Trong quan niệm Á Đông, đặc biệt là theo phong thủy học, đất là nền tảng quan trọng bậc nhất để xây dựng ngôi nhà thịnh vượng, hòa hợp và trường tồn. Mảnh đất tốt được ví như long mạch của vũ trụ, có thể đem lại vượng khí, sức khỏe và tài lộc và ngược lại, nếu chọn phải đất phạm phong thủy , gia chủ chẳng những khó làm ăn mà còn gặp bất lợi trong nhiều khía cạnh khác của đời sống như sức khỏe, gia đạo...
Đất phạm phong thủy là những khu đất có đặc điểm vị trí, hình dạng hoặc địa thế không phù hợp với nguyên lý vận hành của phong thủy học, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến gia chủ. Những mảnh đất như vậy được cho là có thể tích tụ âm khí, bị tán khí hoặc rơi vào vị trí “hung”, khiến cuộc sống của người sở hữu gặp nhiều trắc trở, từ khó khăn tài chính, bệnh tật cho đến bất ổn gia đình.
Thế nào là đất phạm phong thủy? (Ảnh: Designing)
Dưới đây là những dấu hiệu đất phạm phong thủy theo quan điểm của phong thủy học phương Đông.
Hình thế mảnh đất xấu
Phong thủy rất coi trọng hình dáng mảnh đất. Mảnh đất lý tưởng nên có hình vuông hoặc hình chữ nhật, cân đối, không méo mó, không bị góc khuyết quá lớn.
Đất phạm phong thủy thường rơi vào các trường hợp sau: Đất hình tam giác (bị cho là không có chỗ tụ khí nên dễ xảy ra tranh chấp, hao tài); đất chữ L (khuyết góc, dễ khiến gia đình khuyết thiếu về nhân đinh hoặc tài lộc), đất đầu voi đuôi chuột (mặt rộng, đuôi hẹp, bị cho là khiến công việc làm ăn ban đầu tốt, sau xấu, không giữ được tài sản); đất hình mũi tên hoặc có góc nhọn chĩa vào (bị cho là tạo sát khí lớn, không tụ tài, dễ sinh chuyện thị phi, sự cố bất ngờ).
Mảnh đất có địa thế tụ nước nhưng không thoát nước
Theo phong thủy, “thủy tụ khí sinh”, nghĩa là nơi có nước tụ lại thường sinh ra sinh khí tốt, thuận lợi cho cư trú. Tuy nhiên, nếu nước tụ mà không thoát, ứ đọng lâu ngày sẽ trở thành “thủy uế”, tạo ra năng lượng xấu. Những nơi có nền đất thấp, hay bị ngập úng, quanh năm ẩm ướt được cho là dấu hiệu của mảnh đất phạm phong thủy, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và vận khí trong công việc, đời sống cá nhân.
Đất có long mạch bị đứt gãy hoặc bị chắn
Trong quan niệm phong thủy, long mạch là dòng chảy năng lượng tự nhiên qua các khu vực đất đai. Mảnh đất có long mạch mạnh được cho là sẽ mang lại sinh khí, vượng tài. Nhưng sẽ là đất phạm phong thủy nếu:
- Long mạch bị đứt gãy do xây dựng sai cách.
- Có vật chắn ngang (cột điện, nhà cao tầng, tường chắn).
- Đất nằm dưới đường cao tốc, đường sắt.
Phong thủy học coi đây là dấu hiệu đất bị "gãy mạch", khí bị tán loạn, không tụ được.
Mảnh đất bị con đường hoặc dòng sông đâm thẳng vào
Trong phong thủy, đây là thế “tiễn đao” hoặc “xung sát”. Con đường hoặc dòng nước đâm thẳng vào mảnh đất (đặc biệt là cửa chính hoặc giữa nhà) tạo thế khí lưu quá mạnh, không tụ được tài lộc. Đây là lý do mà nhiều nhà dù mặt tiền đẹp, đường rộng nhưng vẫn không thể làm ăn phát đạt.
Có thể khắc phục lỗi đất phạm phong thủy này bằng cách trồng cây chắn phía trước, xây tường chắn hoặc dùng bình phong phong thủy để làm chệch hướng dòng khí xấu.
Đất nằm sát nghĩa địa, bãi rác, nhà xác, bệnh viện
Những nơi như nghĩa địa, bãi rác, lò giết mổ, bệnh viện... bị cho là có nhiều năng lượng âm, tỏa ra uế khí, tà khí. Các nhà phong thủy cho rằng đất nằm quá gần những khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, khó tích tụ sinh khí.
Xung quanh mảnh đất có hình thế “hung hiểm”
Ngoài bản thân mảnh đất, môi trường xung quanh cũng đóng vai trò lớn khiến đất phạm phong thủy. Những yếu tố ngoại cảnh gây xung sát thường gặp gồm:
- Nhà đối diện có mái nhọn hoặc góc nhọn chĩa thẳng vào.
- Gần khu vực có âm thanh hỗn tạp (ngã ba, chợ, bến xe…).
- Bị các tòa nhà cao tầng chắn hết tầm nhìn (thế bị “đè đầu cưỡi cổ”).
Theo quan niệm phong thủy, những yếu tố này khiến năng lượng tốt khó vào, khí xấu dễ tấn công, gia chủ gặp áp lực, khó phát triển.
Cây cối trên đất không phát triển, động vật bỏ đi
Phong thủy quan niệm rằng nơi có sinh khí thì cây sẽ tốt, động vật dễ sinh sống. Nếu một mảnh đất dù để lâu nhưng cây cối vẫn khô héo, không mọc được hoặc động vật đến rồi lại bỏ đi, không làm tổ… thì rất có thể đất đó mang năng lượng xấu hoặc có vấn đề về từ trường.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.