"Cọ ơi là gì" xâm chiếm mạng xã hội: Người không biết thấy sởn gai ốc, người biết rồi thì quẹt vội nước mắt

S.A, Theo Thanh Niên Việt 11:15 14/12/2024
Chia sẻ

“Sự tích con cọ” cũng đang là từ khoá tìm kiếm phổ biến trên MXH.

"Cọ ơi là gì" xâm chiếm mạng xã hội: Người không biết thấy sởn gai ốc, người biết rồi thì quẹt vội nước mắt- Ảnh 1.

Không chỉ cập nhật nhiều từ mới mà lướt mạng cũng giúp dân tình có thêm nhiều kiến thức từ nhiều vùng miền khác nhau. Mới đây nhất là câu chuyện xoay quanh loạt clip “Cọ ơi”.

Theo đó những clip này đều quay cảnh rừng núi với tiếng kêu rất thê lương, có phần đáng sợ của một loài chim, nghe gần giống tiếng gọi: “Cọ ơi! Cọ ơi”. Đi kèm các clip là những dòng chú thích buồn bã: “Cọ ơi cọ đừng kêu nữa/ Gọi mãi gọi hoài mà không ai thưa/ Cọ ơi tôi muốn về nhà”.

Đoạn clip tiếng "cọ ơi"

Sau khi được đăng tải lên MXH, nhiều đoạn clip “cọ ơi” viral, thu hút sự chú ý từ cư dân mạng. Có người tâm sự rằng nghe tiếng chim mà não lòng, chực rơi nước mắt. Bởi lẽ càng trưởng thành và đi xa nhà lại càng muốn về với bố mẹ nhưng bố mẹ đã không còn nữa hoặc mong ước được quay lại tuổi thơ mà chẳng được.

Cùng với đó, nhiều người lại thắc mắc “cọ ơi” là gì hoặc con cọ là gì, sao lại khiến người nghe não nề như thế. Thậm chí các từ khoá liên quan như “sự tích con cọ”, “kể chuyện sự tích con cọ”, “con cọ là con gì”,... cũng lọt tìm kiếm phổ biến.

"Cọ ơi là gì" xâm chiếm mạng xã hội: Người không biết thấy sởn gai ốc, người biết rồi thì quẹt vội nước mắt- Ảnh 2.

Từ khoá liên quan đến con cọ lọt tìm kiếm phổ biến trên MXH

Thực tế chim cọ là chim tu hú, một số địa phương ở vùng cao gọi chim cọ vì tiếng kêu đặc biệt của nó. Cũng chính vì xuất hiện ở nhiều vùng miền mà mỗi nơi, mỗi dân tộc lại có sự tích chim cọ khác nhau.

Một cư dân mạng cho biết ở vùng núi Quảng Bình, câu chuyện liên quan đến cách gọi bố ở vùng này. Tại đây bố được gọi là bọ. Ngày xưa có 2 bố con đi rừng và lạc mất nhau, tiếng gọi “bọ ơi”, “con ơi” của họ cứ vang mãi trong rừng nhưng không thể gặp lại nhau. Sau đó 2 bố con mất và hoá thành chim cọ nên mới có tiếng kêu như vậy.

Ở một số nơi khác, sự tích chim cọ lại liên quan đến cây vải. Người bố trèo lên cây vải hái cho con ăn nhưng chẳng may ngã và qua đời. Khi tìm thấy bố, người con khóc ngất đi rồi chết hoá thành con chim đi tìm bố. Cứ đến mùa vải, chim đi tìm bố với tiếng kêu thảm thiết như muốn gọi “Bố ơi! Bố ơi! Bố đâu rồi bố ơi".

Ngoài ra còn có cả sự tích chim cọ là câu chuyện của 2 mẹ con. Người mẹ nghèo nhưng luôn yêu thương chăm sóc con trai hết lòng còn con trai lại ham chơi, lười làm. Khi lâm bệnh nặng, biết không sống được bao lâu nên người mẹ khuyên con chăm chỉ làm việc, sống tử tế nhưng con trai không nghe, vẫn chứng nào tật nấy. Mãi đến khi mẹ sắp qua đời, người con mới chạy về nhưng đã quá muộn, mẹ cậu chết trong sự đau đớn và thất vọng. Sau cùng người con trai ngồi bên mộ mẹ khóc lóc thảm thiết và chết hoá thành chim cọ.

"Cọ ơi là gì" xâm chiếm mạng xã hội: Người không biết thấy sởn gai ốc, người biết rồi thì quẹt vội nước mắt- Ảnh 3.

Chim tu hú cũng chính là chim cọ (Ảnh: Wikipedia)

Có thể thấy ở mỗi nơi, sự tích chim cọ lại khác nhưng đều có điểm chung là sự nuối tiếc và nhớ thương nên hóa thành loài chim này. Cũng chính vì vậy mà mỗi khi nghe tiếng chim, nhiều người lại dấy lên cảm giác thê lương, đau lòng.

Một số bình luận từ cư dân mạng:

- Những ai ở vùng núi sâu xa hầu như đều nghe thấy được tiếng kêu này, đặc biệt là vào mùa vải chín.

- Nghe cọ kêu tui nhớ quê, nhớ nhà, nhớ tuổi thơ quá. Nghe mà nao lòng.

- Giờ tôi mới hiểu câu tu hú kêu là mùa vải sắp chín.

- Nghe tiếng cọ kêu lại nhớ quê hương mình sinh ra, thương bố mẹ ngày ngày băng rừng lội suối để kiếm cái ăn!

- Cọ kêu không buồn nhưng đi làm xa nghe nhạc này thấy buồn và nhớ nhà.

- Hồi xưa đi làm rẫy với mẹ hay nghe tu hú kêu. Giờ nhớ mẹ quá!

- Tôi xa quê 10 năm nay rồi thật sự tôi thèm nghe tiếng gọi này tiếng của quê hương - nơi sinh ra và nuôi dạy tôi lớn.

- Cứ mỗi lần nghe tiếng tu hú kêu là bao nhiêu ký ức tuổi thơ ùa về.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày