêu chọc, giật tóc suốt nhiều tuần nay. Chúng còn dọa sẽ cắt nốt tóc nếu con dám mách cô giáo.
Lý do con bé bị bắt nạt thì có vô vàn, nào là ngửi mùi dầu gội khó chịu, nào là con bé dám nhìn đểu, nào là con bé vênh váo vì học giỏi hơn chúng nó... Đám trẻ khi đã vào hùa bắt nạt kẻ yếu thế hơn, chúng chưa đủ tư duy, chưa đủ lý trí và nhận thức để kìm hãm lại hàng vi nên đôi khi chúng làm ra những việc tàn nhẫn đến khó tưởng tượng...
Ngay lập tức, tôi gọi điện cho chồng. Nhưng phản ứng của anh khiến tôi sững sờ: "Em đừng làm quá lên! Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường!". Anh còn dặn tôi không được làm ầm ĩ vì sợ mất lòng thầy cô và các phụ huynh khác.
Tôi không phải người làm ra kinh tế trong nhà nên tiếng nói cũng không có nhiều giá trị. Khi chồng nói vậy dù tôi thương con đứt ruột gan nhưng cũng chỉ có thể im lặng và âm thầm theo dõi con gái.
Những ngày sau đó là chuỗi dài đau đớn. Con gái tôi trở nên sợ hãi, không dám đến trường. Đêm nào con cũng khóc trong mơ, có hôm tôi thấy con về nhà với chiếc mũi lụp xụp trên đầu để che đi mái tóc bị đám bạn xấu cắt xén nham nhở. Trong khi đó, chồng tôi vẫn thờ ơ, thậm chí còn trách móc khi tôi muốn lên tiếng bảo vệ con.
Đỉnh điểm là khi phát hiện chiếc áo khoác mới mua của con bị cắt nát trong cặp, sách vở bị xé nát vụn. Đến lúc này, tôi không thể im lặng thêm nữa. Bất chấp sự phản đối của chồng, tôi một mình đến trường, mang theo đầy đủ bằng chứng và yêu cầu nhà trường xử lý nghiêm minh.
"Tôi không cần bồi thường, chỉ cần những đứa trẻ đó xin lỗi con tôi và ngay lập tức tôi sẽ chuyển trường cho con" - Tôi nói với giọng kiên quyết trước mặt hiệu trưởng. Cuối cùng, nhóm học sinh kia bị kỷ luật, con tôi được chuyển lớp, nhà trường hứa sẽ bảo đảm an toàn cho học sinh và con gái tôi nhận được sự hỗ trợ tâm lý cần thiết.
Về nhà, chồng tôi vẫn còn cáu kỉnh: "Em làm thế này chỉ khiến mọi người xa lánh gia đình mình". Nhưng tôi đã nhìn thẳng vào mắt anh và nói: "Nếu anh không dám đứng ra bảo vệ con, thì để tôi làm. Còn cái mặt mũi của anh nó không đáng giá đến mức tôi phải vì giữ nó mà để con gái tôi rơi vào nguy hiểm đâu?".
Giờ đây, khi nhìn con gái dần lấy lại nụ cười, tôi hiểu rằng quyết định của mình là đúng đắn. Bài học lớn nhất tôi rút ra là: Đôi khi, làm mẹ phải trở thành "kẻ xấu" trong mắt người khác để trở thành anh hùng của riêng con mình. Hạnh phúc và sự an toàn của con không thể đánh đổi bằng bất cứ thể diện hay mối quan hệ nào.
Trên đời này, có những cuộc chiến chỉ người mẹ mới hiểu. Và tôi sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã chọn đứng về phía con gái mình.