Thời gian gần đây, làn sóng Hallyu ngày một phát triển tại Châu Á và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ khi một bộ phận lớn giới trẻ tại đất nước tỷ dân đổ sang mê mệt các "oppa, unnie" người Hàn. Không những thế, Trung Quốc còn trở thành thị trường lớn mà các nhà sản xuất phim Hàn Quốc muốn xâm lăng để mở rộng và phát triển. Tại Việt Nam, phim Hàn Quốc cũng nắm giữ một vị trí hoàn toàn khác so với thời Hoàn Châu Cách Cách, Tây Du Ký hay loạt phim bộ Hồng Kông còn làm mưa làm gió. Do vậy, nhiều người bắt đầu cho rằng, phim Trung Quốc bây giờ hoàn toàn thua xa phim Hàn Quốc.
Có thể, phim Trung Quốc hiện tại không còn nắm giữ vị trí độc tôn tại Châu Á. Nhưng có thật, họ thụt lùi đến mức bị đánh giá như vậy hay không? Câu trả lời là không!
Kể từ sau thành công ngoài sức tưởng tượng của Bộ Bộ Kinh Tâm, trào lưu phim chuyển thể ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Lý do để các nhà làm phim Trung Quốc lựa chọn chuyển thể tiểu thuyết? Đầu tiên phải kể đến yếu tố tiếp cận cao. Cũng giống như Hàn Quốc, các nhà sản xuất cũng thăm dò mức độ quan tâm, xu hướng yêu thích của các Thượng đế trước khi bắt tay vào thực hiện một dự án phim. Trong khi đó, các diễn đàn bàn luận tiểu thuyết lại đầy rẫy trên mạng tại Trung Quốc. Không chỉ có vậy, họ còn bình phẩm rất chi tiết và rôm rả. Dựa vào yếu tố đó, hẳn nhiên khi công bố một dự án chuyển thể nào đó, nó có thể ngay lập tức "lên top", tạo được hiệu ứng truyền miệng và lan toả tốt.
"Bên Nhau Trọn Đời"
"Thượng Ẩn"
"Sam Sam Đến Rồi"
Ngoài ra, tiểu thuyết Trung Quốc còn được một số nước như Malaysia, Thái Lan mua bản quyền xuất bản. Những tưởng phim ngôn tình chuyển thể là minh chứng hùng hồn cho việc biên kịch Trung Quốc cạn ý tưởng, nhưng thực chất, nó lại là cách để những dự án truyền hình này được biết đến rộng rãi, dễ dàng bán bản quyền ra nước ngoài hoặc gây được sự chú ý trong nước. Bên Nhau Trọn Đời, Sam Sam Đến Rồi, Yêu Em Từ Cái Nhìn Đầu Tiên, Cô Phương Bất Tự Thưởng, Thượng Ẩn hay Hoa Thiên Cốt là những ví dụ điển hình khi gây sốt không chỉ tại Trung Quốc mà còn tại các nước Châu Á khác.
"Lang Gia Bảng"
"Cẩm Tú Vị Ương"
Bên cạnh đó, nhờ nguồn tác phẩm dồi dào, đa thể loại của tiểu thuyết mà các nhà làm phim tha hồ lựa chọn, cân nhắc. Không những vậy, họ hoàn toàn có thể dựa vào nền tảng vốn có của nguyên tác để phát triển nội dung mới lạ hơn. Nếu Ốc Sên Có Tình Yêu và Cẩm Tú Vị Ương là những ví dụ điển hình gần đây. Dù hai tác phẩm này vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, nhưng tình tiết lại khác nguyên tác đến 90%. Nhờ diễn xuất của dàn diễn viên và tình tiết mới được biên kịch xử lý tốt, chúng vẫn trở thành hiện tượng màn ảnh nhỏ những tháng cuối năm 2016 tại Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra còn có Hoan Lạc Tụng, Lang Gia Bảng, Kẻ Nguỵ Trang…
"Người Nông Dân"
"Chiến Trường Sa"
Dù sự phát triển của phim chuyển thể không ngừng đi lên, nhưng Trung Quốc vẫn được biết đến qua những bộ phim phản ánh hiện thực xã hội hay phim thuộc đề tài dân quốc. Năm 2014 – 2015, Chiến Trường Sa và Người Nông Dân – hai bộ phim không cần đến dàn diễn viên đẹp lung linh cùng kịch bản chuyển thể – nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh với khán giả cũng như đứng đầu bảng xếp hạng rating tại Trung Quốc nhờ thông điệp ý nghĩa mà nó mang tới.
Điều khiến những người mới xem phim Trung Quốc khó chịu nhất chính là khâu lồng tiếng. Bạn có thể thấy khó chịu khi nhận ra giọng diễn viên mình yêu thích trong phim không phải giọng thật của anh ấy hoặc cô ấy. Những tưởng đây là khâu không quan trọng nhưng diễn viên "lười" không chịu làm hoặc có thể đổi sang việc thu tiếng trực tiếp. Tuy nhiên, lồng tiếng phim tại Trung Quốc lại rất cần thiết do khẩu âm của các diễn viên không phải lúc nào cũng chuẩn, để tất cả mọi người tại đất nước tỷ dân có thể nghe hiểu dễ dàng. Mỗi vùng miền tại Trung Quốc lại có đặc trưng riêng. Từ âm Bắc Kinh đến âm Hồ Nam đã khác nhau một trời một vực. Thế nên có lúc, nhà sản xuất buộc phải nhờ đến đội ngũ lồng tiếng để trung hoà yếu tố khẩu âm.
Chung Hán Lương, Lee Gun hay Song Seung Hun đều phải nhờ đến khâu lồng tiếng thì mới có thể "nói" lưu loát tiếng phổ thông trên màn ảnh
Ngoài ra, lồng tiếng cũng cần thiết trong trường hợp diễn viên tham gia là người nước ngoài hoặc không rành tiếng phổ thông. Như trong Bên Nhau Trọn Đời, Đường Yên vẫn tham gia lồng tiếng nhưng Chung Hán Lương lại nhờ đến sự trợ giúp của diễn viên lồng tiếng vì anh vốn là người Hồng Kông, chỉ rành tiếng Quảng Đông. Hay như trong Truy Tìm Ký Ức và Tình Yêu Thứ Ba, Lee Gun cùng Song Seung Hun đều là người Hàn Quốc, bắt buộc phải lồng tiếng. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một số nhà sản xuất "tiếp tay" cho những sao trẻ bận rộn đóng quảng cáo, tham gia sự kiện, phó thác quá trình này cho đội ngũ lồng tiếng.
Phải nói rằng, phương pháp quay phim cuốn chiếu gần như không thể áp dụng tại Trung Quốc. Thứ nhất, do nhu cầu xem phim của người Trung Quốc khác với người Hàn Quốc. Họ có thể dành thời gian xem vào tất cả các ngày trong tuần, từ xem trên mạng đến xem trên ti vi. Vì vậy, số lượng tập phim của các dự án truyền hình Trung Quốc đều từ 30 tập trở lên. Các dự án webdrama thì có thể ít tập hơn, dựa vào độ đầu tư cùng yêu cầu từ đơn vị sản xuất. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng vẫn phải thoả mãn yếu tố "1 ngày 2 tập" của khán giả Trung Quốc.
"Huyền Thoại Biển Xanh" lỡ hẹn với khán giả Trung Quốc vì quay cuốn chiếu
Thêm vào đó, Trung Quốc thường phải thực hiện thêm khâu hậu kỳ kỹ càng và làm phụ đề chữ tiếng Trung. Việc làm phụ đề cũng cần thiết do yếu tố khẩu âm không đồng nhất của các diễn viên đã đề cập phía trên. Đồng thời, một bộ phim chiếu trên truyền hình cũng sẽ phải thông qua khâu kiểm duyệt nội dung của Cục điện ảnh Trung Quốc nên sẽ mất thêm thời gian. Đó là lý do vì sao, thời gian vừa rồi Huyền Thoại Biển Xanh phải hoãn kế hoạch tiến vào thị trường Đại lục.
Điểm cộng của phim Trung Quốc là quay trọn vẹn rồi mới chiếu
Tuy nhiên, việc nói không với quay phim cuốn chiếu lại khiến khán giả khá thoả mãn bởi ngày nào họ cũng có thể xem bộ phim mà mình yêu thích chứ không phải chờ đợi mòn mỏi như phim Hàn. Đó cũng là lý do mà nhiều người vẫn lựa chọn xem phim Trung Quốc chứ không hề "thất sủng" nó.
Không thể phủ nhận một điều, lớp diễn viên trẻ ngày nay của Trung Quốc không còn giữ được phong độ diễn xuất như các đàn anh, đàn chị đi trước. Thậm chí, có những người không cần diễn tốt nhưng tên tuổi đủ tai tiếng thì vẫn có thể nổi như thường. Thế nhưng, nhan sắc lại là yếu tố then chốt giúp những gương mặt mới, dù thị phi xung quanh đầy rẫy nhưng vẫn sở hữu một dàn fan đông đảo.
Dàn nam thần lung linh của Cbiz thế hệ mới: Lý Dịch Phong, Dương Dương, Trần Vỹ Đình, Vương Khải, Ngô Diệc Phàm…
Dàn nữ thần nổi (tai) tiếng của Cbiz: Dương Mịch, Đường Yên, Triệu Lệ Dĩnh, Angelababy, Trịnh Sảng…
Không chỉ có vậy, những tên tuổi mới này còn là yếu tố then chốt giúp các nhà làm phim Trung Quốc bán bản quyền cho các nhà đài. Chưa kể đến việc, họ còn tổ chức fan meeting tại nước ngoài, thu hút một cộng đồng fan quốc tế không nhỏ. Nhờ thêm yếu tố mạng xã hội, tên tuổi của những diễn viên này vẫn được duy trì tại thị trường hải ngoại. Mức độ phủ sóng của dự án phim mà họ đã và sắp sửa tham gia cũng ngày một lớn. Đến khi phim ra mắt, người hâm mộ vẫn lùng sục để tìm xem bằng được như thường.
"Hoa Thiên Cốt", "Cô Phương Bất Tự Thưởng" trở thành trò cười trên mạng vì quá lạm dụng phông xanh, kỹ xảo "ba xu"
Dù quả thực phim Trung Quốc chưa đến mức "thua xa" phim Hàn Quốc, nhưng không thể không nhìn nhận mặt hạn chế đang tồn tại ở "đế chế phim ảnh" từng thống trị Châu Á một thời này. Trước hết là mặt kỹ xảo – một trong những điểm yếu lớn nhất của phim Trung Quốc. Do các nhà sản xuất phim dồn quá nhiều tâm sức vào việc mời những ngôi sao có tiếng, vì vậy, họ buộc lòng phải tăng cát-sê và giảm tiền đầu tư vào các yếu tố còn lại. Không bất ngờ khi xem một bộ phim truyền hình Trung Quốc mà kỹ xảo được xử lý quá tệ, cảnh sắc xung quanh giả tạo, nhìn rõ có sự can thiệp của máy vi tính.
Thị trường nội địa quá màu mỡ khiến nhiều nhà sản xuất Trung Quốc "nghĩ ngắn"
Bên cạnh đó, suy nghĩ của một bộ phận nhà sản xuất, cho rằng mình chỉ cần phục vụ được "thị trường nội địa tỷ dân" cũng là lý do khiến phim truyền hình Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống. Bởi số tiền mà họ bán bản quyền trong nước còn lớn gấp nhiều lần so với việc bán ra thị trường hải ngoại. Vậy nên Trung Quốc không mấy chú trọng vào khâu quảng bá cùng gu của fan quốc tế bằng việc thoả mãn yêu cầu "ném đá" hay khen thưởng từ khán giả trong nước.
Có sắc mà không có chống lưng thì chưa chắc đã nổi tiếng ở Trung Quốc
Khâu tuyển chọn diễn viên của Trung Quốc cũng còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, quy tắc ngầm cùng chiêu trò scandal được áp dụng quá rộng rãi trong giới giải trí Cbiz. Hiện nay, rất ít người có thể đi lên và nổi tiếng nhờ thực lực nếu không có "kim chủ" đứng sau lưng hoặc "lềnh phềnh" thành chủ đề "nóng" trên mạng nhờ một tin đồn bất lợi hay scandal nào đó.
Không những thế, dù hàng năm Học viện điện ảnh Bắc Kinh có tuyển vào bao nhiêu khoa khôi, hot boy có khả năng diễn xuất đi chăng nữa thì phim truyền hình Trung Quốc vẫn chỉ quanh đi quẩn lại những gương mặt thân quen là những "tiểu hoa đán", "tiểu thịt tươi" vốn có tiếng sẵn. Mặc cho con dân gào thét "muốn được thấy gương mặt mới", tài nguyên phim ảnh hay những dự án có tiếng vẫn chỉ đổ về cho họ mà thôi.
Nếu nói phim Hàn Quốc mới là điện ảnh chân chính, không hề lừa gạt khán giả thì quả thực nhận định này quá phiến diện. Dù đã qua thời kỳ hoàng kim nhưng không thể phủ nhận một việc rằng, phim Trung Quốc vẫn có chỗ đứng nhất định tại Châu Á trong thị trường phim giải trí. Bên cạnh đó, vẫn có những nhà làm phim có tâm tại Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực để ra mắt những tác phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người xem.