Trong dịp Tết Nguyên Đán, trẻ em luôn cảm thấy vui vẻ, không chỉ vì chúng được mặc quần áo mới, ăn đồ ăn ngon mà còn vì chúng sẽ nhận được rất nhiều tiền lì xì.
Tuy nhiên, niềm vui này lại khiến nhiều bậc phụ huynh "đau đầu": Tiền lì xì của con trẻ nên xử lý như thế nào? Nếu giao trực tiếp cho con, họ lo lắng rằng con có thể làm mất hoặc tiêu xài hoang phí. Nếu "thu hồi" một cách cưỡng ép, họ lại sợ con không hài lòng hoặc gây ra sự phản cảm. Đây thực sự là một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, vậy phụ huynh nên làm gì?
Quản lý tiền lì xì một cách hợp lý
Một số phụ huynh thường nói với con: "Đ ưa tiền lì xì cho bố mẹ giữ hộ, bao giờ lớn bố mẹ trả".
Nhưng nhiều lúc, chính phụ huynh lại quên lời hứa giữ tiền đó. Kết quả là, tiền lì xì biến mất không dấu vết, điều này thậm chí còn bị đùa là một trong "những lời nói dối lớn nhất của cha mẹ".
Việc "cưỡng ép" lấy tiền lì xì của con cái dễ dẫn đến sự bất mãn và tâm lý chống đối ở trẻ. Dù sao đi nữa, đây là khoản tiền được ông bà, cha mẹ trao tặng, nên trẻ thường cảm thấy mình có quyền tự quyết định.
Nếu cha mẹ phớt lờ cảm xúc của con, trẻ có thể cảm thấy quyền lợi của mình bị tước đoạt, từ đó nảy sinh phản ứng tiêu cực về mặt tâm lý.
Tuy nhiên, nếu hoàn toàn để trẻ tự quản lý, chúng có thể nhanh chóng tiêu hết số tiền đó mà không có sự phân bổ hợp lý, đồng thời dễ hình thành tâm lý so sánh.
Nhiều trẻ thích khoe khoang với bạn bè về việc ai có nhiều tiền lì xì hơn, ai mua được đồ chơi hoặc đồ ăn vặt đắt tiền hơn. Nếu không có định hướng từ cha mẹ, trẻ có thể trở nên chạy theo chủ nghĩa vật chất hoặc tiêu xài mù quáng.
Vì vậy, quản lý tiền lì xì không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là cơ hội giáo dục. Thông qua những cách tiếp cận hợp lý, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu ý nghĩa văn hóa của tiền lì xì, từ đó rèn luyện quan điểm đúng đắn về tiền bạc và cách chi tiêu.
Truyền tải văn hóa truyền thống qua tiền lì xì
Khi trẻ nhận được tiền lì xì, chúng luôn cảm thấy vô cùng phấn khởi. Đây chính là cơ hội tốt để giới thiệu cho trẻ về văn hóa truyền thống liên quan đến tiền lì xì.
Cha mẹ có thể hỏi con: "Con có biết vì sao người lớn tặng tiền lì xì cho trẻ con không?". Sau đó giải thích rằng: Tiền lì xì là một phong tục truyền thống trong dịp Tết, tượng trưng cho lời chúc phúc của người lớn dành cho thế hệ trẻ.
Theo phong tục truyền thống, tiền lì xì hay tiền mừng tuổi có thể xua đuổi "tà ma" lấy ý từ chữ "tuổi" (岁) trong tiếng Hán, tượng trưng cho sự bình an và sức khỏe. Đây là sự trao gửi tình yêu thương và sự quan tâm, chứ không đơn thuần chỉ là một món tiền.
Ngoài ra, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng tiền lì xì không phải "tự nhiên mà có". Họ có thể giải thích: Cha mẹ tặng tiền lì xì cho con cái của người khác, thì những người lớn khác mới tặng lại tiền lì xì cho con.
Số tiền này, xét đến cùng, chính là thành quả lao động vất vả của cha mẹ. Lời giải thích này sẽ giúp trẻ nhận thức rằng tiền bạc đến từ sự nỗ lực và không nên tiêu xài hoang phí.
Sử dụng tiền lì xì để giáo dục con về tài chính
Phản ứng đầu tiên của trẻ khi nhận được tiền lì xì là muốn mua đồ như kẹo, đồ dùng học tập, sách hoặc đồ chơi.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể nhân cơ hội này để mở rộng nhận thức của trẻ về cách sử dụng tiền. Hãy hỏi trẻ: "Con có biết tiền lương của ba mẹ sau khi nhận về sẽ được chia ra như thế nào không?".
Cha mẹ có thể dựa trên tình hình thực tế, sử dụng những ví dụ cụ thể để giải thích tầm quan trọng của từng khoản chi tiêu và cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như gia đình.
Nhờ vậy, trẻ không chỉ học được các khái niệm cơ bản về quản lý tiền bạc mà còn hiểu được giá trị của việc tiêu dùng hợp lý và phân bổ tài chính một cách khoa học.
Sau khi giúp trẻ hiểu rõ hơn về tiền bạc, cha mẹ có thể cùng trẻ thảo luận cách quản lý tiền lì xì và tôn trọng ý kiến của chúng. Trong cách thực hiện cụ thể, tiền lì xì có thể được chia thành bốn phần:
Phần tự quản lý
Hãy dành một phần tiền lì xì cho trẻ tự quản lý, đây là cách quan trọng để đáp ứng nhu cầu tự chủ của trẻ.
Khuyến khích trẻ lập danh sách những món đồ muốn mua và hướng dẫn chúng học cách ghi chép sổ sách, theo dõi dòng tiền. Điều này giúp trẻ rèn luyện khả năng lập kế hoạch và ý thức trách nhiệm.
Phần tiết kiệm
Đưa trẻ đến ngân hàng và mở một tài khoản tiết kiệm mang tên chúng, giúp trẻ nhận thức tầm quan trọng của việc quản lý tài chính từ sớm. Tiết kiệm không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen tích lũy tài sản mà còn nâng cao khả năng lập kế hoạch cho tương lai.
Phần quyên góp từ thiện
Học cách chia sẻ cũng là một nội dung quan trọng trong giáo dục tài chính. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ dùng tiền lì xì mua quà tặng người thân hoặc ủng hộ trẻ em ở những khu vực khó khăn. Thông qua việc tham gia các hoạt động từ thiện, trẻ sẽ học được lòng biết ơn và sự quan tâm đến người khác.
Quản lý gia đình nhỏ
Hãy tạo lập một trò chơi nhập vai, giao cho trẻ trách nhiệm quản lý một phần chi tiêu gia đình bằng tiền lì xì, chẳng hạn như mua thực phẩm hoặc đồ dùng sinh hoạt. Điều này không chỉ giúp trẻ tăng cường ý thức trách nhiệm mà còn cho chúng trải nghiệm sự khó khăn trong việc quản lý tài chính của cha mẹ, từ đó biết trân trọng giá trị của đồng tiền hơn.
Tiền lì xì tuy nhỏ, nhưng lại chứa đựng rất nhiều cơ hội giáo dục quý giá. Thông qua việc hướng dẫn và quản lý hợp lý, cha mẹ có thể giúp trẻ từng bước hình thành quan điểm lành mạnh về tiền bạc. Giáo dục tài chính sớm chính là một tài sản vô giá sẽ mang lại lợi ích cho trẻ suốt cuộc đời.
Theo Sohu