Theo Guardian, ngày 14/7, SAG-AFTRA - tổ chức có gần 160.000 thành viên là các diễn viên đang làm việc tại Mỹ - chính thức phát động cuộc đình công trên diện rộng. Hành động này nhằm đòi các chủ hãng phim phải ngồi lại bàn bạc lại chính sách về quyền lợi cơ bản cho diễn viên tại Hollywood.
Sự kiện này ghi nhận sự đoàn kết của toàn bộ những người đang làm việc tại Hollywood. Trước đó 2 tháng, hiệp hội các biên kịch ở Mỹ đã phát động cuộc đình công diện rộng với hơn 11.500 thành viên xuống đường biểu tình. Đây là lần đầu tiên trong hơn 6 thập kỷ có hai cuộc biểu tình từ hai hiệp hội lớn diễn ra liên tiếp ở Hollywood.
Hàng loạt cuộc biểu tình, đình công quy mô lớn đang diễn ra tại Hollywood.
Lương và cát-xê thường là vấn đề dẫn đến các cuộc đình công tại Hollywood. Cuộc biểu tình lần này cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, vấn đề không chỉ đơn thuần là việc tăng lương như mọi khi. Làng phim ảnh đang thay đổi với tốc độ chóng mặt trước sự xuất hiện của những nền tảng giải trí trực tuyến. Trước đây, nếu một diễn viên đóng phim điện ảnh, họ có thể cài cắm các điều khoản về hoa hồng doanh thu phòng vé.
Tuy nhiên, với các bên như Netflix, nền tảng đã tính phí người xem theo tháng và không có doanh thu riêng cho từng tác phẩm. Những diễn viên có phim ăn khách cũng chỉ nhận được mức cát-xê trả trước và hy vọng sẽ được nâng lên trong các phần tiếp theo.
Vấn đề này đã nảy sinh một lỗ hổng lớn về việc chia chác doanh thu trong ngành. Một trong những vụ đình đám là đơn kiện của minh tinh Scarlett Johansson với hãng Disney năm 2021. Khi đó, ngôi sao Black Widow tức giận sau khi biết Disney tự ý quyết định phát hành bộ phim do cô đóng chính lên nền tảng trực tuyến của hãng thay vì ra rạp với. Theo đó, Johansson nhận trước 20 triệu USD cho vai diễn cùng một điều khoản ăn chia hoa hồng tại phòng vé. Tuy nhiên, bộ phim không được ra rạp theo đúng kế hoạch vì nhiều quốc gia đóng cửa phòng chiếu do dịch.
Scarlett Johansson từng gây sốc khi kiện hãng Disney về vấn đề thu nhập.
Hai bên tranh cãi suốt nhiều tháng qua và thu hút sự chú ý của Hollywood. Nhiều đồng nghiệp như Jamie Lee Curtis, Elizabeth Olsen hay chủ tịch Marvel Kevin Feige ủng hộ Johansson. Phía Disney đáp trả rằng đơn kiện là một hành động "nhẫn tâm trong bối cảnh đại dịch vẫn còn ảnh hưởng lớn trên toàn cầu". Sau đó, hai bên quyết định hòa giải bằng một thỏa thuận bí mật bên ngoài tòa án.
Sau đó, nhiều ngôi sao khác tại Hollywood cũng đã cài thêm các điều khoản về việc phát hành phim trực tuyến để không bị ảnh hưởng thu nhập. Trong hai cuộc đình công gần đây, cả hiệp hội biên kịch và diễn viên đều yêu cầu các hãng phải gia tăng khoản lợi tức của họ trong mỗi dự án phim, truyền hình được phát online.
Kinh đô điện ảnh của thế giới nổi tiếng với sự xa hoa, tráng lệ. Tuy nhiên, việc mưu sinh trong ngành phim tại đây nói riêng và đất nước Mỹ nói chung cũng không đẹp đẽ như nhiều người tưởng. Theo Hollywood Reporter, mới đây, khi cùng các đồng nghiệp trong phim Oppenheimer đình công, tài tử Matt Damon cho biết nhiều diễn viên đang phải vật lộn để có mức thu nhập tối thiểu để đủ điều kiện được đóng bảo hiểm. Tại Mỹ, các khoản phí về y tế rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, làm phim cũng là ngành nghề có khả năng cao gặp tai nạn lao động. Vì vậy, việc không được đóng bảo hiểm có thể ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của họ. "Đây không phải vấn đề hàn lâm. Đây là vấn đề sống chết", Matt Damon nói thêm.
Matt Damon cùng dàn sao Oppenheimer rời khỏi họp báo phim ở Anh để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc đình công.
Những năm gần đây, nhiều hiệp hội, tổ chức đã lên tiếng về điều kiện lao động và cạnh tranh khắc nghiệt tại Hollywood. Nhiều người phản ánh họ phải làm việc quá sức trong một môi trường không đảm bảo an toàn và lương, không đủ sống. Một số phải đi bán máu để kiếm tiền trang trải qua ngày. Liên minh Quốc tế về Nhân viên sân khấu (IATSE) cho biết nhận hàng trăm đơn phản ánh về việc phải làm việc hơn 14 tiếng mỗi ngày. Nhiều đoàn phim còn yêu cầu phải làm việc trong giờ ăn để đảm bảo tiến độ.
Trong các đơn phản ánh, phần lớn khẳng định bản thân không còn đủ thời gian để dành cho gia đình hay nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe. Scarnati - một nhân viên thuộc ekip The Hunger Games - nói từng phải làm 21 ngày công liên tiếp, với mật độ từ 12 tiếng đến 19 tiếng mỗi ngày. Chủ tịch IATSE - ông Matthew Loeb - cho biết: "Người lao động cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người như thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, không phải làm việc cuối tuần. Họ xứng đáng nhận thu nhập đủ sống".
Mới đây, theo The New York Times, tổ chức AMPTP (Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình) - đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi cho các hãng phim lớn tại Hollywood - cho biết đã đưa ra đề nghị "cao kỷ lục" về cát-xê và phụ cấp cho các diễn viên, nhân viên đoàn phim. Đồng thời, họ cũng đang xây dựng các quy định để bảo vệ quyền lợi cho các biên kịch trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều tổ chức về phim tại Hollywood đang bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến ngành. Một số biên kịch cho rằng các phần mềm này có thể thay thế họ trong tương lai không xa. Trong khi đó, Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh Mỹ cảnh báo AI có thể trở thành công cụ để giả mạo gương mặt, giọng nói của các ngôi sao hàng đầu.
Các hãng phim Hollywood cũng nhấn mạnh rằng tất cả những biến động trong ngành cũng khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Sau đại dịch Covid-19, khán giả dần mất thói quen đến rạp xem phim vì có nhiều sự lựa chọn giải trí trực tuyến ngay tại nhà. Cổ phiếu của một số hãng phim đã giảm mạnh, đi đôi là tỷ suất lợi nhuận của họ bị thu hẹp. Nhiều làn sóng sa thải nhân viên hoặc ngừng các dự án đã diễn ra trong vài năm gần đây.
Hiện tại, không ai biết các cuộc đình công tại Hollywood sẽ kéo dài bao lâu. Các nhà biên kịch Mỹ đã xuống đường trong hơn 70 ngày để biểu tình và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lần cuối cùng các diễn viên tổ chức cuộc đại đình công là vào năm 1980, kéo dài hơn ba tháng. Trong khi đó, cuộc đình công gần đây nhất của đội ngũ biên kịch là năm 2007, kéo dài 100 ngày.
Các cuộc đình công của giới biên kịch đã kéo dài hơn 70 ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo giới chuyên môn, gần như toàn bộ các công việc sản xuất phim và truyền hình tại Mỹ sẽ bị đình trệ. Một số dự án ghi hình tại quốc tế mà có diễn viên Hollywood cũng sẽ phải tìm cách sắp xếp lại lịch để tránh việc thiếu vắng ngôi sao trên trường quay. Theo số liệu của The New York Times thu được, cơ quan chức năng tại Los Angeles không tiếp nhận đơn xin cấp phép kịch bản phim hay truyền hình nào từ đầu tháng 7 đến nay.
Cuộc đình công được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hàng loạt kế hoạch của những ông lớn Hollywood. Nếu việc các biên kịch ngừng làm việc chỉ ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án chưa bấm máy, việc thiếu diễn viên thậm chí sẽ khiến những dự án đang sản xuất dở phải ngừng lại.