Sự tham gia của cha mẹ vào việc giáo dục con cái có tác động tích cực đến kết quả học tập của trẻ. Ví dụ, các hoạt động tập đọc ở nhà có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến thành tích đọc, khả năng hiểu ngôn ngữ và kỹ năng ngôn ngữ diễn đạt.
Bên cạnh các hoạt động cùng với nhà trường như họp phụ huynh, trao đổi với giáo viên, tham gia các hoạt động tình nguyện… cha mẹ cũng nên tham gia vào hoạt động học tập tại nhà của con.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở lứa tuổi tiểu học, tác động của sự tham gia của cha mẹ thậm chí có thể lớn hơn nhiều so với sự khác biệt liên quan đến chất lượng trường học, tầng lớp xã hội và dân tộc.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ em (từ 7-14 tuổi) có từ 3 cuốn sách trở lên để đọc ở nhà tại Việt Nam hiện chỉ ở mức 51,2%.
Mặc dù, không có sự khác biệt lớn về giới nhưng trẻ em sống ở thành thị có cơ hội đọc sách cao hơn trẻ ở nông thôn với tỷ lệ 71,7% ở khu vực thành thị, trong khi khu vực nông thôn chỉ đạt 41,6%.
Ba vùng có tỷ lệ trẻ em có từ 3 cuốn sách trở lên thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (25,5%), Trung du và miền núi phía Bắc (33,7%) và Tây Nguyên (38,1%).
(*Biểu đồ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê)
Đáng chú ý, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất, chỉ đạt 25,5%, trong khi khu vực này có tới 1.133 trẻ, chỉ xếp sau hai khu vực là Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
So với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ có số trẻ em ít hơn (985 trẻ), nhưng đạt tỷ lệ khá cao là 62,6%.
(*Biểu đồ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê)
Bên cạnh đó, trong cả nước, tỷ lệ trẻ em tự đọc sách hoặc được người khác đọc sách cho khi ở nhà cũng khá cao. Nhìn chung, hơn 8 trong số 10 trẻ em từ 7 đến 14 tuổi (tương đương với 82,7%) cho biết mình được tiếp xúc với sách trong nhà.
Nhân tố tạo nên sự khác biệt đáng kể đến các dân tộc, mức sống và trình độ học vấn của cha mẹ.
Cụ thể, nhóm dân tộc Mông chỉ đạt tỷ lệ 4,6% trong khi nhóm dân tộc Kinh đạt tỷ lệ 57,2%. Tỷ lệ trẻ em ở nhóm giàu nhất có 3 cuốn sách ở nhà trở lên (79,1%) cao hơn nhiều so với trẻ em của nhóm nghèo nhất (16,4%). Những trẻ có mẹ sở hữu trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên cũng đạt tỷ lệ cao nhất là 82,4%, cao hơn nhiều so với nhóm trẻ có mẹ không có bằng cấp chỉ đạt tỷ lệ thấp nhất là 5,5%.
Nhìn chung, các bậc phụ huynh nên nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ nhỏ. Vì sách không chỉ đem lại kiến thức mà còn trang bị cho trẻ nhiều kỹ năng và giúp trẻ phát triển tâm hồn.
Phát triển các kỹ năng ngôn ngữ
Sách vở chính là nguồn từ vựng khổng lồ, đồng thời đem tới những cấu trúc câu, biết thêm thành ngữ - tục ngữ... giúp trẻ mở rộng kỹ năng ngôn ngữ của bản thân. Đây là điều rất khó có thể đạt được nếu chỉ giao tiếp cơ bản hàng ngày. Đặc biệt, với trẻ học tiếng Anh, sách ngoại văn còn giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tạo nền tảng hình thành sự lưu loát.
Rèn luyện sự tập trung
Trong khi các thiết bị như TV, máy tính bảng chỉ đem tới cho trẻ em sự tập trung mang tính thụ động thì đọc sách đòi hỏi trẻ chủ động tập trung vào câu chữ. Do đó, bộ não sẽ được kích thích, nâng cao hiệu quả của khả năng tập trung.
Kích thích khả năng tưởng tượng và sáng tạo
Một trong những lợi ích kỳ diệu của hoạt động đọc sách là trẻ được thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng độc đáo của mình. Với những con chữ trong sách vở, trẻ sẽ tự tô vẽ và sáng tạo nên một thế giới riêng của mình.
Óc sáng tạo chính là một nhân tố vô cùng quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ. Nhà bác học Albert Einstein từng nhận định: “Sáng tạo còn quan trọng hơn cả kiến thức. Trong khi tri thức định hình tất thảy những gì ta biết và hiểu, thì óc sáng tạo đưa ta tìm tòi và tạo ra những mới mẻ chưa từng có”.
Tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên
Mỗi quyển sách là một kho tàng thông tin và kiến thức rộng lớn. Đọc càng nhiều, trẻ sẽ càng biết nhiều hơn về cuộc sống quanh mình và thế giới. Cho dù đó chỉ là một cuốn truyện đơn giản dành cho trẻ em, các bé cũng có thể “bỏ túi” những điều lý thú như thói quen của động vật, phong tục của những nền văn hóa cho đến nguyên lý khoa học cơ bản đều được phản ánh trong sách… Những điều này được “thấm” vào não của trẻ một cách tự nhiên.
Xua tan cảm giác căng thẳng
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Sussex (Anh) trên tờ Telegraph, đọc sách có thể giúp giảm stress đến 68%. Điều này không chỉ có tác dụng với người trưởng thành mà còn đúng với trẻ nhỏ.
Đó là lý do mà trẻ nên có một khoảng thời gian đọc cuốn sách yêu thích của mình sau những giờ ôn tập, hoàn thành bài vở căng thẳng. Điều này sẽ giúp các em thư giãn tinh thần, sẵn sàng cho ngày tiếp theo.
(*Biểu đồ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê)