Có một cảm giác len lỏi khắp tâm trí người trẻ: Lạc lõng chứng kiến thành công của những người đồng trang lứa còn mình vẫn 'chưa làm nên trò trống gì'

Poni Lê, Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị 17:35 07/10/2021
Chia sẻ

Cảm giác kém cỏi khi chứng kiến những người đồng trang lứa đã có trong tay nhiều thứ, còn mình vẫn lo lắng về mức thu nhập để trang trải đủ cho cuộc sống hàng ngày. Áp lực không? Có! Áp lực tới mức thở thôi đã mệt!

Bạn có bao giờ cảm thấy lạc lõng khi chứng kiến những thành công của bạn bè? Cảm thấy tự ti khi nhìn thấy sự thành công vượt bậc của người khác ở độ tuổi quá trẻ, khi bạn chỉ mới chập chững bắt đầu sự nghiệp? Hay thậm chí có cảm giác kém cỏi khi chứng kiến những người đồng trang lứa đã có trong tay nhiều thứ, còn mình vẫn lo lắng về mức thu nhập để trang trải đủ cho cuộc sống hàng ngày?

Đó là khi bạn biết bạn đang gặp phải "áp lực đồng trang lứa" (peer pressure). Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng vì điều này vì bạn chắc chắn bạn không phải là người duy nhất.

"Tác dụng phụ" trong sự phát triển vũ bão của mạng xã hội

Ganh tị là một cảm xúc rất con người, thế nhưng ngày nay, giới trẻ có lẽ dễ gặp phải cảm xúc này hơn khi cuộc sống của họ thường trực gắn liền với mạng xã hội.

Với sự phát triển cuồng nhiệt của không chỉ một mà rất nhiều mạng xã hội, mọi người buộc phải thể hiện những điều tốt nhất của mình để nhận về những lượt "thả tim", like, và theo chiều ngược lại, bạn cũng sẽ bị bủa vây bởi những điều tốt nhất, đẹp nhất từ những người xung quanh. Cuối cùng như một điều tất yếu, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Có một cảm giác len lỏi khắp tâm trí người trẻ: Lạc lõng chứng kiến thành công của những người đồng trang lứa còn mình vẫn chưa làm nên trò trống gì - Ảnh 1.

Nếu bạn sống ở một miền quê hẻo lánh hoặc ẩn dật trong một khu rừng mà không có sóng điện thoại, có lẽ bạn sẽ ít khi có cảm giác ghen tị với một ai khác, đơn giản vì họ không lọt được vào tầm quan tâm của bạn.

Tiếc thay, chúng ta đều đang sống trong một xã hội mà bạn không ít thì nhiều cũng phải chạy theo các quy chuẩn, sở hữu thêm hoặc vật chất hoặc hình thức, để khẳng định vị thế bản thân và không cảm thấy thua thiệt với phần còn lại của thế giới.

Luôn có những người giỏi hơn

Việc so sánh mình với người khác vốn dĩ đã không mang quá nhiều ý nghĩa bởi mỗi người đều có những "sở trường, sở đoản" khác nhau. Bất cứ ai cũng là một cá thể riêng biệt và có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách.

Việc bạn so sánh bản thân với người khác để tìm mục tiêu phấn đấu có lẽ là một loại áp lực "dễ thương", nhưng trong hầu hết các trường hợp, nếu không tỉnh táo, thứ bạn nhận về có thể đơn thuần chỉ là những áp lực vô nghĩa khiến bạn thêm căng thẳng và không phát huy được hết khả năng của bản thân. Áp lực đồng trang lứa chính là một trong số đó.

Có một cảm giác len lỏi khắp tâm trí người trẻ: Lạc lõng chứng kiến thành công của những người đồng trang lứa còn mình vẫn chưa làm nên trò trống gì - Ảnh 2.

Hãy tin rằng mỗi chúng ta đều có một "dòng thời gian" của riêng mình. Chúng ta không bắt buộc phải tìm được một công việc lương cao khi vừa ra trường, lập gia đình khi gần 30 tuổi, hay thành công khi ở một độ tuổi nhất định như những người khác.

Ngược lại, chúng ta có thể thành công vào năm 35 tuổi, tìm thấy nửa kia vào năm 40 tuổi và tận hưởng cuộc sống của mình theo cách mà chúng ta cảm thấy trọn vẹn nhất. Đừng để áp lực đồng trang lứa cướp đi sự tự do vui sống trong hiện tại của chính bạn.

Phải làm sao để thoát khỏi những so sánh hơn thua?

Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không hoàn toàn tránh được việc nhìn thấy và so sánh với thành tựu của người khác, đặc biệt là với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, thay gì tránh né và khiến điều đó trở thành áp lực vô hình kìm hãm sự phát triển, bạn hãy thử biến nó thành động lực bằng cách cho bản thân một cơ hội để phấn đấu theo khả năng của chính mình.

Hãy động viên bản thân rằng nếu cố gắng và kiên trì theo đuổi mục tiêu, một ngày nào đó bạn cũng sẽ đạt được những điều mình mong muốn, và không nhất thiết phải là ngay bây giờ.

Có một cảm giác len lỏi khắp tâm trí người trẻ: Lạc lõng chứng kiến thành công của những người đồng trang lứa còn mình vẫn chưa làm nên trò trống gì - Ảnh 3.

Nếu chưa tìm được thành công ở tuổi 20, hãy tiếp tục nỗ lực khi 30, 40 tuổi và thậm chí lâu hơn. Nếu chưa tìm được nửa kia, hãy tiếp tục tận hưởng cuộc sống theo cách của mình và đừng tạo thêm áp lực không cần thiết cho bản thân.

Hãy điều chỉnh các mục tiêu cá nhân sao cho phù hợp với bản thân nhất và cảm thấy thoải mái nhất. Đừng quên rằng những người mà bạn đang ngưỡng mộ cũng luôn có những áp lực của riêng họ, những khó khăn họ phải vượt qua và những mục tiêu mà họ muốn hướng tới. Điều duy nhất mà bạn có thể kiểm soát được chỉ là mục tiêu mà bạn đặt ra cho bản thân bạn mà thôi. Và hãy kiên trì trên con đường mình đã chọn.

Nguồn: Barcode

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày