Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đã trở thành thương hiệu du lịch trong mắt du khách nước ngoài đến với TP. HCM cũng như người dân nơi đây khi được thiết kế có không gian thoáng đãng, mát mẻ và đẹp mắt. Vì vậy vào mỗi buổi chiều tối, phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn thu hút hàng ngàn người đến đây dạo chơi, tản bộ sau một ngày làm việc vất vả.
Nếu so với số dân ở TP. HCM thì diện tích phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể là quá nhỏ, có cảm giác con phố này trở nên chật chội theo thời gian. Phố nhỏ, người đông nhưng không gian lại bị hàng trăm người bán hàng rong ngang nhiên "xí chỗ", chiếm dụng để kinh doanh khiến nhiều người ngao ngán.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ bị hàng rong "xí chỗ" với bàn ghế sẵn sàng để phục vụ khách.
Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, chỉ có vài thời điểm lực lượng đô thị nhắc nhở nhưng hàng rong chạy đầu này sau đó đến đầu kia đứng bán tiếp.
Dạo bước một lượt trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chúng tôi chứng kiến tận mắt cảnh tượng hàng rong gồm những chiếc xe đẩy, người bán đặt ghế nhựa ngồi xếp thành hàng dài mời gọi khách tản bộ.
Nếu có khách ghé mua và có nhu cầu thì người bán hàng rong sẵn sàng đặt ghế tràn lan xuống phố để cho họ ngồi. Cứ thế, người này "bày binh bố trận" thì người bán khác thực hiện theo, tạo ra cảnh nhếch nhác, vô tình biến phố đi bộ thành phố hàng rong.
Khi được hỏi bị cấm vào phố đi bộ bán hàng rong nhưng sao vẫn bán, một người bán hàng rong chia sẻ: "Thấy những người kia vào bán được nên mình vào bán được. Tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó, nếu bị trật tự đô thị đuổi thì đi. Khách có nhu cầu thì mình phục vụ thôi".
Ghi nhận vào thời điểm hơn 20h tối hàng ngày, người bán hàng rong bắt đầu mang ghế ra cho khách ngồi trên phố đi bộ. Càng về khuya thì ghế của người bán hàng rong được đặt ra nhiều hơn, tràn lan như chỗ của mình đã thuê.
Nhiều khách mua hàng rong thì chia sẻ ngược lại, nghĩa là "có cung thì ắt sẽ có cầu", vì sự tiện lợi của người dân muốn ăn uống tại chỗ, không muốn đi xa.
"Tôi nghĩ hàng rong tràn lan ở phố đi bộ cũng là do thói quen lười đi xa của một bộ phận người dân mình. Họ muốn tiện lợi như đang đi bộ, bắt gặp hàng rong trước mắt thì ghé mua luôn. Khi muốn ngồi ăn tại chỗ thì cũng có ghế nhựa ngồi. Tuy nhiên nếu ai cũng như vậy thì phố đi bộ sẽ biến mất, rất mất vệ sinh vì rác thải xả đầy ra lối đi", anh Linh Mạnh (quận 3) chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 10/2018 UBND quận 1 đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan của quận xử lý tình trạng bán hàng rong gây mất mỹ quan, trật tự tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tình trạng hàng rong tại đây được chấn chỉnh một thời gian nhưng sau đó lại "đâu lại vào đó".
Đến hiện tại thì hàng rong càng bủa vây phố đi bộ Nguyễn Huệ hơn, người bán "xí chỗ" ngồi và bày biện ghế cho khách ăn uống như phần đất của mình, người dân không thể đi bộ thoải mái nên rất bức xúc.
Hàng rong mang tận tay người dân dạo phố đi bộ, chính nhu cầu này của một số du khách khiến hàng rong nhiều hơn.
Nhiều người mua thức ăn đồ uống rồi ngồi tụ tập bên xe hàng rong trên phố đi bộ.
Hàng rong ngồi xếp hàng dài hai bên để phục vụ người dân.
Thậm chí là vào gần giữa lối đi chung.
Phố đi bộ biến thành "phố hàng rong" khiến nhiều người bức xúc.
Người này "rủ" người kia kéo đến phố đi bộ để buôn bán.
Hàng rong chiếm dụng không gian nhất định nên người đi bộ cũng gặp khó khăn và không thoải mái.
Xếp hàng ngồi bán như phố hàng rong thực thụ.
Hàng rong được thiết kế theo dạng xe đẩy nhỏ gọn, có bánh xe lăn dưới đáy. Khi gặp lực lượng chức năng, người bán sẽ đẩy đi tránh, khuất mặt.
Do lực lượng chức năng ít tuần tra, xử lý nên người bán mang ghế ngồi bán một chỗ cho đỡ mệt.
Từ khu vực đài phun nước trước tượng đài đến gần cuối tuyến phố đi bộ luôn có hàng rong trải dài hai bên.
Người bán hàng rong đủ loại thức ăn đồ uống như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, trà sữa, thậm chí các món nhậu,...
Không những hàng rong, người dân cũng mang chó không rọ mõm ra phố đi bộ mặc dù đã có quy định cấm.
Tình hình hàng rong lấn chiếm phố đi bộ Nguyễn Huệ gây ảnh hưởng đến an toàn du khách, mất mỹ quan đô thị.
Về vấn đề hàng rong liên tục tái xuất hiện trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Bến Nghé (đơn vị phụ trách kiểm soát đô thị ở phố đi bộ) thừa nhận hàng rong vẫn chưa thể xử lý triệt để. Khi lực lượng chức năng yêu cầu hàng rong rời khỏi phố đi bộ thì họ lại di dời đi đầu này lại đến đầu kia bán tiếp.
"Lực lượng đô thị phường phối hợp với đô thị quận thường xuyên kiểm tra từ chiều đến 22h hàng ngày để hạn chế hàng rong. Sau 22h thì có công an phường tuần tra. Ngoài ra cũng có một số giải pháp được đưa ra như lắp dãy barie dọc phố đi bộ để ngăn xe máy và hàng rong nhưng chỉ có lắp một bên. Hiện đang đề xuất với quận thêm một số giải pháp khác để ngăn chặn hàng rong", đại diện phường Bến Nghé thông tin.
Theo vị đại diện này, mới đây trật tự đô thị phường cũng đã xử lý nhiều trường hợp hàng rong vi phạm.