“Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi kí thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về”.
Đây có lẽ là câu trích dẫn tôi yêu thích nhất trong “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh và bộ phim cùng tên. Hà Lan “đốt” Ngạn, không chỉ trong một buổi chiều mùa hè đẹp nơi xóm nhỏ, Hà Lan “đốt” Ngạn cả cuộc đời, từ ngày còn ở làng Đo Đo rồi tới khi lên thành phố. Người ta nói “Đi một vòng rồi sẽ tìm thấy nhau”, Nguyễn Nhật Ánh đưa Ngạn đi một vòng “Mắt biếc”, rời khỏi làng rồi cũng trở về dạy học nhưng cuối cùng cũng không “tìm thấy nhau”. Chỉ còn hình bóng của Hà Lan còn vương vấn nơi con đường, hàng cây, những lá thư và bàng bạc trong cô con gái Trà Long. Chỉ là một vòng luẩn quẩn thôi, nào ai tìm thấy điều gì.
Nguyễn Nhật Ánh - có một thế hệ độc giả yêu “Mắt biếc” của ông không phải vì đôi mắt đẹp của Trần Nghĩa, khung cảnh bức tranh đồng quê trầm mặc và thơ mộng được Victor Vũ dựng lên. Chúng tôi yêu các tác phẩm của ông vì những câu chuyện tình mộc mạc nhưng gieo vào đầu độc giả những niềm thương nhớ vu vơ, đôi khi là sự hụt hẫng như một ai đó vừa bước qua đời mình thực sự. Tại sao có quá nhiều chàng trai trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đi qua tuổi trẻ với mối tình si không có điểm kết, phải chăng vì Nguyễn Nhật Ánh đã có một tuổi trẻ như vậy? Không ai biết nữa.
Nếu “Mắt biếc” có thể lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả thì “Còn chút gì để nhớ” cũng làm được điều tương tự. Một ngày nào đó, khi “còn chút gì để nhớ” lên phim, khán giả sẽ lại xót xa và thương cho câu chuyện của Chương - chàng nhân vật chính vấn vương với câu chuyện tình yêu của Quỳnh. Cả đời Ngạn, câu chuyện tình yêu đã chìm trong ánh mắt buồn của Hà Lan, một ánh mắt buồn khiến anh “xốn xang và cảm thấy mình có lỗi” dù biết “nguyên do của nỗi buồn chẳng dính dáng” gì đến mình. Chương thì khác, Chương chỉ để lòng vấn vương với Quỳnh khi bước lên Sài Gòn. Chương và Quỳnh cũng từng có những phút giây vui vẻ, bên căn nhà còn có Trâm và Lan Anh.
Rồi Quỳnh cũng bỏ Chương vì nghe lời bố mẹ, vì sợ cuộc sống sau này sẽ ảnh hưởng do lý lịch của anh người yêu. Hà Lan cũng ngây ngô, Quỳnh cũng dễ mủi lòng và nghe lời ba mẹ, ôi sao những cô gái trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh cứ mong manh và mềm mỏng, để ai dám buông lời trách móc? Đáng nhẽ Chương phải tới với Kim Dung - cô bạn học cá tính hay Trâm - chị gái của Quỳnh, người đã bao ngày ngóng đợi Chương về nhưng anh vẫn cứ tránh né không muốn về thành phố. Ngày trở về Sài Gòn, Quỳnh đã có người thương, Trâm đã qua đời, Kim Dung cũng không còn ở thành phố.
Sau bao nhiêu năm, chàng trai khờ dại vẫn cứ quẩn quanh với câu hỏi “trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không”. Những mất mát, hụt hẫng và trống vắng sau bao nhiêu năm cũng chẳng làm vết sẹo tình yêu bong vẩy, chỉ khiến Chương “lên da non” đớn đau khi qua ngõ nhà Quỳnh. Chương ơi, nghĩ sao mà buồn đến cháy lòng.
Nhiều người đọc của thế kỷ 21 phê phán Chương, trách móc Ngạn, rằng họ quá tốt, quá khờ, quá si tình khi biết câu chuyện sẽ không bao giờ có hồi kết. Chúng ta đang đem thế giới quan của những con người yêu với mục đích rõ ràng, sống trong thế giới tình yêu đầy vụ lợi, đầy ắp ứng dụng hẹn hò khiến người ta không thiếu lựa chọn. “Không có Hà Lan này thì có Hà Lan khác”. Họ trách Ngạn quá dùng dằng, lừng chừng để tuột mất người con gái của đời mình. Ngạn của Nguyễn Nhật Ánh sống cách chúng ta vài thập kỷ, bạn đòi hỏi gì ở một chàng trai bước ra từ những vùng nông thôn nghèo, giản dị và chân phương như những bông hoa dại. Ngạn cũng vậy, Hà Lan cũng vậy. Có lẽ vì thế, những người như Ngạn hay anh Chương chỉ còn trong hồi ức - những gã si tình chỉ biết gửi tình yêu qua nhạc và thơ.
Nguyễn Nhật Ánh không kể câu chuyện tình yêu bằng tháng bằng ngày, ông kể chuyện tình yêu bằng năm rồi cả thập kỷ, day dứt vắt qua lứa tuổi hoa niên cho tới những năm tháng trưởng thành. Một buổi chiều “đi qua hoa cúc”, người ta cũng thấy dằng dặc một nỗi buồn, loang loáng bên hiên nhà nơi nhân vật Trường vẫn nhìn trộm chị Ngà. Chàng trai khù khờ, ngây ngô của tuổi 16 đã không thể giữ được người thương cho riêng mình, để một người khác cướp đi mất những niềm nhớ thương suốt mùa hè. Tình đơn phương đẹp như cánh hoa, nhưng sao mà sắc cứa cả cuộc đời, để Trường ôm nỗi đau khổ khi biết chị Ngà tìm đến cái chết, để người con gái thuở nào chỉ còn là hình bóng trong hồi ức.
“Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người…”.
Mối tình niên thiếu của Ngạn dành cho Hà Lan không thấp thoáng sắc vàng hoa cúc nhưng cũng quyến luyến bên những đồi sim, đồi mua. Đọc hết vài trăm trang truyện, xem hết bộ phim, người ta vẫn tự hỏi liệu đã có khoảnh khắc nào, Hà Lan nói thích Ngạn chưa? Hình như không; nụ cười và ánh mắt dành cho cậu bạn Ngạn ngày nào, đến cuối tác phẩm vẫn chưa vượt qua được ranh giới của tình yêu. Hoặc có lúc nào đó chăng, Hà Lan cũng thích Ngạn mà không ai hay biết?
Chúng ta thương Ngạn như thương cho chính mình; tình đơn phương nào ai dám tự nhận là vui vẻ, hạnh phúc. Ngạn biết rằng dù năm ấy, nếu cậu có nói thẳng với Hà Lan rằng anh yêu cô, câu chuyện cũng chưa chắc đã bước sang một trang mới. Vì vốn dĩ nó chỉ là một mối tình đơn phương, kể cả Ngạn có đánh thắng Dũng, Hà Lan cũng không trở về với cậu, về với làng Đo đo và mái nhà thuở nào. Yêu đơn phương như Ngạn, như Trường không khiến người ta khóc nức nở. Ngày Hà Lan rời bỏ Ngạn đi theo Dũng không phải ký ức buồn nhất; chính những kỷ niệm êm đềm nhất, tươi màu nhất mới cứa sâu nỗi đau tới cùng cực - như một khóm cúc vàng hay giàn thiên lý, đồi sim tím và chiếc guitar một thuở tình si.
“Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ.”
“Ngày xưa có một chuyện tình” có lẽ là tác phẩm khá mới với công chúng của Nguyễn Nhật Ánh nhưng câu chuyện của Vinh - nhân vật nam chính, cũng có nét tương đồng với Ngạn. Với Miền, nữ chính của câu chuyện, Vinh cũng chỉ là một cậu bạn thiếu thời, người để cô chia sẻ vui buồn chứ không phải để yêu. Rồi Miền có con với người Phúc, một cậu bạn khác của cả hai nhưng trái ngang thay, Phúc đã bỏ đi để lại Miền và đứa con của hai người, cuối cùng lại được Vinh nuôi nấng.
Nếu Vinh hay Ngạn bước ra khỏi văn chương vào năm 2019, người trẻ thời này sẽ cười họ như những kẻ “đổ vỏ”, những kẻ “dở hơi” đi chăm con của người mình thương và nhân tình. Trà Long - con gái của Hà Lan và Dũng, không gọi Ngạn là bố nhưng giữa họ cũng có sự gắn kết mật thiết, còn hơn cả tình yêu Trà Long dành cho mẹ hay Dũng. Chúng ta nhìn về một mặt nhu nhược hay si tình của Ngạn mà bỏ quên đi nửa kia của một chàng trai tốt và tử tế, sẵn lòng vì Hà Lan mà làm tất cả, cũng như Vinh bất chấp nuôi lấy con người. Có những câu chuyện thời bấy giờ là điều bình thường như ngày nay lại là một điều xa xỉ. Ngạn là một chàng trai tốt, dù Hà Lan có không bao giờ yêu cậu thì Ngạn vẫn ghé thăm mẹ Hà Lan, chăm sóc Trà Long như con của mình.
Chúng ta đặt mình trong cuộc sống hiện đại và tự hỏi Ngạn được gì sau những hy sinh và công sức; cậu có được sự thanh thản, bình tâm và nhẹ nhõm khi đã không giết chết thứ tình yêu con trẻ của mình và để hiểu rằng, có những tình yêu và lòng tốt vẫn trường tồn theo thời gian. Tình yêu kiểu đó, có thể quá lý tưởng hóa với cuộc sống hiện tại, nhưng tôi vẫn nghĩ sẽ có nhiều người lựa chọn cách sống của Ngạn, yêu lấy người như Ngạn và yêu mến con người Ngạn, không được 10 phần mà chỉ 7, 8 phần cũng khiến cuộc sống lấp lánh sự tử tế.
Hà Lan trong mắt Ngạn không chỉ là cô bạn gái bé nhỏ hay mối tình đơn phương đầy mê đắm, đó là cả tuổi thơ êm đềm. Chúng ta có thể quẳng đi nhiều thứ trong cuộc đời, nhưng kỷ niệm về tuổi thơ vẫn cứ ở đó dẫu bao điều trôi chảy.
“Vũ trụ” tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh luôn đi từng thời niên thiếu, 18 hay đôi mươi, có lẽ vì nhiều tác phẩm truyện dài được ông sáng tác trong giai đoạn còn trẻ. Những chàng trai điển hình của Nguyễn Nhật Ánh, bao giờ cũng nghịch ngợm nhưng dịu dàng, tư lự trước một ánh mắt biết nói, biết cười. Đi qua năm tháng, họ dạn dĩ, trầm lắng hơn, trong cả tình yêu và cuộc sống. Nhưng có được một cái kết hạnh phúc, được mấy ai?
Mắt Ngạn, còn buồn hơn mắt Hà Lan. Đôi mắt ầng ậc nước ấy nhìn ra ngoài khung cửa tàu hỏa khiến trái tim người xem quặn thắt. Có những người, đã gặp Ngạn rất nhiều lần trong “Mắt biếc”, đọc đi đọc lại không biết bao lần, hiểu được cuộc đời Ngạn cũng như đời Chương, Trường hay Vinh nhưng vẫn mơ một cái kết hạnh phúc. Nhưng thôi, hãy cứ để đó là một nỗi buồn trọn vẹn. Hoặc ai đó vẫn vui vì nếu ở trong hoàn cảnh của Ngạn, người ta cũng chẳng biết phải đương đầu như nào.
Ngạn của Nguyễn Nhật Ánh, Ngạn của Hà Lan, Ngạn của Trà Long và Ngạn trong chúng ta, đâu có phải một người?
“Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và người chú yêu dấu.
Ngày mai, khi cháu đến tìm chú hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”.