01
Có một câu chuyện kể về một thanh niên vô tình nhặt được một ấm trà vô cùng quý giá. Anh ta rất yêu quý ấm trà đó, để tránh bị trộm cắp, anh ta thậm chí lúc đi ngủ cũng để nó trên đầu giường.
Một lần, không biết mơ ngủ ra sao, anh ta xoay người, chẳng may quơ tay vào ấm trà làm nắp ấm rơi xuống đất. Hoảng hốt mở mắt, anh ta vừa buồn vừa bực, miệng lẩm bẩm: nắp ấm chắc chắn là bị vỡ rồi, giữ lại ấm trà này còn được tác dụng gì?
Nghĩ rồi, anh ta tiện tay với lấy ấm trà trên đầu giường ném nó ra khỏi cửa sổ, rồi quay lại ngủ trong tâm trạng bực bội.
Không ngờ rằng, ngày hôm sau ngủ dậy phát hiện cái nắp "vỡ rồi" kia vẫn nguyên vẹn, nó bị rơi trúng cái dép bông của anh ta.
Cậu thanh niên khóc không thành tiếng, vừa tức vừa hối hận, nhớ lại ấm trà đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua. Giữ lại cái nắp không để làm gì? Vậy là lại tức giận đập vỡ tan luôn cái nắp.
Sau khi ăn sáng xong, anh ta chuẩn bị để đi làm. Vừa bước ra ngoài cửa, vô thức ngẩng đầu lên thì thấy ấm trà không có nắp đang treo lơ lửng trên cành thông bên ngoài cửa sổ…
Đọc đến đây, chắc hẳn mọi người đều sẽ cảm thấy "dở khóc dở cười" thay anh thanh niên trong câu chuyện, dẫu sao thì "hành sự" tại nhân, "thế sự" tại thiên.
Nếu anh ta có thể bình tĩnh lại, xem xét lại sự việc thì kết cục đã có thể khác.
Nghĩ lại thì, ai không từng có một "ấm trà treo trên cây" trong đời?
Nhiều khi, mới gặp phải một chút chuyện thôi chúng ta liền mất bình tĩnh, không nhìn nhận rõ sự việc, thậm chí bốc đồng đưa ra quyết định khiến bản thân hối hận và tiếc nuối.
Trên thực tế, ông trời đã cho người thanh niên đó hai cơ hội để cứu vãn, nhưng thật không may, anh ta lại chỉ biết hành động theo cảm tính, vì vậy, số phận đã định anh ta sẽ phải mất đi vật mà mình yêu quý.
Người ta nói rằng bốc đồng chính là ma quỷ, phàm là làm việc gì cũng luôn phải "suy tính trước sau". Nếu trước khi đưa ra quyết định, cho mình một cơ hội bình tĩnh lại để suy nghĩ và xử lý, cho bản thân thêm một chút nhẫn nại, nghĩ sự việc theo hướng tốt, vậy thì đời người sẽ bớt đi một phần tiếc nuối.
02
Cách đây một thời gian, tôi gặp D, một người bạn của tôi. D nói rằng cậu ta suýt nữa đã ly hôn vào tháng trước.
Nổi tiếng là người yêu vợ, bỗng dưng cậu ta nói mình suýt ly hôn, tôi có chút bất ngờ.
Có nghe kể thì mới biết toàn là những chuyện lặt vặt không đâu:
Không may là vào ngày lễ tình nhân, D lại đang phải đi công tác. Khi trở về, cậu ta quên mất là phải mua quà, cô vợ thấy vậy không vui: "Ngày kỷ niệm anh không nhớ, ngày Valentine anh cũng quên, trong lòng anh rốt cuộc có em hay không."
Ngồi trên ghế sofa, D nghĩ rằng mình vì gia đình này mà mệt mỏi và kiệt sức đến như nào, vậy mà vừa về đã bị nói cho một trận như vậy, nhất thời tức giận to tiếng với vợ.
Hai người cãi nhau, chuyện từ tám đời cũng lôi lại để cãi, cuối cùng thốt ra: "Ngày mai lên quận ly hôn".
Sáng sớm hôm sau, hai người lên quận, nhưng lại quên mất hộ khẩu nên không làm được thủ tục.
Cả hai người đều sững sờ: Không phải ly hôn chỉ cần mang chứng minh thư là được ư?
Lúc này, thái độ của cô vợ cũng không còn quá quyết liệt như hôm qua, quay sang hỏi D, có phải anh cố tình quên không, anh có thật sự muốn ly hôn không.
Sau một đêm bình tĩnh, cơn tức của D cũng đã biến mất. Cậu ta cảm thấy tình cảm của hai người đã tới mức không thể tách rời, trải qua hơn 10 năm yêu nhau, lại từng có giai đoạn yêu xa rồi cuối cùng mới về một nhà, ly hôn như vậy không phải rất lãng phí ư?
Sau đó, hai vợ chồng cùng nhau về nhà, D sau khi về nhà lao vào giặt giũ nấu cơm ngay lập tức.
Thực ra, kể cả là những cặp vợ chồng hạnh phúc thì ít nhất cũng phải có tới hơn 200 suy nghĩ về việc ly hôn và hơn 50 lần muốn cấu xé nhau trong đời. Không phải họ không yêu nhau, chỉ là khi đó, sự giận dữ đã chiếm giữ não bộ của họ.
Người xưa nói rất đúng, khi tức giận IQ sẽ bằng 0, đưa ra quyết định vào những lúc như vậy là hành động ngu xuẩn nhất.
Vì vậy, khi gặp phải chuyện gì đó, hãy cho mình một cơ hội bình tĩnh lại, đừng để những lời nói tức giận làm tổn thương người khác.
03
Trong tác phẩm "Marie Antoinette: The Portrait of an Average Woman" của tác giả Stefan Zweig có một câu như sau: "Chúng ta dành một năm để học nói, nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng".
Biết ăn nói là một loại khả năng; lặng lẽ quan sát cũng chính là một loại khoan dung và khôn ngoan.
Trong cuộc sống thực, có rất nhiều người thích "chuyện bé xé ra to", không vừa ý một chút thôi là lại muốn cả những người xung quanh cũng không được yên ổn.
Càng gặp chuyện gấp càng cần bình tĩnh lại.
Có lẽ chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng hãy cố gắng thay đổi bản thân mình, học cách để mâu thuẫn, nóng giận sang một bên, học cách "xử lý lạnh".
Thế nào là "xử lý lạnh"?
Đó là khi bạn đang trải qua những cảm xúc tồi tệ, đừng vội vàng đưa ra quyết định, mà hãy để bực tức đó sang một bên, rồi dành cho mình 30 giây, 3 phút, 3 giờ hoặc thậm chí 3 ngày để "tiêu hóa" nó.
Có lẽ khi bạn thả lỏng, mọi thứ sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
"Xử lý lạnh" là một loại trưởng thành và ổn định là con người, là một loại trí tuệ, nó có thể hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và giúp bạn tránh được những hối tiếc không đáng có.
Vì vậy, dù tình hình có tệ đến mức nào cũng đừng quá nóng nảy. Nếu gặp phải chuyện gì đó mà không chịu bình tĩnh lại cân đo đong đếm, vậy thì bạn không chỉ đang vứt đi cái "nắp ấm trà" mà đến cả cái "bình trà" cũng sẽ rời bạn mà đi.