Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất

PV, Theo Trí Thức Trẻ 21:15 11/01/2021

Sau khi cơn lũ đi qua, trên nền đất ẩm, có ngàn ước mơ được ươm mầm, mạnh mẽ vươn lên để đâm chồi nảy lộc trong tương lai từ những trang sách trong chương trình “Góp sách ươm mơ” do Lazada và WeChoice đồng khởi xướng.

Những bức thư vương mùi đất, nó vừa khiến tôi buồn man mác nhớ về những gì người dân miền Trung đã phải trải qua trong mùa bão lũ vừa qua, nhưng cũng vừa khiến tôi vui mừng vì sau những buồn thương ấy, sự lạc quan vẫn còn mạnh mẽ.

Theo chân đoàn tổ chức chương trình “Góp sách ươm mơ” do Lazada và WeChoice đồng khởi xướng, với sự đồng hành của Fahasa, Alpha Books và Deli, mang hơn 20.000 quyển sách, 11.000 dụng cụ học tập, 2.000 vở học sinh, 200 ba lô và một “lớp học ươm mơ” do cô giáo Khánh Vy đứng lớp, chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm những điều mà một người sinh ra ở thành thị, chắc hẳn không bao giờ biết đến.

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 1.

Mất gần 2 giờ từ thành phố Đông Hà, trường học mới dần hiện ra trong tầm mắt. Suốt một chặng đường đất quanh co, chiếc xe chốc chốc xóc nổi một bận, cô giáo hiệu trưởng của trường kể cho chúng tôi rằng cứ sau mưa là con đường trở thành 1 vũng sình lầy, các em chạy xe không được phải dắt bộ tới trường, bùn két đầy bánh xe và những bàn chân nhỏ. “Tụi trẻ ni tội lắm, lúc mô cũng phải mang theo 2 bộ quần áo, tới trường còn thay ra để học, chứ bộ kia mà tới được trường là ướt sũng sình lầy”.

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 2.

“Cô mặc ấm vào kẻo gió lùa, lớp tụi con gió lùa vu vu lạnh lắm” - đó là lời “nhắc nhở” từ một em nhỏ của lớp 3B khi thấy tôi ngó nhìn vào lớp học. Lời nhắc nhở từ một thân hình chỉ cao bằng em bé 4, 5 tuổi trên thành phố khiến tôi vừa buồn cười vừa xót xa! Không chỉ riêng khu vực Gio Linh, mà đâu đâu trên dải đất miền Trung nhiều sương gió này, những phòng học vẫn luôn lạnh và ẩm như vậy. Sách vở gặp nước nhiều, các mép đều bị uốn cong, những mảng tường bong tróc, các thầy cô giáo nỗ lực cứu đỡ cũng không xuể nổi nước mưa ngấm vào.

“Ước mơ của con là gì?”

“Ước mơ của con là trời đừng mưa”

“Ước mơ của con là có quần áo đẹp”

“Không, ước mơ trong tương lai của con cơ”

Và lớp học “ươm mơ” cô Khánh Vy bắt đầu

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 3.

“Hoá ra cô Khánh Vy là có thật. Con mới chỉ nhìn thấy cô trên TV, trên YouTube, chứ chưa gặp ngoài đời bao giờ. Cô Khánh Vy là cô giáo của tụi con thật hả cô?”

Sự xuất hiện của Khánh Vy với các em nhỏ ở đây như là một “cô tiên” bước ra từ TV để chắp cánh cho những ước mơ của các em, khuyến khích các em không ngừng tìm tòi khám phá và học hỏi từ những trang sách. Chưa hết, “cô giáo” Khánh Vy còn giúp các em trải nghiệm những trò chơi phát triển kỹ năng, thử độ phản xạ và nhiều những hoạt động khác. Từ hồi bão qua tới giờ, sân trường chưa khi nào rộn vang tiếng cười như thế.

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 4.

Và viết nên ngàn ước mơ cho em

“Ước mơ của con là gì?”

- “Ước mơ của con là trở thành một bác sĩ”

- “Ước mơ của con là trở thành cô giáo”

- “Ước mơ của con là lính cứu hoả”

- “Ước mơ của con là kiến trúc sư”

Ước mơ, ước mơ. Tôi từng nghe ai đó đã từng nói, khi con người ta bị đau chân, người ta sẽ chỉ biết tới cái chân đau của mình. Khi tụi nhỏ không có quá nhiều thời gian để “ươm mơ”, những ước mơ dường như chỉ có thể là thoát nghèo. Còn nhớ ngày nhỏ, tôi đã từng mơ mình là một nàng công chúa. Công chúa với những bộ váy xinh đẹp, được ăn những món ăn ngon và đi khắp thế gian khám phá những miền đất mới. Còn nhớ ngày nhỏ, ước mơ của tôi, hay bạn tôi là kỹ sư, bác sĩ, là ca sĩ, diễn viên. Nhưng tôi biết, có những em nhỏ tại nhiều vùng đất còn nghèo khó ở Việt Nam, ước mơ của các em chỉ là một bữa ăn no, một công việc ổn định để chu cấp cho gia đình. “Con không muốn thấy mẹ khổ, muốn thấy ba phải dậy từ 3 giờ sáng để đi bốc vác ngoài bến xe” ; “Con muốn thật giàu có để xây cho ba mẹ con một căn nhà to đẹp”.

“Những cuốn sách này, con đã từng đọc bao giờ chưa?”

- “Con chưa”

- “Sách đẹp quá, mới quá, sách ở nhà con bị rách hết, tụi con phải lấy băng keo dính lại nhìn buồn cười lắm”

- “Con nghe thôi nhưng chưa được đọc cô ạ. Thư viện huyện xa quá, tan học con phải về nhà”

Những cuốn sách, một trong những “phương tiện” cần thiết giúp con hình thành ước mơ, nơi đây lại vô tình khan hiếm. Hàng năm với nguồn ngân sách hạn hẹp, nhà trường chỉ cung cấp đủ sách giáo khoa, sách nghiệp vụ phục vụ việc dạy và học. Riêng các đầu sách khác thì các em rất thiếu, các em muốn đọc buộc phải mượn từ thư viện huyện hoặc chờ đợi các anh chị đi học ở thành phố mang về. Chính vì vậy, “Góp sách ươm mơ” như một nguồn năng lượng giải toả sự “khát sách” của các em tại nơi đây. Những cuốn truyện nhiều màu sắc, những sách kỹ năng giúp các em phát triển và hỗ trợ học tập. Hơn 20.000 cuốn sách, tuy không thay đổi toàn diện, nhưng ít nhiều đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống các em.

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 5.

“Sau chương trình, con có muốn viết lại ước mơ của mình không?”

- “Có chứ cô ơi”

- “Con không nghĩ có nhiều điều mới mẻ như vậy”

- “Con muốn làm ca sĩ giống Pepper”

- “Con muốn là học sinh ngoan như Popai”

Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 6.

Những ước mơ dần vượt xa khỏi mảnh đất nhiều sương gió của các em. Những ước mơ tuy còn sơ khai nhưng đã có thêm nhiều sắc. Lazada hay WeChoice, với mong muốn là điểm trạm giúp các em được tiếp cận những nguồn sách chất lượng, để từ đó những ước mơ của các em thêm chắp cánh vươn xa.

Là một hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ của "Ngày hội Sách chính hãng" do Lazada khởi xướng, chương trình "Góp sách ươm mơ" diễn ra từ ngày 23/12 đến hết ngày 25/12 đã nhận được những phản hồi tích cực và sự ủng hộ của cả cộng đồng. Nhờ những nỗ lực và tình yêu sách được lan tỏa, hàng chục ngàn cuốn sách và các bộ dụng cụ học tập đã sẵn sàng để đến tay các em nhỏ tại 10 trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị.
Có ước mơ từ những bức thư vương mùi đất - Ảnh 8.